(Tổ Quốc) - Đêm huyền diệu (Folklore Night) là chương trình nghệ thuật đặt hàng của Bộ VHTTDL đối với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc năm 2020. Chương trình có sự tham gia của một ê kíp với những tên tuổi sáng giá, đặc biệt là có sự góp công của các nghệ nhân nổi tiếng về diễn xướng dân gian: Lò Thị Ban, Lèo Văn Doan, Long Thị Pheng, Chu Văn Khiêm.
Đêm huyền diệu gồm các tiết mục: Hòa tấu và hát múa Đêm huyền diệu, Gọi vía, Tính tẩu, Lời dặn dò, Khèn mơ, Tắm suối, Xóc xách gậy tiền, Hỉn Xuân, Hồ... Hồ hà hề, Fạ moong, Nàng ới qua sông, Thổ cẩm. Chương trình với hàm lượng đậm đặc nghệ thuật dân gian được kết hợp với phối khí, dàn dựng mang phong cách nghệ thuật đương đại. Sự trình diễn giữa nghệ nhân dân gian với các nghệ sĩ đương đại là sự kết hợp vô cùng đặc biệt. Bằng mê hoặc của âm nhạc và các điệu múa, các nghi lễ, sinh hoạt dân gian ở nhiều miền thuộc Tây Bắc, Việt Bắc, chương trình đã đưa người xem chu du, đắm mình, được tan biến vào đêm huyền diệu của văn hóa dân gian.
Vẫn là những làn điệu Soong Hao (Dân tộc Nùng), Sli, Lượn cọi (Dân tộc Tày) hay các làn điệu dân ca Thái... vốn rất quen thuộc thì nhờ với phối khí, hòa âm của đạo diễn âm nhạc cùng sự kết hợp của múa, bỗng chốc trở nên vô cùng mới lạ, hấp dẫn. Đêm huyền diệu là một cuộc chơi nghệ thuật dân tộc dân gian của những người làm nghệ thuật nghiêm túc và chuyên nghiệp. NSƯT, Biên đạo múa Lê Khánh Toàn, Tổng đạo diễn chương trình đã lần đầu tiên trong lịch sử nhà hát mời những nhạc sĩ và cả những biên đạo múa đương đại để cùng tham gia dàn dựng.
Phương pháp của nghệ thuật đương đại kết hợp với sự tự nhiên, mộc mạc của nghệ thuật đậm đặc chất Folklore đã tạo nên một “đặc sản” riêng. Các biên đạo, nhạc sĩ tài năng đã ẩn mình và phát huy tối đa sức mạnh của âm nhạc dân gian trong Đêm huyền diệu. Sự khác biệt của Đêm huyền diệu là tuy đậm đặc chất Folklore nhưng không để lệ thuộc vào hình thức thể hiện truyền thống mà phá cách, lấy những nét đặc sắc tiêu biểu từ làn điệu âm nhạc, đẩy nhanh mọi tiết tấu dàn dựng cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại.
Dàn dựng hai tiết mục Múa Xóc xách gậy tiền và Hồ... Hồ hà hề, hai biên đạo múa Vũ Khánh và Phương Vi là những nghệ sỹ của nghệ thuật đường phố từng tu nghiệp tại Singapore và Nhật chưa từng dàn dựng tiết mục dân gian nhưng không ngờ với tư duy dàn dựng mang tính ngẫu hứng, họ đã thổi vào các điệu múa của dân tộc H’Mông, dân tộc Dao một sinh khí mới. Những màn trình diễn quần vũ vô cùng hấp dẫn, tự nhiên với tiết tấu nhanh, bất ngờ bởi sự phối hợp đặc biệt giữa ngôn ngữ múa dân gian và phong cách dàn dựng đương đại.
Để chuẩn bị cho chương trình, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã cử nhiều cán bộ, nghệ sĩ đi sưu tầm âm nhạc dân gian từ Lạng Sơn, Sơn La và kỳ công đón các nghệ nhân Long Thị Pheng, Chu Văn Khiêng (Huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) về dạy các làn điệu Soong Hao của dân tộc Nùng, đón nghệ nhân Lò Thị Ban, Văn Doan (Sơn La) về dạy hát dân ca dân tộc Thái đen, mời NSND Nguyễn Văn Quý (Nhà hát Tuồng VN) về dạy cách đánh trống...
NSƯT Thanh Xuân, Biên đạo múa, Phó trưởng phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: “Là một người làm nghề múa, và một khán giả, tôi đã bị Đêm huyền diệu cuốn hút ngay từ tiết mục mở đầu cho đến phút cuối của chương trình. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã thể hiện rất tốt vai trò là một nhà hát của Bộ khi thu nạp rất sáng tạo và hấp dẫn những nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của mọi vùng miền, đặc biệt là khu vực miền núi Việt Bắc, Tây Bắc. Cách làm này của nhà hát trong sự kết hợp giữa Dân gian – Hiện đại gợi mở cho các tác giả trong việc đi tìm những hướng đi mới để đưa nghệ thuật dân gian gần lại hơn với công chúng đương đại. Đêm huyền diệu đã đạt tới sự hoàn chỉnh của một chương trình nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp”.
Nhạc sĩ, NSƯT Minh Tiến, đạo diễn ca nhạc nói: “Khi tham gia dàn dựng âm nhạc cho chương trình, tôi cũng như nhiều nghệ sĩ không hiểu thật rõ nội dung trong các lời hát tiếng dân tộc. Nhưng chính sức hấp dẫn từ các làn điệu âm nhạc dân gian đã giúp chúng tôi có cảm hứng để sáng tạo và dàn dựng. Cái cách mà Nhà hát đi nghiên cứu sưu tầm các làn điệu âm nhạc và điệu múa dân gian là cách để gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân tộc. Bảo tồn nghệ thuật dân tộc chính trong mỗi người nghệ sĩ là cách bảo tồn hiệu quả nhất. Tôi cho rằng với quốc tế thì chỉ có nghệ thuật dân gian như thế này mới là cách giới thiệu và khiến họ bị chinh phục nhất”.
Được biết dự án nghệ thuật Folklore Night - Đêm huyền diệu của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sẽ không chỉ dừng lại ở một chương trình mà ban giám đốc và các nghệ sĩ của Nhà hát quyết tâm sẽ tiếp tục kiên trì gây dựng để cái tên này trở thành một thương hiệu nghệ thuật riêng của nghệ thuật Việt Bắc. Sự thành công của Đêm huyền diệu đã thể hiện được hướng đi và cách làm sáng tạo giúp cho nghệ thuật dân gian không những được bảo tồn mà còn tạo sức hấp dẫn với mọi đối tượng khán giả./.