“Bản Di chúc kết tinh tất cả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta thấy một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn lộng gió thời đại và nhất là tình thương bao la của Bác với nhân dân, với Đảng, với đồng bào, đồng chí” - GS-TS Hoàng Chí Bảo nói về bản Di chúc của Bác Hồ.
Vừa qua, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM) và Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đã diễn ra cầu truyền hình “Nguồn sáng dẫn đường” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019).
Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và người dân TP.HCM.
Điểm cầu ở Nghệ An có Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang và nhiều lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về lời dặn Đảng chăm lo cho thế hệ trẻ trong Di chúc của Bác tại cầu truyền hình. Ảnh: LONG HỒ
Khát vọng thống nhất đất nước
Qua cầu truyền hình, khán giả được nghe những câu chuyện xúc động, những thước phim tư liệu quý giá, sâu sắc và chân thật về giá trị tư tưởng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như quyết tâm của nhân dân cả nước thực hiện tâm nguyện của Bác.
Theo Hồi ký về Bác Hồ viết Di chúc của ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Bác bắt đầu viết Di chúc vào sáng ngày 10-5-1965. Từ ngày 10 đến 14-5-1965, mỗi ngày, Bác dành khoảng 1 tiếng để viết và hoàn thành bản Di chúc gồm 3 trang, tự mình đánh máy. Từ đó đến khi qua đời, mỗi năm vào dịp tháng 5 là Bác lại xem lại và có sửa chữa, bổ sung bản Di chúc.
GS-TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng bản Di chúc chỉ khoảng 1.000 từ mà Bác để lại cho toàn dân tộc, còn rộng hơn là cả thế giới nhân loại. Bác chỉ dành lại riêng cho mình đúng 79 từ để nói về tang lễ mà lại căn dặn không tổ chức điếu phúng linh đình làm phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân.
GS Hoàng Chí Bảo phân tích giá trị bất hủ của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: LONG HỒ
“Bản Di chúc này có thể nói là một tổng kết lớn về lý luận và thực tiễn, một đại tổng kết về cách mạng Việt Nam với lời dặn thiêng liêng trước hết nói về Đảng, đầu tiên là công việc với con người. Đây là hai điểm cốt yếu nhất trong tư tưởng lý luận của Bác và có thể coi đó là chủ thuyết xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng chính sách xã hội thực hiện lợi ích của nhân dân” – ông Bảo nói.
Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, bản Di chúc này bây giờ nằm trong hàng ngũ bảo vật quốc gia, không chỉ là quốc bảo mà còn là pháp bảo, tức là phương pháp kỳ diệu, hiệu quả nhất để thực hiện sự nghiệp cách mạng. “Bản Di chúc kết tinh tất cả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta thấy một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn lộng gió thời đại và nhất là tình thương bao la của Bác với nhân dân, với Đảng, với đồng bào, đồng chí” – ông Bảo nói và cho rằng bản Di chúc thời điểm đó đã thể hiện khát vọng to lớn: Thống nhất đất nước.
Thế hệ trẻ ra sức học tập và làm theo Bác
Vinh dự được gặp Bác Hồ 3 lần và cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc nổi tiếng “Trông cây lại nhớ đến Người” chỉ một ngày sau khi Bác mãi mãi đi xa, NSƯT Song Thao - một người con của quê hương xứ Nghệ, xúc động cho biết 50 năm qua, mỗi lần hát về Bác, cô lại bồi hồi xúc động và những lời dạy của Bác, Di chúc của Bác là điểm tựa của cô trong nghệ thuật cũng như đời sống, động lực để cô hoàn thành mọi nhiệm vụ. “Lúc đó, tôi đã hát bằng cả trái tim mình, bằng tất cả tình cảm tiếc thương, kính yêu với Bác” - NSƯT Song Thao chia sẻ.
Đại diện cho thế hệ trẻ khởi nghiệp sáng tạo, anh Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Nghệ An), cho rằng khi đi học anh đã rất thích Di chúc của Bác Hồ. Đó là một văn bản lịch sử có giá trị và nhân văn.
“Tôi nhớ Bác Hồ có căn dặn thanh niên: tuổi trẻ phải có chí tiến thủ, hoài bão lo việc lớn, vì nước vì dân, tuổi trẻ phải tránh xa danh vọng, quyền lực, thế hệ trẻ hôm nay đang ra sức học tập và làm theo lời căn dặn của Bác" - anh Vinh nói.
Một tiết mục văn nghệ tại cầu truyền hình. Ảnh: LONG HỒ
Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò trong Di chúc như là một nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng.
Theo ông, đây không chỉ là vấn đề của hôm qua mà còn là vấn đề rất thời sự, cấp bách của hôm nay và cả mai sau. Bác Hồ luôn chú ý "chống" đi kèm với "xây". Việc Đảng ban hành một loạt quy chế, chính sách, quy định về nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm cũng là biện pháp phòng ngừa.
Những lời căn dặn thiêng liêng cùng tấm gương cao đẹp của Người như huyết mạch chảy suốt, chảy mãi, làm nên sức sống mãnh liệt của Đảng và là nguồn sáng soi đường để toàn Đảng, toàn dân sống và làm việc tốt hơn; thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
TP.HCM đặt niềm tin vào thế hệ trẻ
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng nhiệm vụ chăm lo cho đoàn viên thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” theo Di chúc Bác luôn được Đảng bộ và chính quyền TP.HCM quan tâm chú trọng.
Theo ông Nhân, khi Bác nhắc tới “hồng” là màu của dòng máu, của lá cờ, là nói tới truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Mỗi người khi sống, khi làm việc gì hãy nhớ có bao nhiêu thế hệ đi trước đã hy sinh xây dựng mới có được đất nước như ngày hôm nay, đừng quên làm điều gì đó xứng đáng với công ơn người đi trước. Còn “chuyên” là mỗi người khi làm việc gì cũng phải học hành, có lưu tâm để nâng cao trình độ, làm việc có hiệu quả nhất mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước.
“Đảng bộ TP.HCM đã và sẽ luôn luôn dành sự quan tâm để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy cống hiến; đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ kế tục truyền thống cha anh, kế tục tấm gương người đi trước xây dựng TP, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Di chúc Bác Hồ. Đất nước này với bàn tay của thế hệ trẻ hôm nay chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua” – ông Nhân bày tỏ sự tin tưởng.
----
Tại cầu truyền hình, các đại biểu đã được nghe lại những ca khúc hay, đầy cảm xúc và chứa chan tình cảm của người sáng tác dành cho Bác Hồ kính yêu như: Nguồn sáng dẫn đường, Trồng cây lại nhớ đến Người, Niềm tin, Người là niềm tin tất thắng, Nhớ ơn Bác, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Đảng là cuộc sống của tôi, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, tân cổ Bên tượng đài Bác Hồ, hoạt cảnh Dấu chân phía trước…
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của: NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Tấn Giao, NSƯT Vân Khánh, NSƯT Thanh Thúy, NSƯT Quế Trân. Các ca sĩ Huỳnh Lợi, Ngọc Mai, Bùi Lê Mận, Ngô Hương Diệp, Đăng Thuật, Hoàng Tú, Ngọc Mai… cùng Đoàn Văn công Quân khu 2, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.