(Tổ Quốc) - Năm 2015 du lịch Đà Nẵng đón 4,86 triệu lượt khách, dự kiến năm 2018 đón 7,47 triệu lượt khách. Nếu không có biến động ảnh hưởng gì lớn, khả năng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón từ 9,0 - 9,5 triệu lượt khách, so với Nghị quyết đề ra là 8,5 triệu lượt khách.
Du lịch Đà Nẵng nhiều khởi sắc
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, hoạt động du lịch thành phố đã có nhiều khởi sắc, thương hiệu du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn 2015-2018 đạt 18,26%, so với chỉ tiêu đề ra là 13,06%; trong đó: khách quốc tế đạt 29,65%, so với chỉ tiêu đề ra là 13,64%; Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng thu du lịch trong 03 năm qua là 22,88%, so với chỉ tiêu đề ra là 19,17%.
Năm 2015 đón 4,86 triệu lượt khách, dự kiến năm 2018 đón 7,47 triệu lượt khách; nếu không có biến động ảnh hưởng gì lớn, khả năng đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón từ 9,0 - 9,5 triệu lượt khách, so với Nghị quyết đề ra là 8,5 triệu lượt khách.
Đóng góp tổng hợp của du lịch vào GRDP Đà Nẵng năm 2017 ước đạt 24,4%, trong đó đóng góp trực tiếp là 13,7% và đóng góp gián tiếp (lan tỏa) là 10,7%. Cũng trong năm 2017, du lịch ước tạo ra 186.770 việc làm, chiếm 34,18% tổng số lao động có việc làm trên địa bàn thành phố.
Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hills - điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: SG
Du lịch phát triển góp phần tăng cường thu hút đầu tư, kích cầu thị trường bất động sản, tạo thêm thu nhập xã hội, giải quyết việc làm, chỉnh trang đô thị và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển.
Trên địa bàn thành phố hiện có 752 cơ sở lưu trú du lịch với 33.665 phòng, trong đó có 173 khách sạn từ 3-5 sao với 21.720 phòng, đứng thứ 2 cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh. Các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới như IHG (Intercontinental, Crowne), Accor (Novotel, Pullman, Mercure), Hyatt, Marriott, Hilton,… đã có mặt ở thành phố, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Nhiều nguy cơ "đe dọa" môi trường du lịch
Song song với kết quả đạt được, Du lịch Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian đến.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng hiện quy mô của doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm và trung tâm thương mại giải trí tập trung quy mô lớn;
Khách du lịch tham quan Chùa Linh Ứng - Sơn Trà. Ảnh: Đức Hoàng
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển nhanh, môi trường biển có nguy cơ ô nhiễm, nguy cơ quá tải về khả năng cung ứng của hạ tầng kỹ thuật thành phố (thiếu bãi đỗ xe, xử lý nước thải; ùn tắc giao thông cục bộ;…). Đặc biệt, thiếu cơ chế chính sách và quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ cũng như nguồn lực để đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch ở nước ngoài.
Để du lịch Đà Nẵng thực sự trở thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung và cả nước, ngoài việc tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, trong thời gian đến, ngành du lịch tiếp tục cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, cũng như của Trung ương, trong đó việc hình thành các cơ chế chính sách, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng các sản phẩm mới chất lượng cao, nhất là giải trí, mua sắm, du lịch sinh thái, đầu tư phát triển hạ tầng,... là rất quan trọng.
Nhiều giải pháp phát triển du lịch thời gian đến
Để phát triển du lịch trong thời gian tới, ngành Du lịch Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch, phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt sớm xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường biển; tạo môi trường đầu tư tốt cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Khách Tây tham quan, trải nghiệm du lịch trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng
Đặc biệt, cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, xác định "ngưỡng phát triển" của du lịch Đà Nẵng để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, có chiều sâu và hiệu quả.
Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao nhằm xây dựng và giữ gìn thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Đầu tư phát triển các cụm dịch vụ du lịch biển, các bãi tắm mới, các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, xem đây là sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới;
Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái làng quê, làng nghề truyền thống theo hướng kết hợp bảo tồn và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch: Khu du lịch Làng Vân, Công viên Đại Dương, Công viên vườn thú Safari, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan; phát triển du lịch sinh thái phía Tây thành phố và khu du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà; đầu tư phát triển các điểm đến dọc các tuyến đường thủy nội địa của thành phố.
Đến năm 2020, du lịch Đà Nẵng sẽ đón từ 9,0 - 9,5 triệu lượt khách. Ảnh: Đức Hoàng
Thành phố quy hoạch quỹ đất khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại quy mô lớn, tập trung ở một số vị trí thuận lợi cho việc đi lại của du khách; phát triển các cơ sở ẩm thực đặc trưng Miền Trung, Việt Nam và quốc tế, các loại hình giải trí về đêm; hình thành phố đi bộ và chợ đêm, Công viên 02 đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.
Chú trọng phát triển nguồn lực con người, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất như nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng; cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; nâng cấp, cải tạo Cảng Sông Hàn, Thuận Phước; nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò; đầu tư phát triển tuyến sông Cu Đê để phát triển du lịch thủy nội địa; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đến các khu, điểm du lịch.
Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và hàng không, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường nguồn lực và nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường mở rộng hợp tác, gắn kết du lịch Đà Nẵng với các địa phương Miền Trung và cả nước, các nước trong khu vực và thế giới.
Thực hiện đa dạng hóa thị trường khách du lịch, tập trung cho thị trường trong nước, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đồng thời khai thác có lộ trình vào các thị trường lớn như: Châu Âu, Úc, Mỹ và Trung Đông.
Xây dựng "du lịch thông minh" (Smart Tourism), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý hoạt động du lịch; xúc tiến việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để tăng kinh phí đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến Đà Nẵng và phát triển nguồn nhân lực du lịch.