• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam dịp 30/4-01/5

Văn hoá 25/04/2017 07:41

(Tổ Quốc) - Trong kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 này, nếu đến thăm Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Hà Nội, du khách sẽ được đắm mình trong sắc màu và các đường nét hoa  văn của những bộ váy áo và khăn đội đầu sặc sỡ, những âm thanh vui nhộn, réo rắt với  nhiều sắc thái khác nhau của các loại nhạc cụ vô cùng độc đáo cùng một quần thể kiến trúc đa dạng được phục dựng một cách hết sức kỳ công theo nguyên bản bởi bàn tay khéo léo, tài tình của các nghệ nhân dân gian.

Tất cả tạo nên đặc trưng của một không gian lễ hội văn hóa mang tầm vóc quốc gia của đồng bào các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền đất nước mang về đây vừa góp vui chung, vừa để phục du khách và đồng bào cả nước.

Một hoạt động tại Làng Văn hóa các dân tôc Việt Nam (ảnh Hanoimoi)

Điểm nhấn thứ nhất

Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tọa lạc trên mộ khu đất rộng tại Đồng Mô, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 50km về hướng tây, trong quần thể du lịch nổi tiếng của Hà Nội với các địa danh như: Suối Hai, Khoang Xanh, Đá Chông, Ba Vì... Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một dự án do bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư có tổng diện tích 1.544ha với tổng vốn đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ những năm đầu thế kỷ XXI và đến tháng 10/2010 bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy đến nay Làng Văn hóa này vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành, nhưng đây vẫn là một điểm đến hấp dẫn và thích hợp vào dịp kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và vào dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 hàng năm.

Trên thực tế Lễ hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, năm 2017 được diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam kéo dài trong suốt tháng tư từ ngày 1/4 đến hết ngày 2/5, với hai thời gian cao điểm là 19-23/4 kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam và 29/4-02/5 kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 01/5. 

Các hoạt động trong dịp này với sự tham gia của khoảng 1.170 người của 14 dân tộc, từ 14 tỉnh/thành trên khắp cả nước, gồm: dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Thái, Thổ (Nghệ An), dân tộc Khơ Mú (Điện Biên), dân tộc Dao (Hà Nội), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), dân tộc Khmer (Sóc Trăng), dân tộc H’rê (Quảng Ngãi), dân tộc Gia Rai (Gia Lai), dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam), dân tộc Lô Lô (Hà Giang) và các dân tộc Thái, Mông, Dao (Sơn La)... 

Trong thời gian cao điểm thứ nhất với chủ đề Sắc màu các dân tộc Việt Nam có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Năm nay, lần đầu tiên Ban Tổ chức Lễ hội đã lồng ghép các hoạt động nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch, tức ngày 6/4/2017). Các dân tộc hiện đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hoác các dân tộc Việt Nam sẽ thực hiện nghi thức thờ cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống của nhân dân ta. Bên cạnh đấy, cũng trong dịp này, đồng bào Khmer sẽ tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền của dân tộc mình. Đi kèm với việc tái hiện các lễ hội truyền thống có các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ của Đội văn nghệ các dân tộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu 60 bức ảnh về cà phê, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và 60 bức ảnh về vùng đất và con người Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngay sau lễ khai mạc là một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên Giai điệu từ núi rừng, cùng với đó là trưng bày, triển lãm và trình diễn Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam; các lễ hội truyền thống dân tộc, thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co, hoạt động của đồng bào dân tộc; chương trình âm nhạc dân tộc; giới thiệu đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa đến từ mọi miền của Tổ quốc.

Lễ hội Katê tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (ảnh Langviet)

Điểm nhấn thứ hai

Điểm nhấn thứ hai là các hoạt động nhân dịp nghỉ lễ 4 ngày diễn ra từ 29/4-02/5/2017 với chủ đề Chợ phiên vùng cao, gồm 50 gian hang và không gian chợ vùng cao sẽ tái hiện văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Tại đây còn có sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian với không gian ẩm thực, sản vật của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày... Chương trình dân ca dân vũ Sắc màu chợ phiên của đoàn nghệ nhân dân tộc tỉnh Sơn La. Tái hiện một số lễ hội của đồng bào các dân tộc như: Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Mông tỉnh Sơn La; Tái hiện Lễ gieo hạt (Apiero) của dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế; Tái hiện Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam...

Các sự kiện diễn ra trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 có chủ đề Chợ phiên vùng cao, gồm có chợ phiên vùng cao mang tên Về với cao nguyên Mộc Châu, diễn ra từ ngày 29/4-02/5. Bên cạnh đó, trong suốt tháng Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Làng Văn hóa- Du lịch Đồng Mô cũng sẽ tái hiện cuộc sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc; các chương trình dân ca, dân vũ của đội văn nghệ các dân tộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc; các trò chơi dân gian: nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến... 

Sau các nghi thức khai mạc của thời gian cao điểm thứ hai vào ngày 29/4, sẽ có hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên và nghệ nhân của các đơn vị nghệ thuật trung ương, Hà Nội và các địa phương như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Bình Thuận, Đác Lắc, Sóc Trăng biểu diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề Những bông hoa đất Việt với sáu phần nội dung trình diễn: Những bông hoa núi, Âm vang sông Hồng, Tổ khúc giao mùa, Những cung bậc cao nguyên, Những điệu hò trên sông và Những bông hoa đất Việt. Chương trình đã tạo nên một bức tranh ca múa nhạc sinh động và hấp dẫn của nghệ thuật và bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, thống nhất trong đa dạng.

Đặc biệt trong tháng lễ hội Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của khoảng 120 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân gian nổi tiếng của các dân tộc đến từ chín tỉnh, thành phố, đại diện cho các dân tộc và vùng, miền tiêu biểu trong cả nước với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn.

Cũng trong thời gian này, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam với nội dung phong phú và sôi động, tôn vinh văn hóa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thông qua các hoạt động trong suốt tháng Sắc màu văn hóa các dân tộc từ đầu tháng 4 đến ngày 2/5 tại Làng Văn hóa du lịch các Dân tộc Việt Nam, du khách sẽ được giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam anh em, góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

Hơn thế nữa, ngoài tư cách là một Lễ hội văn hóa thường niên, thì đây còn là một cơ hội tốt thông qua các hoạt động văn hóa để tạo dựng và khẳng định sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, cũng như trong hòa bình dựng xây cuộc sống mới hôm nay, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Đỗ Ngọc Yên

NỔI BẬT TRANG CHỦ