(Toquoc)- Văn học trinh thám Việt Nam khởi động lại, nếu không có sự nối dài của những tác giả khác cũng như sự theo đuổi quyết liệt, lâu dài, e rằng văn học trinh thám Việt Nam khó tạo nên một dòng văn học xác lập được chỗ đứng riêng biệt.
(Toquoc)- Chiều 18/1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: “Văn học trinh thám Việt Nam và tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li”. Tại đây, những câu hỏi xoay quanh văn học trinh thám - mảng văn học còn lép vế, ít được nhắc tới, phần nào được các diễn giả giải đáp.
Thăng trầm văn học trinh thám Việt Nam
Truyện trinh thám Việt Nam xuất hiện đã khá lâu, cùng thời với Tự lực văn đoàn, với tên tuổi tiêu biểu nhất là Phạm Cao Củng với các bút danh: Văn Tuyền, Trần Lang, Phương Trì, Phạm Cao Củng, Phạm Thị Cả Mốc, Án Cao… Tuy nhiên, mảng văn học trinh thám thời đó chưa được đánh giá cao, công chúng ít, giới phê bình hiếm khi để mắt, lại xuất hiện lẻ tẻ. Mặc dù vậy thì văn học trinh thám bằng cách này, cách khác vẫn âm thầm hiện diện song hành cùng với các dòng văn học khác. Có thể kể đến các tác phẩm trinh thám tiếp theo như Gói thuốc lá của Thế Lữ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông từng đọc truyện trinh thám từ khi 7,8 tuổi các cuốn: Thám tử Đoan Hùng, Lệ Hằng với chí phục thù. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ ngoài việc đã từng đọc hai cuốn như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể còn liệt kê thêm các cuốn: Người nhạn trắng, Long hình quái khách, Tráng sĩ một chân… (tuy nhiên, thời gian đã quá lâu nên không còn nhớ tác giả). Còn nhà văn Văn Chinh cho rằng phải kể thêm Ông cố vấn của Hữu Mai. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bổ sung thêm Sóng lừng của Triệu Xuân, Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần
Mặc dù các diễn giả trong buổi tọa đàm đã kể thêm được tên khá nhiều những tác phẩm thuộc văn học trinh thám nhưng rõ ràng văn học trinh thám Việt Nam vẫn quá mờ nhạt trong dòng chảy văn học Việt Nam nói chung. Lý giải điều này, ngài đại sứ Palestin cho rằng bởi vì Việt Nam trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh nên vấn đề được quan tâm hàng đầu là đấu tranh, giải phóng dân tộc, văn học vì thế cũng dành nhiều trang viết về đề tài chiến tranh.
Quả thực, văn học trinh thám Việt Nam có sự ngắt quãng khá dài trong giai đoạn đất nước rơi vào cảnh chiến tranh. Không những thế, ngay từ khi ra đời, nhiều quan điểm còn cho rằng văn học trinh thám là thứ văn học ba xu, rẻ tiền, nhằm giải trí, thỏa mãn trí tò mò nên không được sang trọng và đánh giá cao. Gần đây, văn học trinh thám mới bắt đầu được nhắc đến, dường như là sự khởi động lại một mảng văn học với một diện mạo khác, vị trí khác.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, văn học trinh thám là gì và văn học trinh thám Việt Nam có đặc điểm gì giống và khác với văn học trinh thám thế giới cũng còn là có nhiều quan điểm. Một số diễn giả đưa ra định nghĩa khác nhau theo cách hiểu của mình. Chẳng hạn như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng văn học trinh thám là một cái gì vừa rõ ràng, mơ hồ, tưởng thế này mà lại thế khác, nó có khả năng đánh lừa, đánh tráo kỳ diệu để người đọc đi đến cùng bí mật của vụ án, của câu chuyện. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra hai điều kiện để hình thành văn học trinh thám: Đi điều tra một vụ án, phải có một thám tử suy luận.
Còn nhà văn Võ Thị Xuân Hà khẳng định văn học trinh thám nhất định phải kể về một vụ án. Nhưng nếu chỉ đơn thuần như thế thì thành câu chuyện cảnh giác, chuyện của ngành công an. Còn văn học trinh thám là nhân vật phải có đời sống, diễn biến tâm lý, tình cảm và nhà văn phải thể hiện tư tưởng, đứng phía trên tất cả xâu chuỗi.
Đạo diễn Quốc Trọng - người từng “chết vai” với Xuân Tóc đỏ xác lập văn học trinh thám như một “câu đố”, mà tác giả đưa độc giả đi tìm sự giải đố với nhiều tâm trạng hồi hộp, bất ngờ.
Nhà phê bình Văn Giá đưa ra quan điểm văn học trinh thám là một cách gọi thể tài nhằm chỉ tình huống cố tình dấu diếm, bao che. Nhiệm vụ là phải trinh thám, giải trình. Văn học trinh thám có xu hướng kết hợp với ma quái, kinh dị. Chừng nào cuộc sống còn có những bí ẩn, chừng đó còn tồn tại văn học trinh thám.
