• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đến A Lưới (Huế) trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư

Thực hiện: Lê Chung | 22/05/2024

(Tổ Quốc) - Với nhiều hoạt động trải nghiệm như đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư; chèo bè, xúc cá cùng người dân trên con suối Cân Te, du khách có cơ hội tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 1.

Điểm du lịch sinh thái Cân Te 2 thuộc địa phận thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), nằm cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 7km và cách thành phố Huế khoảng 70km về phía Tây.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 2.

Hình thành từ cuối tháng 4/2024, điểm du lịch sinh thái Cân Te 2 được duy trì hoạt động bởi những người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô... đang sinh sống trên địa bàn. Các sản phẩm du lịch tại đây tập trung khai thác dòng suối tự nhiên Cân Te, giới thiệu đến du khách những nét bản sắc văn hóa, sản phẩm truyền thống, đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động trải nghiệm lao động, sản xuất thú vị cùng với người dân bản địa.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 3.

Suối Cân Te (tiếng địa phương Cân Tehs) là một dòng suối còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, được thiên nhiên ban tặng cho huyện A Lưới. Tận dụng tiềm năng, lợi thế từ dòng suối này, địa phương đã quan tâm đầu tư, phát triển thành các điểm du lịch sinh thái phục vụ cộng đồng. Đến với điểm du lịch sinh thái Cân Te 2, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như chèo bè, tắm suối, xem người dân xúc cá...

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 4.

Xúc cá bằng vợt hay còn gọi là "Ta tủa" là một hoạt động trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất A Lưới. Từ xưa, nguồn thủy sản được khai thác từ các dòng sông, con suối góp phần giúp người dân nơi đây duy trì đời sống. Một số còn là lễ vật được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng của bản, làng.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 5.

Theo khảo sát, hiện nay suối Cân Te có tới 9 loại thủy sản sinh sống và phát triển, bao gồm (tôm, cua đá, ốc và nhiều loại cá khác nhau).

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 6.

Chính nhờ sống hài hòa với thiên nhiên, biết khai thác nguồn lợi tự nhiên đúng cách mà đến nay suối Cân Te vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, mang lại nhiều giá trị cho người dân.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 7.

Du khách thích thú xem và trải nghiệm hoạt động xúc cá cùng người dân địa phương trên suối Cân Te.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 8.

Nếu là người thích tìm hiểu về văn hóa, đến với điểm du lịch sinh thái Cân Te 2, du khách sẽ được lắng nghe những câu chuyện thú vị về chiếu A Lấ của người Tà Ôi.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 9.

Đan chiếu A Lấ là một nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới, còn được gìn giữ đến ngày nay. Theo phong tục truyền thống, những người con gái dân tộc Tà Ôi trước khi về nhà chồng đều phải đan một tấm chiếu như thế để đưa sang nhà trai. Để có những sợi đan thành chiếu, các cô gái phải lên rừng hái từng cọng lá dứa gai (Âng chạc) đem về tước nhỏ rồi làm mềm mới có thể đan. Hoạt động đan chiếu cũng đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo của người thợ.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 10.

Các chị, các mẹ người Tà Ôi hướng dẫn du khách đan chiếu A Lấ.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 11.

Tại điểm du lịch sinh thái Cân Te 2, du khách còn được tham quan mô hình nông sản an toàn của nhóm sinh kế phụ nữ thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong (huyện A Lưới).

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 12.

Các sản phẩm nông sản an toàn này du khách có thể dùng tại chỗ hoặc mua về để làm quà.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 13.

"Trỉa lúa Ra dư" cùng người dân bản địa cũng là một trải nghiệm lao động, sản xuất thú vị dành cho du khách khi đến tham quan tại điểm du lịch sinh thái Cân Te 2. Hoạt động trỉa lúa Ra dư thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ nhau của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 14.

Theo người dân, lúa Ra dư là một loại lúa cổ, quý hiếm của người đồng bào Pa Cô, được gìn giữ và bảo tồn đến nay. Đặc điểm của hạt gạo từ lúa Ra dư là hạt to, dẻo, có hai màu đỏ và trắng, mùi thơm rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gạo nào. Gạo Ra dư thường được bà con để dành dùng cho các sự kiện quan trọng.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 15.

"Bằng việc tương tác trực tiếp với người dân thông qua các hoạt động trải nghiệm, chúng tôi đã có cơ hội hiểu nhiều hơn về những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Hy vọng trong thời gian tới, các hoạt động tại đây sẽ được đầu tư thêm phần bài bản, chuyên nghiệp. Sẽ có thêm nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến điểm du lịch thú vị này", chị Cao Thị Khánh Chi (đến từ TP Huế) chia sẻ sau khi trải nghiệm tại Điểm du lịch sinh thái Cân Te 2.

Đến A Lưới trải nghiệm đan chiếu A Lấ, trỉa lúa Ra dư - Ảnh 16.

Theo Phòng VHTT huyện A Lưới, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hoàn thiện, phát triển các sản phẩm dịch vụ và nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm du lịch tại điểm du lịch sinh thái Cân Te 2. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu điểm đến này đến với du khách gần xa. Thông qua điểm đến, hy vọng tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới.


NỔI BẬT TRANG CHỦ