• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đến biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội học cách bày trí bàn thờ, tận tay chạm hơn 100 tác phẩm thủ công làng nghề Việt

Thực hiện: Bài và ảnh: Hạnh Mỹ | 02/01/2024

(Tổ Quốc) - Có những phiên bản sản phẩm thủ công chỉ tìm được ở không gian Về làng.

Tọa lạc ở số 34 Châu Long (Ba Đình, Hà Nội), căn biệt thự Pháp cổ là nơi lui tới mỗi ngày của những người làm nghiên cứu và yêu thích văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, có thể nhiều người chưa biết, đây cũng là một địa chỉ luôn chào đón các du khách, các gia đình ghé thăm quan. Trong đó, không thể không kể tới Không gian văn hóa Về làng - nơi trưng bày tác phẩm thủ công làng nghề Việt. 

Tới căn biệt thự Pháp cổ, chạm tay vào hơn 100 tác phẩm đến từ làng nghề thủ công truyền thống Việt - Ảnh 1.

Căn biệt thự số 34 Châu Long - nơi diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống Việt. Ảnh: Làng Gà-trống Topat.E

"Phòng triển lãm" các tác phẩm từ làng nghề thủ công

Trong tổ hợp 34 Châu Long, Về làng có 2 không gian chính. Ở tầng 2, du khách sẽ được ngắm những tác phẩm thủ công đến từ một số làng nghề Việt Nam theo hơi hướng của một buổi triển lãm nghệ thuật. Các món đồ được sắp xếp theo bộ, đa dạng mẫu mã và gần như không món nào trùng món nào. 

Đó là bộ gốm sứ rồng chào năm Giáp Thìn, những con giáp đến từ nghề sơn mài Đường Lâm, gốm Bát Tràng, bộ tượng Phúc - Lộc - Thọ của một làng nghề điêu khắc từ gốc tre. Dưới ánh đèn hiện ra những đường nét tinh xảo mà người nghệ nhân đã tạo ra cho các sản phẩm.

Bàn thờ đặc trưng cho văn hóa miền Bắc được đặt trên tầng cao nhất

Lên tới tầng 4 của tòa nhà đằng sau, du khách như lạc bước vào một không gian hoài niệm mà lại vô cùng gần gũi. Điểm nhấn là bàn thờ được bày ở chính giữa. Không phải các làng nổi tiếng như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Sơn Động (Hà Nội), La Xuyên (Nam Định) mà theo lời giới thiệu, bộ bàn thờ được mang về từ làng Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) - cũng là một làng nghề làm mộc lâu đời ở ngoại thành Hà Nội. 

Tới căn biệt thự Pháp cổ, chạm tay vào hơn 100 tác phẩm đến từ làng nghề thủ công truyền thống Việt - Ảnh 2.

Bàn thờ từ làng mộc Canh Nậu được thiết kế đơn giản, chạm trổ đầu rồng và sơn son thếp vàng.

Người bày trí vẫn tuân theo phong tục của hầu hết các gia đình nông thôn miền Bắc với bức hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng. Trên bàn thờ có đầy đủ bát hương, mâm bồng, giá nến, ống đựng hương, đôi lọ hoa, chân nến, đèn dầu... Bàn thờ ở đây chỉ thờ thần linh nói chung và luôn được thay hoa quả tươi định kỳ. Vào những dịp như lễ, tết, sẽ bày thêm những món đồ đặc trưng.

Các góc nhìn khác nhau về bàn thờ đặt tại không gian Về làng. 

Tới căn biệt thự Pháp cổ - Ảnh 6.

Con ngựa vàng mã đến từ làng làm thủ công ở Nam Định. Bất ngờ hơn, phiên bản này được làm tinh xảo và đã trưng bày ở đây hơn 1 năm mà không hề bị bong tróc, hư hỏng.

Bên cạnh bàn thờ, tại đây, ta còn bắt những thứ đã quá thân thuộc như chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ, ngựa vàng mã, bộ tượng 12 con giáp, trống đồng Đông Sơn. Hay có cả những hình ảnh khá mới lạ như những bức tranh bằng kính mang nét văn hóa vùng Nam Bộ.

Hơn nữa, gọi mỗi món đồ trưng bày ở Không gian văn hóa này là một tác phẩm nghệ thuật không hề sau, bởi đều là những sản phẩm làm thủ công nên chỉ có một phiên bản, không cái nào giống cái nào.

