Đến làng cổ Đường Lâm thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị làng quê
(Tổ Quốc) - Những món ăn để cả gia đình cũng thưởng thức, bố mẹ có thể kể cho các con nghe những câu chuyện thời xưa.
Đã quá quen thuộc với những ai ở Hà Nội, tuy nhiên, làng cổ Đường Lâm chưa lúc nào vắng khách. Bởi không chỉ có sức hút của những ngôi nhà trăm tuổi, những con đường quanh co trong làng. Mà không khí vừa cổ kính, vừa bình dị, kết hợp với ẩm thực nơi đây cũng là lý do mà các gia đình luôn muốn đưa con trẻ tới đây mỗi khi có dịp.
Những món ăn đặc sản làng quê
Thịt quay đòn
Món ăn này nổi tiếng với cách làm cầu kỳ. Quá trình làm một mẻ thịt quay đòn có thể kéo dài tới 6 tiếng. Từ khâu chọn thịt, người dân Đường Lâm phải chọn miếng thịt ba chỉ ngon, tươi, có lớp da dày nhưng lại không được quá nhiều mỡ. Thịt sẽ được tẩm ướp với các loại gia vị, ngoài hạt tiêu, hành tươi, mắm muối thì còn có húng lìu và lá ổi. Và lá ổi được coi là nguyên liệu quyết định về hương vị của món này. Lá ổi phải non, được băm nhỏ, ướp với thịt chừng 1 tiếng. Còn phần lá bánh tẻ sẽ được nhét vào miếng thịt trước khi mang đi quay. Khi thịt đã ngấm thì mang đi cuốn gọn và một chiếc đòn tre, đã lót lá chuối.
Để quay được miếng thịt quay đòn cũng có tiêu chuẩn riêng. Người ta phải kê cao miếng thịt chừng 50cm so với phần bếp lửa phía dưới. Đợi đến khi thịt săn lại một chút thì mới hạ độ cao xuống gần lửa hơn, chừng 30cm. Người làm không được nóng vội mà phải chông chừng, để giữ đúng khoảng cách, cho thịt chín từ từ. Khi nào thịt se lại và chảy mỡ thì lại hạ thấp đòn quay xuống thêm để làm sao miếng thịt sẽ có màu bắt mắt.
Ảnh: Nhà cổ bà Điền, Châm Nguyễn.
Một miếng thịt quay đòn thành công là bì thịt phải giòn và phồng lên, dùng xiên tre đâm lỗ ở bì cho tới khi phát ra tiếng lốp đốp. Thịt sẽ được quét thêm một lớp mật ong mỏng để tăng độ thơm ngon khi thịt chín.
Gà Mía hấp
Ở Đường Lâm có một giống gà được đặt theo tên cũ của làng là Gà Mía. Xưa kia, giống gà này chỉ được dùng tiến vua hay dùng trong các dịp trọng đại như lễ, tết, dâng hương hội làng, tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy. Những con gà được nuôi lớn bằng ngô, thóc, sắn nên tuy dáng nhỏ, trọng lượng chỉ chừng 2kg nhưng rất chắc thịt, lúc nhỏ da đỏ au nhưng khi đạt được trọng lượng lớn thì da sẽ chuyển màu vàng.
Ngày nay, giống gà quý này đã được nhân giống và phục vụ cả các du khách khi ghé thăm làng cổ. Gà Mía thường được đem đi hấp để giữ trọn vẹn được hương vị thơm ngon, đậm đà. Tuy nhiên, muốn thưởng thức đúng điệu thì phải đợi gà hấp đã nguội thì mới cảm nhận được vị ngọt thơm đã ngấm vào trong từng thớ thịt gà.
Ảnh: Bếp làng Đường Lâm
Chè lam
Ở các khu vực ngoại thành Hà Nội có nhiều nơi làm chè lam nhưng ăn món chè lam do chính người dân làng cổ Đường Lâm làm vẫn có hương vị riêng. Chè lam ở đây dẻo quánh, có hương thơm của bột gạo nếp rang, của gừng, có vị ngọt của mật mía, mạch nha.
