• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho hậu thế còn sống mãi: Được sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ

Văn hoá 22/01/2022 08:02

(Tổ Quốc) - Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch, hưởng đại thọ 95 là nỗi mất mát lớn đối với Phật Giáo nói riêng và chúng sinh nói chung. Tuy thầy đã đi xa, nhưng những giá trị mà thầy để lại thì còn trường tồn với thời gian.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc. Người sinh ra tại Thừa Thiên – Huế và xuất gia năm 16 tuổi. Năm 23 tuổi, thầy chính thức trở thành nhà sư.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng rất lớn. Người dành cả cuộc đời mình gắn bó với Phật giáo và mong muốn phổ độ chúng sinh, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Thiền sư Thích Nhất Hạnh được mục sư vĩ đại Martin Luther King Jr. gọi là "sứ giả của hòa bình và bất bạo động".

Xuất gia từ năm 16 tuổi, thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng rất lớn. Ông dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho mong ước đem lại hạnh phúc cho mọi người và hòa bình cho nhân loại.

Di sản Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho hậu thế còn sống mãi: Được sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ - Ảnh 1.

Những câu nói, lời dạy của thiền sư luôn chứa đầy sự yêu thương và triết lý sống sâu sắc.

1. Nhờ có nụ cười của bạn mà cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.

2. Khi ta trồng cây, mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lí do vì sao lại như vậy: thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng mặt trời.

Vậy nhưng khi ta có vấn đề với bạn bè hay gia đình ta, ta lại đổ lỗi cho họ. Nếu ta biết cách quan tâm họ, họ cũng sẽ ‘lớn tốt’, như cây cối vậy. Đổ lỗi cho ai đó hoàn toàn là vô nghĩa, tranh cãi cũng vậy. Đó là kinh nghiệm của tôi.

Không đổ lỗi cho ai, không tranh cãi, chỉ đơn giản là hiểu. Nếu ta hiểu vấn đề, và thể hiện ra điều đó, ta sẽ luôn có thể yêu thương, và vấn đề đó sẽ được giải quyết.

3. Chỉ biết đau khổ thôi thì không đủ. Cuộc sống đầy khổ đau nhưng cũng rất tuyệt vời. Làm thế nào có thể mỉm cười khi trong lòng đầy những buồn đau? Bạn hãy học cách mỉm cười với nỗi buồn của mình bởi vì bạn đâu phải chỉ là nỗi buồn ấy.

4. Đẹp là khi bạn là chính mình. Bạn không cần phải được chấp nhận bởi những người khác. Bạn cần phải chấp nhận chính mình.

5. Tình yêu đích thực là thứ mang lại hạnh phúc cho cả ta và những người ta yêu thương. Nếu nó không đem lại hạnh phúc cho cả hai bên, đó vẫn chưa phải là tình yêu đích thực.

6. Được sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là khả năng đi trên mặt nước, nó chính là bạn có thể đi bộ trên trái đất xanh ngay lúc này để nhìn thấy sự bình yên và vẻ đẹp của cuộc sống.

7. Hạnh phúc chính là ở đây, ngay lúc này. Rất nhiều điều kiện của hạnh phúc luôn có sẵn, đủ để bạn có thể cảm nhận được hạnh phúc ngay hiện tại. Bạn không cần phải tìm kiếm tương lai để có được nhiều hơn.

8. Buông bỏ giúp chúng ta tự do. Đó là điều kiện duy nhất để có được hành phúc. Nếu trái tim bạn vẫn bám víu vào bất kỳ điều gì khiến bạn lo âu, giận giữ hay tham sân si, bạn không thể tự do và không bao giờ hạnh phúc.

9. Thầy không muốn sau này quý vị xây cho Thầy một ngôi tháp ở Tổ Đình. Xây tháp như thế sẽ không có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì Thầy đang trao truyền. Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của Thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, rồi đặt vào trong tháp. Thầy không phải là cái nắm tro đó. Không có lý Thầy chỉ là cái nắm tro ấy hay sao?

Thầy căn dặn các Thầy các sư cô ở chùa Đình Quán Hà Nội và ở Tổ Đình đừng phí thì giờ nghĩ đến chuyện tìm đất xây tháp cho Thầy. Đó không phải là điều Thầy nghĩ tới. Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của Thầy như cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì tảng đá đó có Thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây nuôi cỏ, cho cỏ cho cây lớn lên. Đừng có ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy.."

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy hòa bình. Ông từng viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay...

Tháng 10 năm 2018, trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam.

00:00 giờ ngày 22 tháng Giêng năm 2022, an nhiên thị tịch tại Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu.

Tổng hợp

Thùy Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