(Tổ Quốc) - Chỉ tính riêng 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu khách với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng.
Nguồn thu lớn từ di sản
Thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho hay, cả nước hiện có trên 4 vạn di tích được kiểm kê, trong đó có gần 10.000 di tích cấp tỉnh; 3.466 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt...
Việt Nam đang đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về số lượng di sản được UNESCO ghi danh trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 12 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu.
Cục Di sản cũng cho hay, năm 2017, khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh. Một số di tích tiêu biểu, như: Chùa Hương (Hà Nội) đón gần 1,4 triệu khách, thu từ vé tham quan 110 tỷ đồng và phí chở đò 70 tỷ đồng; Khu di tích Núi Sam (An Giang) đón gần 4,9 triệu khách, thu từ vé tham quan 50 tỷ đồng; Địa đạo Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) đón trên 1,2 triệu khách, thu từ vé tham quan 64 tỷ đồng.
Suối Yến, Chùa Hương. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn
Đặc biệt, chỉ tính riêng 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đón trên 16 triệu khách với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 2.535 tỷ đồng.
Đó là chưa kể tới nguồn thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ khác tại các khu di sản này như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí... còn lớn hơn gấp nhiều lần so với khoản thu từ vé tham quan.
Nguồn ngân sách nhà nước đã đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo Quần thể di tích Cố đô Huế trong giai đoạn từ 2001 - 2018 trên 1.000 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An trong nhiều năm nay được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa (nạo vét sông, cải tạo cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng chùa Bái Đính...) để vừa bảo tồn, cải tạo cảnh quan thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu về các giá trị di sản.
Tuy nhiên, theo Cục Di sản, việc phát triển du lịch một cách ồ ạt trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
Tại một số di sản tiêu biểu, như Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long, núi Bà Đen, núi Sam đã cho thấy những tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch… để đón khách khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép như: việc xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình, xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam ở An Giang...
Tập trung vào các vùng tiềm năng về du lịch di sản
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra một số quan điểm phát triển trong đó quan điểm về "Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc..tôn trọng văn hóa trong mối quan hệ với cộng đồng điểm đến…"; "Phát triển du lịch gắn với giảm nghèo.." được nhấn mạnh nhằm phát huy vai trò của các di sản được cộng đồng lưu giữ, bảo vệ và phát huy với vai trò chính những người dân và tổ chức cộng đồng là chủ của các di sản trên thực tế. Vì vậy họ sẽ biết cách bảo vệ và phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch, phục vụ cho phát triển kinh tế.
Chiến lược về tổ chức lãnh thổ du lịch trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào một số địa bàn trọng điểm, trong đó có những địa bàn ưu tiên nơi có tiềm năng du lịch, đặc biệt về văn hóa truyền thống song cuộc sống của cộng đồng còn nhiều khó khăn như địa bàn miền núi Tây Bắc với giá trị văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Dao, v.v.; địa bàn Tây Nguyên với không gian cồng chiêng Tây Nguyên và văn hóa dân tộc Ba Na, Ê Đê, v.v.; địa bàn duyên hải Nam Trung Bộ với các di sản văn hóa thế giới và văn hóa dân tộc Chăm và Đồng bằng sông Cửu Long với giá trị văn hóa sông nước.
Cũng theo ông Ngô Hoài Chung, trong kế hoạch phát triển tới đây, du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu khai thác các giá trị văn hóa làng quê để phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa đậm bản sắc dân tộc, hấp dẫn và có sức cạnh tranh để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, góp phần thực hiện những mục tiêu chiến lược đặt ra.
"Quan trọng hơn là thông qua phát triển du lịch làng quê, sẽ góp phần bảo vệ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống và tạo cơ hội cho cộng đồng người dân ở nông thôn hiện chiếm phần lớn dân số ở Việt Nam, tham gia tích cực hơn vào hoạt động du lịch, có thêm thu nhập để cải thiện được cuộc sống của mình"- Ông Ngô Hoài Chung chia sẻ./.