(Tổ Quốc) - Nhiều năm qua, công cuộc bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế được ví như "cuộc chiến" để giành giật lại những giá trị vật thể và phi vật thể mang dấu ấn đặc sắc của một vương triều.
Từ phế tích…
Trong các cố đô của Việt Nam, Huế là Cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình, với hệ thống Thành quách, Cung điện, Miếu đường, Đền đài, Lăng tẩm. Đây là Quần thể di tích có nhiều giá trị lịch sử, ghi dấu 143 năm trị vì của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc.
Khu di sản Huế là điểm đến thu hút khách du lịch của Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lê Chung
Trải qua hai cuộc chiến tranh, cùng với đó là sự tác động của thời gian, từng có lúc nhiều công trình nằm trong di tích này bị hư hại, thậm chí xóa sổ. Nhưng đến nay Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là tài sản văn hóa vô giá của quốc gia. Hành trình đó cũng lắm những gian nan.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoa – Nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên giám đốc Sở VH-TT (nay là Sở VHTT Thừa Thiên – Huế), năm 1885, sau khi thất thủ, kinh đô Huế bị thực dân Pháp đô hộ, thực chất triều Nguyễn đã mất quyền quản lý nhà nước toàn diện. Thời điểm đó, nhiều kiến trúc kinh thành Huế xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nhà vua không có điều kiện để tu bổ vì việc thu thuế do Pháp quản lý, triều Nguyễn chỉ nắm một phần nhỏ trong đó. Khi không đủ khả năng giữ gìn thì các vua nhà Nguyễn đã triệt giải một số công trình xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, những cái còn được giữ lại là rất có giá trị.
Ngoài việc các công trình xuống cấp do triều đình nhà Nguyễn không có khả năng trùng tu thì nguyên nhân khiến các công trình bị phá hủy lớn nhất là do hậu quả tàn phá của chiến tranh. Nghiêm trọng nhất là năm Mậu Thân 1968, Đại nội bị bom đạn tàn phá rất nặng nề. Bên cạnh Đại nội thì lăng tẩm các vị vua như lăng Gia Long cũng bị tàn phá hết sức nghiêm trọng.
Điện Kiến Trung, một công trình nằm trong Khu di sản Huế bị hư hỏng do chiến tranh sẽ được đại trùng tu đầu năm 2019. Ảnh: Lê Chung
Sau chiến tranh, dù lịch sử đất nước đã sang trang, nhưng do rất nhiều khó khăn, đồng thời do những định kiến về triều Nguyễn nên cách đối xử với các di sản của cố đô Huế vẫn chưa phù hợp. Sự thiếu quan tâm hay do cách sử dụng các di tích một cách tùy tiện đã tiếp tục làm mất mát, biến dạng một số di tích quan trọng. Tình trạng các di sản phi vật thể cũng không khả quan hơn.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thông tin thêm, sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 400/1400 công trình nhưng trong tình trạng đổ nát, hư hỏng. Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị di chuyển phần lớn đi nơi khác.
Cuộc vận động quốc tế do UNESCO phát động tuy không đạt được mục tiêu đề ra nhưng với những khoản viện trợ đa dạng dành cho di tích Huế trong các năm 1981-1990, cùng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, đã là những thang thuốc cấp thời góp phần vào việc chạy chữa bước đầu, tránh cho di tích Huế thoát khỏi hiểm họa bị sụp đổ.
Ông Phan Thanh Hải - GĐ Trung tâm BTDT Cố đô Huế
Ngày 25/11/1981, sau chuyến thăm Huế, Tổng giám đốc UNESCO lúc bấy giờ, Ngài Amadou Mahtar M'Bow, đã ra lời kêu gọi cứu vãn Huế tại Hà Nội, nhằm phát động trên phạm vi quốc tế một cuộc vận động bảo tồn và khôi phục các giá trị của di sản văn hóa Huế. Từ thời điểm này trở đi, việc bảo quản, trùng tu tôn tạo các di tích Huế bắt đầu được vận hành đúng với quỹ đạo của nó.
Có hai tác nhân có tác động quan trọng đối với tiến trình phục hưng của quần thể di tích Huế. Đó là UNESCO và Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả chính quyền sở tại thông qua bộ máy quản lý và điều hành trực tiếp là Công ty Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Huế (tức Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sau này).
…vươn tầm Di sản thế giới
Tháng 6/1982, Công ty Quản lý Di tích và Danh thắng Huế được thành lập (từ năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích Cố đô và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan.
Bằng sự vào cuộc khẩn trương của các cấp chính quyền, năm 1992, bộ hồ sơ về di sản vật thể của Huế đã được xây dựng và đệ trình UNESCO. Ngày 11/12/1993 (cách đây 25 năm), Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Du khách tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: Lê Chung
Ngày 12/12/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105 TTg chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996 – 2010 và sau này là Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 2010 - 2020.
Dưới sự chỉ đạo của ban ngành các cấp trong đó có Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vui mừng cho biết, đến nay đã có khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó tiêu biểu là Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự,... Cơ sở hạ tầng các khu di tích đã được đầu tư nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích đã được tu bổ, hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh cũng như khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Điều quan trọng hơn là các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế. Được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đến nay đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang diện mạo đô thị và khu dân cư, thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong năm 2018, đã có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan các điểm tại Khu di sản Huế (trong đó khách quốc tế hơn 2,2 triệu lượt) ; doanh thu từ vé tham quan đạt 381,7 tỷ đồng, vượt kế hoạch Nhà nước giao 19,28 % (kế hoạch giao là 320 tỷ đồng).