Mỗi món đồ ở đây là một phiên bản đặc biệt, khó có thể tìm thấy ở nơi khác.

 “Bảo tàng” mang hơi thở thời đại

Được biết, các tác phẩm này đều do chính tay nghệ nhân của những làng nghề thủ công làm ra. Và sự hiện diện của hơn 100 sản phẩm còn là thành quả trong hành trình 16 năm của anh Ngô Quý Đức - một người chuyên tìm hiểu, nghiên cứu các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam.

"Bắt đầu từ năm 2007, anh đi tới các làng nghề, không chỉ để xem mà còn gặp gỡ những cụ cao niên, những nghệ nhân, những người thợ từ già đến trẻ để biết được thành hoàng làng là ai, mỗi sản phẩm này đến từ đâu, có đặc trưng gì và đang làm nghề ra sao. Từ đó, tâm đắc với tác phẩm nào, anh sẽ mang về trưng bày. Không gian Về làng tại đây mới đi vào hoạt động từ tháng 6 năm nay. Ngoài ra, Về làng còn một không gian ở địa chỉ Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội". 

Tới căn biệt thự Pháp cổ - Ảnh 9.

Theo anh Đức, không thể gọi nơi này là một "bảo tàng" thủ công truyền thống bởi anh không sưu tập đồ cổ. Mà tất cả những sản phẩm ở đây đến từ những người thợ, làng nghề đang còn hoạt động ở ngoại thành Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khác trên cả nước sáng tạo dựa trên cả truyền thống cũng như sự phát triển của thời đại mới.

Tới đây, chúng ta không chỉ được ngắm mà còn có thể chạm tay vào các sản phẩm, để cảm nhận. Hay lắng nghe câu chuyện của từng làng nghề, để biết được làng ấy đang hoạt động như thế nào, những người nghệ nhân ở đó đang làm các tác phẩm ra sao.

Hai chiếc trống đồng size vừa và size mini được anh Đức mang về trong chuyến đi tới làng Đông Sơn, Thanh Hóa. 

Sản phẩm thủ công truyền thống ngày càng được đón nhận

Trò chuyện thêm với chủ nhân của Không gian Về làng, anh Ngô Quý Đức nhận định rằng, sự phát triển của các sản phẩm thủ công truyền thống Việt trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có những thời điểm, sản phẩm thủ công bị chững lại, như khoảng từ những năm 90 đến 2000, làng nghề thủ công mất đi vai trò, bị thay thế bằng những sản phẩm công nghiệp bằng inox, nhôm, nhựa.... Song, khoảng từ 5 năm trở lại đây, mọi người ngày càng dành sự quan tâm về giá trị mà các món đồ thủ công mang lại về tính xanh, tính bền vững hay nguyên liệu bản địa. 

Ngoài không gian Về làng thì ngay tầng 1 của căn biệt thự cổ cũng là nơi trưng bày của các sản phẩm thủ công hiện đại và là nơi diễn ra các workshop. 

Bên cạnh những người làm chuyên môn về kiến trúc, nghệ thuật, ngày càng có nhiều người dành sự yêu mến cho văn hóa truyền thống. Bằng chứng là trong các tour trải nghiệm làng nghề mà anh Đức sáng tạo, có sự góp mặt của các gia đình, đưa con nhỏ đi tới các làng nghề vốn chưa phát triển du lịch để tìm hiểu và thậm chí là thử sức như một nghệ nhân thủ công. Lúc này, chính anh Đức sẽ là người kết nối khách tham quan với các làng nghề, với nghệ nhân, để đem tới những trải nghiệm độc đáo nhất.

"Với góc nhìn của anh, sản phẩm thủ công Việt Nam chưa có giá xứng tầm. Mọi người cho rằng giá thành quá cao nhưng thực sự sản phẩm thủ công của mình rất rẻ, như nhìn vào các nước phát triển rồi, những sản phẩm thủ công có giá thành cao gấp nhiều lần, những người có tiền chưa chắc mua được các sản phẩm của các nghệ nhân, bởi số lượng làm ra cũng rất ít, trong khi các làng nghề ở nước ta cũng rất nhiều và độ tinh xảo không hề thua kém", anh Đức nói thêm.

NỔI BẬT TRANG CHỦ