• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề xuất sửa 32 luật nếu... thông qua Luật Quy hoạch

Thời sự 18/09/2017 11:45

(Tổ Quốc) - Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Dự án Luật Quy hoạch là một luật mới nên nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến (Ảnh: Hà Giang)

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, Luật Quy hoạch đã không được trình Quốc hội thông qua như dự kiến ban đầu bởi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc sau khi Luật Quy hoạch được thông qua phải sửa bao nhiêu luật? Sửa như thế nào? Chính phủ có bảo đảm trình Quốc hội sửa các luật để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch không? Và những vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng?

Vì thế, sáng 18/9, những ý kiến xung quanh các vấn đề nêu trên tiếp tục được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn luận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án đề xuất của Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan có quy định về hoạt động quy hoạch, theo đó được phân thành 2 nhóm:

Nhóm 1, đề nghị sửa đổi, bổ sung 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật được đề nghị sửa đổi tại điều 69, dự thảo Luật Quy hoạch.

Nhóm 2, đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh… cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm chất lượng.

Về thời điểm thi hành, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động quy hoạch trong các luật có liên quan là cần thiết và các quy định này phải có hiệu lực thi hành đồng thời vào ngày 01/01/2019, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh việc tạo ra các khoảng trống, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước.

Cho ý kiến về “dùng một luật sửa đổi nhiều luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn 2 ý kiến khác nhau, một là nếu sửa thì Luật quy hoạch không còn tính chất ban đầu. Ý kiến thứ 2 thì trong điều kiện hiện nay vẫn phải “nắn vào”, vẫn phải “gọt chân cho vừa giày”. Tuy nhiên, theo ông Hiển, đến lúc này khi đọc kỹ thì vẫn thấy các điều 27,28,29 trong dự thảo vẫn còn xung đột.

Chẳng hạn, theo quy định của Luật Xây dựng thì quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do Bộ Xây dựng chủ trì, nhưng trong dự thảo lại quy định do Thủ tướng và Bộ KH&ĐT chủ trì. “Như thế có phù hợp không? Quy định như Chính phủ cũng khó tích hợp”, ông Hiển nêu.

Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát số luật sửa là bao nhiêu, sửa khoản nào, điều nào, khi nào sửa, khi sửa thì tác động thế nào?

“Chính phủ đã nêu được 8 luật được nêu chi tiết tức là chỉ sửa quy hoạch thành kế hoạch. Còn 24 luật chưa nêu được khoản nào, điều nào. Uỷ ban Kinh tế cho rằng không phải là 24 luật mà có thể tăng thêm. Nếu như vậy thì sẽ quá tải trong xây dựng pháp luật từ nay đến 2019, Quốc hội có làm được không? Chúng ta đang làm việc mà không biết đi đến đâu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, theo rà soát của Ủy ban Pháp luật thì số luật có liên quan đến dự án Luật Quy hoạch phải sửa đổi, bổ sung sẽ còn nhiều hơn 24 luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua theo hướng mở, luật nào chưa được thông qua theo chương trình thì dồn lại đến kỳ họp sau, những vấn đề cấp bách cần phải xây dựng luật cũng được bổ sung vào chương trình.

Đến nay, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào chương trình một số dự án luật. Như vậy, số lượng dự án luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã rất lớn. Nếu cộng thêm số lượng lớn luật phải sửa đổi, bổ sung theo dự luật Quy hoạch thì số lượng luật phải xây dựng quá lớn. Để tránh tình trạng quá tải với Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề xuất phương án dùng một luật sửa nhiều luật.

“Xây dựng một luật chỉ sửa các luật liên quan đến quy hoạch là khả thi. Còn xây dựng cả 24 luật thì quá tải. Đặc biệt là chương trình làm luật theo phương án mở tức là luật nào chưa thông qua được thì dồn lại để kỳ sau, chưa kể Chính phủ trình thêm một số luật cấp bách, cần phải sưa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Nếu bổ sung 24 luật không khả thi và đều thông qua tại 1 kỳ họp. Như vậy 1 kỳ phải thông qua 40-50 luật là không thể làm được”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Uông Chu Lưu cho rằng, đây là luật có nhiều ý kiến khác nhau nhất trong số các luật trong nhiều năm qua. Vấn đề là xử lý thế nào để bảo đảm tính khả thi để khắc phục sự chồng chéo, cục bộ hiện nay.

Theo đại biểu Uông Chu Lưu, lần này trình ra danh mục các luật liên quan đến quy hoạch gồm 32 luật, chia làm 2 nhóm, nhóm 1 gồm 8 luật có thể sửa thẳng trong Luật quy hoạch, còn 24 luật nếu các bộ  ngành thực sự quyết tâm thì hoàn toàn có thể làm được.

“Còn cách làm là dùng một luật sửa các luật liên quan. Hoặc phương án nữa là các luật có liên quan thì sửa vào một luật, còn những luật nào sửa phức tạp thì có thể sửa riêng thành một luật”, đại biểu Uông Chu Lưu chia sẻ quan điểm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Chính phủ trong việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn khi ngoài 8 luật còn cả “đống luật” nữa vì chưa rõ sẽ sửa bao nhiêu luật.

“Luật quy hoạch là sự cần thiết mang tính đột phá, khắc phục quy hoạch rải rác, lung tung, ngành nào cũng quy hoạch, luật nào cũng quy định về quy hoạch. Nếu không thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV sẽ bỏ lỡ việc xây dựng chiên lược tiếp theo cho nhiệm kỳ 2021-2025, mất cơ hội xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn sau, làm lỡ nhịp phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