(Tổ Quốc) - Thì ra, có nhiều bạn trẻ học chơi bóng rổ một cách nghiêm túc như vậy.
Cuối tuần, có rất nhiều nơi để bạn ghé đến và trải nghiệm. Thay vì đi quán cafe hay triển lãm, hôm nay, để chúng tôi dắt bạn đến một nơi đặc biệt hơn. Đó là lớp học bóng rổ của Tú Kobi - người được mệnh danh là “kỷ lục gia" bởi hàng loạt thành tích đáng nể tại các giải bóng rổ lớn nhỏ.
Tú Kobi hiện đang thi đấu tại giải bóng rổ hot nhất hiện nay - VBA, trong màu áo của HCM City Wings. Tại lớp học bóng rổ của “thầy" Tú Kobi, mọi người không chỉ gặp gỡ nhiều người trẻ có tinh thần thể thao, mà còn được khám phá không khí của buổi học bóng rổ.
Cùng theo chân chúng tôi nhé!
Học viên tại lớp bóng rổ của Tú Kobi
Lớp học có không gian mở thoáng đãng, đầy đủ trang thiết bị
Lớp học bóng rổ của Tú Kobi nằm tại 219 Lý Thường Kiệt, Quận 11, TP.HCM. Khu vực sân tập khá mới, xung quanh là bãi đất trống, khung cảnh xung quanh rất thoáng đãng với không gian mở và cực kỳ mát mẻ. Vì là một sân tập mới nên mặt sân rất đẹp, bằng phẳng với trang thiết bị đơn giản nhưng đầy đủ như: thang dây tập luyện, vành bóng rổ được lắp trên khung và đặc biệt là những trái bóng rổ.
Dạo quanh hết một vòng sân tập mới thấy hết được không khí hồ hởi và niềm đam mê với trái bóng cam của các bạn trẻ. Những động tác khởi động dứt khoát, tư thế tập luyện bài bản và rất hăng say tập luyện như thế giới trước mắt chỉ có trái bóng và chiếc rổ muốn chinh phục.
Hòa chung với không khí hồ hởi đó không thể thiếu được những âm thanh làm bùng nổ cả sân tập. Từ những bước chạy thật chắc chắn của các bạn học viên cho tới tiếng bóng rổ đập uỳnh uỵch một cách dứt khoát. Mỗi khi đưa được bóng vào rồi, chúng ta lại nghe được những tiếng hô hào của các bạn học viên, họ tỏ ra rất khoái chí.
Học viên ở nhiều lứa tuổi
Hầu hết các học viên của lớp bóng rổ đều tìm thấy đam mê một cách rất ngẫu nhiên. Như Cường (19 tuổi) chẳng hạn, cậu vô tình biết đến bóng rổ qua phim hoạt hình và bắt đầu tìm hiểu về bộ môn này.
Cường còn cho biết thêm bản thân cũng chơi nhiều bộ môn khác như bơi lội, đá banh, nhưng tình cảm dành cho bóng rổ vẫn luôn là nhất.
Bóng rổ giống như thỏi nam châm có sức hút rất kỳ lạ, bất kể là nam hay nữ và bất kì độ tuổi nào cũng đều có thể bị mê hoặc.
Bùi Hoàng Nguyên (9 tuổi) - là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất lớp bóng rổ nói: “Em biết tới bóng rổ từ năm lớp 1, em rất thích chơi bóng rổ vì bộ môn có thể giúp em cao hơn và khỏe hơn”.
Không giống như Cường hay Nguyên - chỉ biết và chơi bóng rổ như một môn thể thao mang lại niềm vui, nâng cao sức khoẻ, Nhật Linh (sinh viên năm 2 của Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn) lại đến với lớp học của “thầy" Tú Kobi vì khát khao được đứng trên giải đấu lớn nếu có cơ hội.
Hiện tại Nhật Linh cũng đã nhiều lần thi đấu những giải bóng rổ cấp Đại học. Cậu dành rất nhiều thời gian để tập luyện một cách nghiêm túc, có mục tiêu. Cụ thể một tuần Nhật Linh dành ra tận 6 ngày để tập luyện, mỗi ngày kéo dài từ 1 tiếng rưỡi - 2 tiếng.
Nhật Linh chia sẻ thêm: “Mỗi lần chơi bóng rổ xong thì mình đều cảm thấy yêu bộ môn này hơn. Dù cho tập luyện có mệt, thi đấu có gặp chấn thương thì mình vẫn không từ bỏ, mình vẫn chọn bóng rổ”.
Đầu tư cho đam mê và chi phí học chơi bóng rổ: Tốn bao nhiêu tiền?
Bất cứ bộ môn thể thao nào cũng cần sự đầu tư nhất định từ người chơi. Với bóng rổ, khoản đầu tư đắt nhất cho đam mê có thể kể đến là giày chơi bóng. Ngoài giày ra thì chi phí tập luyện và quần áo cũng là 1 khoản đáng kể.
Đối với Nhật Linh, mỗi tháng cậu bạn phải bỏ ra 2 triệu đồng cho niềm đam mê bóng rổ của mình: “Chi phí để phục vụ cho việc học tập và tập luyện thì mỗi tháng mình bỏ ra 1 triệu - 1 triệu rưỡi. Còn quần áo và giày thì thỉnh thoảng mình sẽ mua mới, khoảng 3 - 4 tháng/ lần. Trung bình cộng lại thì mỗi tháng mình sẽ chi ra khoảng 2 triệu đồng”.
