(Tổ Quốc) - Lần đầu tiên, một dàn nhạc tập hợp nghệ nhân ở cả 3 vùng văn hóa của Việt Nam cùng biểu diễn trên sân khấu mở ra kỳ vọng mang âm sắc bản địa Việt vươn tầm quốc tế.
Thành quả ghi dấu 10 năm lao động miệt mài
“Đêm Vô Thức Bản Địa” là thành quả nghiên cứu và lao động sáng tạo miệt mài của tập thể hơn 50 thành viên dàn nhạc Seaphony, trong dự án S.E.A Sound năm 2017, ghi dấu nỗ lực bảo tồn và sáng tạo trên nền thanh âm nguyên sơ của các nhạc sĩ bản địa mà nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý và các cộng sự tâm huyết đã dày công tuyển chọn từ nhiều dân tộc trong hành trình đi khắp mọi miền Việt Nam suốt một năm qua.
Đông đảo khán giả Việt Nam và Quốc tế tới thưởng thức đêm diễn. Ảnh: Ngọc Nguyễn |
Đó là hành trình từ Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, đến với buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như làng Chăm ở Ninh Thuân, Bình Thuận, để tập hợp các nghệ nhân và tuyển chọn các nhạc khí tiềm năng cho dàn nhạc từ các dân tộc Tày, Thái, Dao, H Mông, Lào, M’nong, Ede, Jarai, Sê Đăng…
Dàn nhạc các dân tộc bản địa Seaphony quy tụ hơn 50 nghệ nhân, nhạc công, nhạc sĩ từ nhiều vùng miền trên cả nước, hòa tấu những âm thanh của đàn môi, kèn lá, đàn tính, đàn goong, cồng chiêng, trống paranưng, trống gineng, đàn đó…, hay những làn điệu, bài ca được hát lên đầy tâm tư, tình cảm.
Ít ai biết rằng nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý - Nhà sáng lập và Giám đốc Dự án S.E.A Sound đã có ý tưởng về dàn nhạc Seaphony từ 10 năm trước, bắt đầu từ “Gió bình minh” - chương trình hợp tác cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo vào năm 2006, trong đó khí nhạc cổ truyền được sử dụng để chơi những tác phẩm quốc tế, rồi đến Thành công của À ố show và Làng tôi trên khắp các sân khấu trong nước và quốc tế khi hợp tác với Lune Production.
Hình ảnh trong đêm diễn. Ảnh: Ngọc Nguyễn |
Bảo tồn và đưa âm nhạc Việt vươn tầm quốc tế
Như nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý - Nhà sáng lập và Giám đốc Dự án S.E.A Sound cho biết “Chúng tôi không dừng lại ở một chương trình biểu diễn mà đây sẽ là bước khởi đầu cho một dự án dài hơi. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong một hành trình rất dài để xây dựng nên một dàn nhạc các dân tộc không chỉ ở Việt Nam mà là cả Đông Nam Á”.
Qua đó, không chỉ bảo tồn, dự án S.E.A Sound và dàn nhạc Seaphony còn góp phần đưa âm nhạc Việt vươn tầm quốc tế. Tham gia dàn nhạc Seaphony, nghệ nhân Lò Thanh Lá - dân tộc Thái, Lào Cai (78 tuổi) chia sẻ: “Tôi muốn mọi người biết chỉ là cái lá cây thôi mà chúng tôi cũng thổi được nhạc. Tôi cũng sợ mai này âm nhạc dân tộc mai một đi”.
Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý và các nghệ sĩ cảm ơn khán giả sau đêm diễn. Ảnh: Ngọc Nguyễn |
Thành công của đêm diễn tối 12/12 cũng là một minh chứng cho ý nghĩa đó. Đêm nhạc dẫn đắt khán giả qua “Tĩnh” với những chiêm nghiệm rằng người trẻ là “thế hệ bảo tồn” những giá trị văn hóa truyền thống qua sự kết hợp các nhạc cụ thuộc bộ hơi như sáo, đinh pút hay sáo Mông để hoàn toàn thư giãn cảm nhận sự rung động của thanh âm bản địa. Nối tiếp là đàn môi với những câu chuyện để những cung bậc cảm xúc qua trải nghiệm của Nguyễn Đức Minh. “Chuyển” lại là bức tranh mang nhiều tiết tấu được “nghệ sĩ dịch chuyển” Bùi Việt Hùng tái hiện qua thanh âm dồn dập của tiếng cồng chiêng M’nông làm chủ đạo. Trong “Động”, tiết tấu âm nhạc của người Chăm với sự chỉn chu, gọn gàng và chính xác đến từng chi tiết được kết hợp “ngoạn mục” với tiếng trống Chèo của người Kinh tạo nên một cuôc đối thoại giữa hai dân tộc… Và cuối cùng, đêm nhạc khép lại với “Tụ” – lời khẳng định một lần nữa cho “Đêm Vô Thức Bản Địa” dù chúng ta có đến từ những vùng miền khác nhau,văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, nhưng có thể kết hợp cùng nhau qua “tiếng nói chung” – ngôn ngữ âm nhạc.
Chị Ngọc Trinh (42 tuổi, tới từ Hà Nội) chia sẻ: “Độc đáo, khác biệt và tuyệt vời là mỹ từ mà tôi dành cho đêm nhạc hôm nay. Đã đi tới nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tới nhiều vùng đất trên khắp Việt Nam, nhưng có lẽ hôm nay là lần đầu tiên tôi được thưởng thức một đêm nhạc quy tụ nhiều nhạc khí dân tộc đến vậy. Sự kết hợp không hề khô cứng mà hòa hợp bất ngờ. Một đêm diễn lắng đọng.”
Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam đầu tiên có quy mô sánh ngang dàn nhạc giao hưởng phương Tây , Seaphony độc đáo và khác biệt với các dàn nhạc trong nước và quốc tế nhờ thanh âm nguyên sơ từ các nhạc khí bản địa. Nhưng cũng bởi sự đặc biệt đó, hành trình tạo thành Dàn nhạc dân tộc bản địa Việt Nam và thực hiện Dự án S.E.A Sound còn nhiều chông gai.
Quan trọng nhất, hành trình này cần sự đồng hành mà như tâm sự của Giám đốc âm nhạc Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ “Mỗi xu hướng âm nhạc đều có thị trường riêng của mình. Khán giả, bằng tình yêu với gia đình và tự tôn dân tộc, sẽ tìm ra cho mình bức tranh âm nhạc trong Seaphony.”
Gia Linh