(Tổ Quốc) - Ngày 31/10/2023 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, khi chính thức trở thành thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực Âm nhạc, tạo nên sợi dây kết nối, quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh "thành phố mộng mơ" ra thế giới.
Âm nhạc đã xuất hiện từ rất lâu ở Đà Lạt, là một phần làm nên bản sắc rất riêng của "thành phố mộng mơ". Theo thống kê, có khoảng 300 bài hát viết về Đà Lạt, góp phần khẳng định tên tuổi của nhiều nhạc sĩ như Hoàng Nguyên với bài hát "Ai lên xứ hoa đào", Krajan Dick với "Nồng nàn cao nguyên", Lam Phương với "Thành phố buồn", hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với "Lời thiên thu gọi"...
Với người Đà Lạt, âm nhạc trong quá trình phát triển đã trở thành sợi dây kết nối giữa người dân địa phương và du khách ở từng nhà hát, hội quán âm nhạc, phòng trưng bày hay những sân khấu nghệ thuật. Ở đó mang đậm sắc thái văn hóa, đặc trưng cùng tiếng cồng chiêng và vũ điệu xoang rộn ràng vui khắp buôn làng.
Đà Lạt định kỳ tổ chức các sự kiện, các dự án âm nhạc như Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội Văn hóa Trà... để phục vụ cho người dân và du khách thập phương. Nhiều cộng đồng sáng tạo, các không gian nghệ thuật, không gian trình diễn hấp dẫn cũng đã hình thành như Phố Bên Đồi, Mây Lang Thang, Lululola, Stop and Go Art Space, Hey Storm Art Space... quy tụ nhiều nghệ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, góp phần đưa nghệ thuật đương đại đến gần với công chúng, tạo điều kiện để cộng đồng được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo.
Tiêu biểu trong 20 năm qua, Đà Lạt là thành phố của Lễ hội Hoa duy nhất của Việt Nam khi tổ chức thành công Festival Hoa định kỳ 2 năm một lần, trong đó có nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc hấp dẫn mang đẳng cấp trong nước và quốc tế, đưa lễ hội này trở thành sự kiện văn hóa- du lịch mang tầm quốc gia, ngày càng lan tỏa ra thế giới. Đơn cử như Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 mang chủ đề "Hoa Đà Lạt- Bản giao hưởng sắc màu", được tổ chức kéo dài 1 tháng với hàng chục chương trình, hoạt động về hoa và văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Trong đó có các chương trình âm nhạc mới lạ như "Đà Lạt Harmony- Tình sử Nam Tây Nguyên", "Dalat Fun Color", "5AM Concert in Da Lat", "Mây và nước- Bản giao hưởng chào Xuân", "DaLat Spring Concert", "Đà Lạt chill, bốn mùa yêu"... thay lời chào mừng đến với Đà Lạt Thành phố Sáng tạo Âm nhạc của UNESCO và top 5 thành phố Festival ấn tượng châu Á.
Ông Châu Lê- Tổng đạo diễn "Đà Lạt Harmony- Tình Sử Nam Tây Nguyên" chia sẻ, chương trình là một hành trình âm nhạc được dệt nên từ những cảm xúc tinh tế nhất của "xứ sở ngàn hoa". Mỗi tiết mục được dàn dựng như một bức tranh, nơi âm nhạc, ánh sáng và không gian hòa quyện tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ cho mọi người khi tham dự Festival Hoa Đà Lạt. Và thông qua chương trình này có thể góp phần tạo nên một không gian văn hóa nghệ thuật mới cho thành phố mộng mơ và hướng đến trở thành đêm diễn thường xuyên, góp vào bức tranh phát triển công nghiệp văn hóa tại Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng.
Theo ông Trần Thanh Hoài- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, việc Đà Lạt trở thành Thành phố Sáng tạo Âm nhạc của UNESCO là sự công nhận cho địa danh du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng với khí hậu miền núi dịu mát quanh năm, cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc độc đáo mang những nét yên bình, lãng mạn hiếm có tại Việt Nam, hấp dẫn biết bao du khách. Trong đó, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong không gian văn hóa của cộng đồng hơn 20 dân tộc nơi đây.
Đặc biệt, khi gia nhập UCCN, Đà Lạt có các cơ hội đẩy mạnh sáng tạo và gia tăng đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo cho kinh tế địa phương; tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa, khơi gợi sức sáng tạo của cộng đồng. Đồng thời bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng, độc đáo về văn hóa của địa phương; thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các nghệ sĩ, doanh nghiệp với môi trường quốc tế; góp phần xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá hình ảnh cho thành phố…
Trong giai đoạn từ 2024-2027, tập trung đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu Đà Lạt là điểm đến du lịch sáng tạo âm nhạc, trở thành nơi kết nối trọng điểm về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành giữa các thành phố trong mạng lưới sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Những năm qua, Đà Lạt cũng tổ chức nhiều hoạt động về âm nhạc như hội thảo chuyên đề "Bức tranh âm nhạc trong bối cảnh mới - Đà Lạt với vai trò là Thành phố Âm nhạc của UNESCO"; phối hợp tổ chức các buổi biểu diễn hòa nhạc cổ điển, Lễ hội âm nhạc Vietnam Classical Music Festival...
Hiện Đà Lạt cũng nghiên cứu, triển khai các chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, biểu diễn văn hóa nghệ thuật trên địa bàn, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc để phát triển và giữ vững danh hiệu đã được công nhận; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người dân và du khách có hoạt động cụ thể để tham gia hưởng ứng; góp phần tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp văn hóa địa phương phát triển, củng cố mạnh mẽ hơn vị trí của khu vực Đông Nam Á trên bản đồ âm nhạc thế giới.