Trái với Nhật Linh, cô bạn Quỳnh lại chọn cách đi… xin lại đồ cũ cho tiết kiệm.
“Bước đầu mình cũng không phải bỏ ra quá nhiều chi phí. Đôi giày có thể coi là mắc nhất khi đầu tư chơi bóng rổ và nó rất quan trọng. Mình đã quyết định đi xin giày để tiết kiệm chi phí, còn quần áo thì mình cũng không tốn nhiều vì có thể mặc quần áo bình thường, miễn thoải mái khi chơi là được”, Quỳnh cho biết.
Những người “dự giờ” tâm lý trong lớp học
Có thể gọi những phụ huynh đưa con đến học bóng rổ tại lớp của “thầy" Tú là những người dự giờ của tiết học bởi họ ngồi đó cả buổi và lặng lẽ quan sát cách “thầy" - “trò" dạy nhau chơi bóng rổ.
Chú Bùi Huỳnh Tuấn (gần 40 tuổi - phụ huynh của bé Bùi Hoàng Nguyên) theo chân con mình đến sân tập bóng rổ và ngồi một góc bên sân để theo dõi quá trình con tập luyện.
Được biết trước đây hồi còn học cấp 3, chú Tuấn cũng là một thành viên của đội bóng rổ Trường Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM). Chú Tuấn biết tới bóng rổ đã hơn 30 năm và chắc chắn sẽ định hướng con mình theo đuổi con đường thi đấu chuyên nghiệp.
“Chú cho con đi học bóng rổ một phần vì con thích, một phần vì chú muốn con mình chơi được thể thao, đặc biệt là bóng rổ. Chú chắc chắn là sẽ định hướng con mình theo con đường thi đấu chuyên nghiệp, chỉ sợ là mẹ nó không cho thôi” - chú Tuấn thoải mái chia sẻ.
Chú Tuấn cũng cho biết, việc hiện nay nhiều bạn trẻ vì quá đam mê và yêu thích bóng rổ nên đã quyết định bỏ học, bỏ công việc để tập trung tập luyện thi đấu một phần là do phía gia đình.
“Gia đình phải thương con, cho con chơi bộ môn mà con thích, nhưng cũng phải am hiểu và đồng hành cùng con trong đoạn đường đó”; ngoài ra chú cũng không quên nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Đã thích bộ môn bóng rổ này thì phải hết mình với nó, nếu không hết mình thì đừng chơi nữa”.
Tú Kobi: Tôi sẽ nghỉ hưu sớm để chuyển qua công tác huấn luyện
Quay lại với lớp học bóng rổ của Tú Kobi, một người "thầy" có tầm và có tâm qua lời nhận xét của các bạn học viên. Nhìn hình ảnh Tú đứng trên sân, hướng dẫn các học viên từng động tác, từng bước chạy, bước nhảy cho tới kỹ thuật đưa bóng vào rổ mới thấy được Tú đã bỏ ra nhiều tâm huyết đến thế nào.
Với một cầu thủ chuyên nghiệp và đang thi đấu cho mùa giải VBA 2022 như Tú, chắc hẳn lịch trình rất bận rộn. Nhưng một người dành hết tâm tư cho bóng rổ như Tú, thì thời gian như vậy là vừa đủ. Tú vẫn có thể sắp xếp được lịch trình dạy học của mình vào cuối tuần, thậm chí là thường đến sớm hơn cả học viên để chuẩn bị sắp xếp dụng cụ tập luyện một cách chỉnh chu nhất. Còn nếu lỡ có trùng với lịch thi đấu thì Tú sẽ dắt học viên đi xem thi đấu luôn.
"Trước đây Tú cũng đã từng dạy bóng rổ ở trung tâm khác, nên cũng không mấy khó khăn trong việc đứng lớp dạy học viên vì cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm rồi. Tú từng được tập luyện với nhiều huấn luyện viên nước ngoài nên Tú cũng học hỏi được những cách dạy và kiến thức từ họ” - Tú Kobi nói.
Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có sự góp sức một người phụ nữ tài giỏi, và với Tú Kobi cũng vậy. Tú bày tỏ sự biết ơn đến người bạn gái của mình: “Bạn gái đã giúp đỡ Tú rất nhiều trong việc sắp xếp rồi chuẩn bị các dụng cụ trong lúc tập, khi lớp động thì bạn gái còn đứng ra phụ Tú huấn luyện luôn”.
Hiện nay, rất nhiều cầu thủ cũng có nghề tay trái như Tú, nhưng tại TP.HCM thì chưa có nhiều cầu thủ mở lớp dạy bóng rổ bên ngoài như vậy. Với Tú, tính cạnh tranh về việc mở lớp dạy bóng rổ giữa các cầu thủ chưa cao. Tuy nhiên, tương lai cầu thủ này nghĩ sẽ có, vì khi nhiều người mở thì sự cạnh tranh sẽ tăng lên.
Với cương vị là một cầu thủ bóng rổ lâu năm, Tú cho biết hiện tại thì chưa thể giàu lên nhờ nghề bóng rổ, song thu nhập hoàn toàn có thể cải thiện so với 5 năm trước.
Cậu bày tỏ mong muốn được nghỉ hưu sớm: “Tú nghĩ chắc mình sẽ nghỉ hưu sớm, có thể là trong năm nay. Tú muốn chuyển sang làm công tác huấn luyện và quản lý thể thao để giúp bóng rổ của thành phố phát triển, nơi mà đã nuôi dưỡng Tú trong suốt quá trình thi đấu”.