(Tổ Quốc) - Đó là nhận định của ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tại Hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa Việt Nam qua con đường du lịch" do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sáng 29/11, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo.
Du lịch văn hóa trở thành một trong những thế mạnh nổi trội
Di sản văn hóa là sự kết tinh các giá trị vật chất và tinh thần của các thế hệ và trở thành tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Di sản văn hóa là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Di sản văn hóa không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: "Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yêu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam".
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội thảo.
Đồng quan điểm với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng nhận định: "Ngày nay, di sản văn hóa trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch không chỉ bởi nó là nguồn tài nguyên có sức hấp dẫn bởi các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, để từ đó tạo nên những sản phẩm văn hóa – du lịch hoàn chỉnh và đặc sắc, mà còn là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Trên thế giới, du lịch văn hóa từ lâu đã là một trong những dòng sản phẩm du lịch cơ bản, và vì thế, với các quốc gia, vùng lãnh thổ có hệ thống di sản đậm đặc như Việt Nam thì du lịch văn hóa trở thành một trong những thế mạnh nổi trội".
Có thể thấy, những năm gần đây du lịch di sản đã phát triển mạnh mẽ, lượng khách tham quan trong nước và quốc tế không ngừng gia tăng, đặc biệt di sản sau khi đã được Nhà nước lập hồ sơ công nhận và được UNESCO vinh danh. Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể như Quần thể di tích cố đô Huế, năm 2017 đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,8 triệu khách du lịch quốc tế, thu hút được 320 tỷ đồng từ bán vé tham quan di sản; Phố cổ Hội An đón 1,98 triệu lượt khách, thu về 2019 tỷ đồng từ bán vé tham quan…
Trên thế giới, du lịch văn hóa đã từ lâu và sẽ là trường phái hay dòng sản phẩm du lịch cơ bản. Đặc biệt đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có chiều sâu văn hóa đo bằng hệ thống di sản đậm đặc như nước ta thì du lịch di sản trở thành một trong những thế mạnh nổi trội.
Du lịch tạo nguồn lực để thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Ở nước ta, chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được thể hiện trong Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch văn hóa vì vậy là một dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam từ tham quan di tích lịch sử văn hóa, hệ thống bảo tàng, các công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật cho tới tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống địa phương…
Vì thế, không thể phủ nhận vai trò của du lịch đối với di sản. Du lịch tạo nguồn lực tài chính, sự đam mê, trí tuệ thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền và nhân dân biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo giữa gìn bảo tồn, phục dựng và làm sáng tỏ, phát huy những giá trị vốn quý của di sản văn hóa.
Du lịch di sản vừa tạo ra thu nhập, việc làm vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường sự hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân và khách du lịch với di sản. Những lợi ích của du lịch di sản là không nhỏ và được chia sẻ đến doanh nghiệp, người dân và một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Với ý nghĩa đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.
PGS. TS Bùi Thanh Thủy – Trưởng Khoa Gia đình và công tác xã hội, trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định: "Du lịch phát triển tạo tiềm lực để tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian… đồng thời tạo nguồn thu nhập tại chỗ cho phép các địa phương tích lũy và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có văn hóa. Ngoài ra bản thân du lịch còn có chức năng giáo dục thông qua các hoạt động ngành nghề, nó nhắc nhở mọi người về gốc gác văn hóa và giúp du khách xác định, hình thành nên bản sắc của mình, thúc đẩy mối quan tâm của công dân đến lịch sử, văn hóa, di sản.
PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trường trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhất là khi thực tiễn cho thấy: du lịch đại trà đã và đang có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thì vấn đề cần đặt ra là cần có phương thức, giải pháp phù hợp để cân bằng, giải quyết mối quan hệ bảo tồn – phát triển. Để làm được điều đó, ngành Du lịch Việt Nam cần xác định: Không thể chỉ khai thác, phát huy giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc vốn có, mà để phát triển một cách bền vững, việc bảo tồn nó cũng là một nhiệm vụ thường xuyên của Ngành.
Trên tinh thần đó cùng với việc hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Trường và nhìn lại 25 năm đào tạo ngành Du lịch của Trường (1993 -2018), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề "Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa Việt Nam qua con đường du lịch". Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác trong ngành văn hóa và du lịch trao đổi những quan điểm, kinh nghiệm, cách thức tiếp cận trong quá trình triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam thông qua phát triển du lịch và phục vụ phát triển du lịch, PGS. TS. Phạm Thị Thu Hương cho biết.