Tại đây có những cơ sở sản xuất nằm trong các ngôi nhà trăm tuổi, du khách có thể ghé vào, tận mắt xem quy trình làm chè lam. Hay ở các quán nước quanh làng cũng có các bà, thường bày chè lam thành một tảng to ra mâm, khách mua tới đâu mới cắt tới đó.
Chè lam còn được bán cùng với các món bánh tuổi thơ như kẹo lạc, kẹo dồi, những thức quà dân dã mang hương vị của làng quê.
Các món bánh lá như: bánh tẻ, bánh nếp, bánh gai, bánh gio, bánh đúc... cũng nên thử khi tới Đường Lâm. Ảnh: Nguyễn Hằng, Na Na Bếp làng.
Tương nếp
Trên con đường làng, ghé vào các ngôi nhà, đặc biệt ở làng Mông Phụ, không khó để bắt gặp những chiếc chum, xếp kín cả một khoảng sân rộng lớn. Người dân nơi đây có nghề làm tương truyền thống đã có tuổi đời hàng trăm năm. Tương ở Đường Lâm có vị ngọt, thơm, bùi khó quên, không lẫn với bất cứ nơi nào khác. Nhiều món ăn ở làng cổ như rau muống luộc, thịt trâu, thịt bò... khi chấm thêm tương của nơi đây, sức hấp dẫn tăng thêm gấp bội.
Ngoài ra, người Đường Lâm còn có món cá kho tương hay cà dầm tương, củ cải dầm tương.
Ảnh: Châm Nguyễn, @kubichan, @metthao
Du khách có thể tìm tới các địa chỉ gia truyền để mua tương đem về. Mỗi chai 500ml có giá khoảng 20.000đ - 35.000đ. Như: Tương bà Miên (thôn Phụ Khang); Tương nhà bà Sơn Thách (xóm Xui, thôn Mông Phụ); Tương cụ Lý Đá; Tương cụ Liêm (thôn Mông Phụ); Tương nhà bà Tư Lâm (Đông Sàng).
Dù một số cơ sở sản xuất đặc sản ở Đường Lâm đã đưa vào dây chuyền sản xuất hiện đại, như để làm chè lam, kẹo lạc... Tuy nhiên, hầu hết các món ăn ở đây vẫn bắt buộc phải chế biến bằng phương pháp thủ công mới có thể đạt được như ý. Do đó, nếu muốn ăn thịt quay đòn, gà Mía hấp, tương nếp hay các món bánh lá... du khách hãy lựa chọn bất cứ quán ăn nào trong làng.
Một số địa chỉ không chỉ có đồ ăn ngon mà còn có không gian cổ kính, hoài niệm là: Nhà cổ bà Điền (số 19, thôn Mông Phụ, Đường Lâm), Nhà cổ ông Hùng, Bếp làng Đường Lâm.
Ảnh: Nhà cổ Bà Điền, Na Na Bếp làng
Kinh nghiệm đưa trẻ nhỏ tới làng cổ Đường Lâm
Theo kinh nghiệm của các gia đình, mùa thu là thời gian lý tưởng để đưa trẻ nhỏ tới làng cổ Đường Lâm.
Từ trung tâm thành phố Hà Nội sẽ tốn khoảng 40 - 50 phút di chuyển quãng đường 35km bằng phương tiện cá nhân. Bạn có thể chạy thẳng theo hướng Đại Lộ Thăng Long hoặc đi Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu - Đường 32.
Ảnh: Châm Nguyễn, Làng cổ Đường Lâm.
Về trang phục, nên chọn trang phục thoải mái, đi giày hoặc dép cho êm chân, bởi di chuyển trong làng sẽ đi bộ hoặc đạp xe. Có thể mang theo giày cao gót để chụp ảnh. Đặc biệt, nên chọn trang phục áo dài truyền thống hoặc Việt phục, không nên chọn loại cách tân.
Ngoài ra, nên thuê hướng dẫn viên để có thể hiểu đúng và hiểu sâu về từng con đường, tường ngôi nhà cổ hay các di tích lâu năm, gắn bó với cuộc sống của người dân làng cổ.
Vé vào làng cổ: 20.000đ/người lớn/vé. Thuê xe đạp: 50.000đ/xe/cả ngày.