Nhà văn Di Li cho biết, chị yêu thích văn học trinh thám từ khi còn 5 tuổi cho đến bây giờ. Với lợi thế biết nhiều ngoại ngữ, Di Li đã có cơ hội đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám và niềm đam mê này đã thôi thúc Di Li cầm bút dấn thân vào thể loại này. Theo nhà văn Di Li, hiện nay trên thế giới có các trường phái văn học trinh thám: Trường phái kinh điển, chỉ dùng suy luận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ tìm kiếm cũng hiện đại nên trường phái này không còn thịnh hành.
Ngoài ra còn có các: Trường phái giải mật mã, tâm lý hình sự, giám định pháp y. Trong tác phẩm trinh thám mới nhất Câu lạc bộ số 7, Di Li kết hợp tất cả các trường phái chứ không chỉ sử dụng một trường phái nào. Nhà văn Di Li tiết lộ, cho đến thời điểm này thì Câu lạc bộ số 7 là tác phẩm quan trọng nhất bởi chị dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Câu lạc bộ số 7 được bắt đầu viết từ năm 2009 cho đến tận 2015 mới hoàn thành.
Nhà văn Di Li được nhà phê bình Văn Giá cho rằng là người “hồi sinh” thể loại văn học trinh thám nên nhiều người cho rằng đây là lựa chọn đầy may mắn, thậm chí khôn ngoan vì có rất nhiều lợi thế cho Di Li. Nhưng nhà văn Di Li cũng chia sẻ rằng “văn học trinh thám không phải văn học ăn khách tại Việt Nam. Văn học ăn khách tại Việt Nam là văn học tình cảm lãng mạn bởi có lượng công chúng bình dân đông đảo”. Bằng chứng được đưa ra là tác phẩm trước đó - Trại hoa đỏ ra đời đến nay tái bản 4 lần trong vòng 5 năm cũng chỉ hơn 1 vạn bản, một con số còn khá khiêm tốn so với ngôn tình. Văn học trinh thám khá kén độc giả. Độc giả nào đã thích thì thích ngay từ đầu và trung thành với sở thích, sẽ tìm đọc. Vì thế nhà văn Di Li chỉ hi vọng Câu lạc bộ số 7 được như Trại hoa đỏ.
Văn học trinh thám có đóng góp gì?
Văn học trinh thám có phải thể loại văn học giải trí, ba xu không? Hay nói cách khác, văn học trinh thám đóng góp gì cho sự phát triển xã hội và nhận thức của con người luôn là một câu hỏi đầy thách thức của tất cả các thể loại văn học chứ không riêng văn học trinh thám. Sự thách thức này đòi hỏi người cầm bút phải có trách nhiệm với trang viết và độc giả để tác phẩm không dễ dãi, hời hợt. Bất cứ thể loại văn học nào nếu không có sự nghiêm túc của tác giả cũng dễ dàng trở thành văn học rẻ tiền.
Văn học trinh thám luôn mang đến cho độc giả “cảm giác” hồi hộp, tò mò, bất ngờ, sợ sệt, phẫn nộ, hả hê… mà thể loại văn học khác ít đem lại, nó gần với phim ảnh hơn. Nói cách khác, văn học trinh thám thỏa mãn được những nhu cầu tất yếu của mỗi con người, bổ sung cho những nhu cầu còn thiếu của văn học một cách hài hòa, đầy đủ.
Khi chiến tranh đã lùi xa, xã hội đang phát triển nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều vấn đề mới, nhiều bất cập, những giá trị vật chất, tình cảm… đôi khi bị đảo lộn, chưa về đúng vị trí, tội phạm xã hội ngày một tinh vi, khó lường thì văn học trinh thám có nhiệm vụ giải mã, cảnh báo… những vấn đề này.
Không những thế, vai trò “dự báo” của văn học trinh thám cũng rất đáng quan tâm. Hiện nay, chúng ta từng nói đến thế giới thứ 3, thì trong cuốn Câu lạc bộ số 7, nhà văn Di Li có đề cập đến giới tính thứ 4. Đây là giới tính chưa tác phẩm nào nói đến. Giới tính thứ 4 chỉ con người không thể yêu được bất kỳ ai, dù là nam hay nữ, mặc dù họ không bị phát triển lệch lạc giới tính. Hi vọng, nhiều vấn đề khác, bằng trí tưởng tượng của người viết sẽ có nhiều dự báo trong đời sống được đề cập đến.
Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ văn học trinh thám có ý nghĩa tích cực với xã hội, rằng cái thiện luôn thắng cái ác. Cái ác sẽ bị tiêu diệt, trừng trị thích đáng.
Văn học trinh thám Việt Nam khởi động lại, nếu chỉ dừng lại ở Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7 với sự độc hành của Di Li mà không có sự nối dài của những tác giả khác cũng như sự theo đuổi quyết liệt, lâu dài, e rằng văn học trinh thám Việt Nam khó tạo nên một dòng văn học xác lập được chỗ đứng riêng biệt.
Bài&ảnh: Hiền Nguyễn