• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản tư liệu Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế: Hướng bảo tồn và phát huy giá trị

16/06/2016 09:55

(Cinet) – Là di sản tư liệu được đánh giá là độc nhất trên thế giới, hướng bảo tồn và phát huy giá trị Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế là chủ đề được nhiều nhà văn hóa, các chuyên gia ngành văn hóa nói chung đặc biệt quan tâm.

(Cinet) – Là di sản tư liệu được đánh giá là độc nhất trên thế giới, hướng bảo tồn và phát huy giá trị Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế là chủ đề được nhiều nhà văn hóa, các chuyên gia ngành văn hóa nói chung đặc biệt quan tâm.

Buổi tọa đàm Hướng bảo tồn và phát huy giá trị Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được tổ chức ngày 11/6. Ảnh nguồn thuathienhue.gov.vn



Cùng với Mộc bản trường học Phúc Giang, hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ( MOWCAP) ngày 19/5.

Theo số liệu thống kế tại Huế vẫn bảo tồn được hơn 3.000 đơn vị với đầy đủ các loại hình văn thơ, câu đối, đại tự….Những bài văn thơ này được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vi trí thể hiện chủ yếu là tên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, cả trong nội thất và ngoại thất, để ở vị trí nào người ta cũng có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức được. Thơ thì phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn, câu đối…và không cố định số chữ. Thư pháp và cách thể hiện vô cùng phong phú, đủ cả 4 loại hình chân, thảo, triện, lệ…và được xếp ngang, đặt dọc, thậm chí có hai bài thơ trên điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau.

Những áng văn thơ được lựa chon trang trí trên kiến trúc cung đình Huế là những tác phẩm tinh tuyển từ bộ sưu tập sáng tác của các vị hoàng để tài hoa của triều Nguyễn. Hình thức dùng văn thơ trang trí trên các công trình kiến trúc được thực hiện từ thời vua Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925).

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Ảnh nguồn thuathienhue.org, khamphahue



Nói về di sản này, các nhà nghiên cứu văn hóa và các chuyên gia đều thống nhất ý kiến : hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt. Đây là nơi ra đời và lưu trữ tư liệu độc đáo và riêng có tại Cố đô Huế. Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới; với sự phong phú đa dạng về nội dung, thể hiện trên nhiều chất kiệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là người có nhiều nghiên cứu về di sản này cho biết: Đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt. Trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo của một giai đoạn lịch sử gần 150 năm phát triển chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa của Việt Nam.

Là di sản tư liệu đã được công nhận, lại được đánh giá độc đáo không thấy xuất hiện ở đâu trên thế giới, hướng bảo tồn và phát huy giá trị Hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế là chủ đề được nhiều nhà văn hóa, các chuyên gia ngành văn hóa nói chung đặc biệt quan tâm.

Tại buổi tọa đàm về định hướng bảo tồn Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế tổ chức ngày 11/6 tại thành phố Huế, rất nhiều ý kiến đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế là rất đặc biệt, một đặc trưng riêng của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới đưa thơ văn lên nóc nhà, Để bảo tồn và phát huy di sản này, cần làm sâu sắc hiểu biết của chúng ta về hệ thống thơ văn này, phải nghiên cứu một cách thấu đáo hơn, cần phải làm cho mọi người hiểu sự quý giá của hệ thống văn thơ này để tiếp tục bảo tồn và phát triển.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Tuấn Cường -Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức, phải hiểu rõ hơn về giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế trong việc bảo tồn và phát huy di sản này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sưu tầm, thực hiện phiên âm, chú giải, dịch nghĩa chính xác toàn bộ; phải phân tích mối quan hệ giữa văn tự và họa đối với các tác phẩm “nhất thi nhất họa” và cần nỗ lực hơn để hiểu các giá trị đó; đồng thời cần tôn vinh các tác giả của hệ thống thơ văn này.

Nhiều ý kiến khác cũng được đưa ra tại buổi tọa đàm như: cần dịch và xuất bản sách để đông đảo người dân có thể hiểu được ý nghĩa của những áng văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Đào tạo nhân lực bảo tồn di sản; Nghiên cứu chuyên sâu về cách phục chế trong những trường hợp di sản bị thưởng tổn bởi khí hậu, thời tiết…

NLH ( Tổng hợp: baochinhphu; khamphahue, hueworldheritage)

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