• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đi tắm biển bị sứa cắn cần phải xử lý thế nào?

Thời sự 04/07/2018 17:41

(Tổ Quốc) - Thời tiết nắng nóng, rất đông người đổ về các bãi biển để tắm. Một số người bị sứa cắn gây nhiều các vết nổi mẩn khắp người. Vậy làm thế nào để khi bị sứa cắn không ảnh hưởng đến làn da cũng như sức khỏe của bạn?

Những ngày qua, nhiệt độ nắng nóng ở mức cao điểm, số lượng người dân đổ về các bãi tắm biển rất cao. Tuy nhiên không hiếm gặp tình trạng người dân bị sứa cắn phải và gây nhiều các vết nổi mẩn khắp người. Vậy làm thế nào để khi bị sứa cắn không ảnh hưởng đến làn da cũng như sức khỏe của bạn?

Sứa có nguy hiểm không?

Đối với người dân vùng biển, sứa là loại động vật quá quen thuộc và đôi khi còn sử dụng chế biến thành món ăn khoái khẩu. Tuy nhiên loại động vật này lại thường khá lạ lẫm với đa số khách du lịch, và những độc tính của nó thường bị bỏ qua.

Với đặc điểm đầu xúc tu chứa hàng triệu tế bào dạng lông mịn trong đó có chứa chất gây dị ứng nọc độc, vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, và xâm nhập vào cơ thể bạn.

Một trường hợp sau khi đi tắm biển về bị mẩn đỏ, ngứa khắp người, nghi do bị sứa đốt. Ảnh: Đức Hoàng

Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu nhẹ, nạn chân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều.

Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu do đó không nên quá lo lắng. Ở thể nặng có thể khiến người chạm phải đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt,… có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.

Khi bị sứa cắn cần xứ lý thế nào?

Theo Ths.Bs Lâm Trọng Cơ – Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, để xử lý kịp thời khi bị sứa cắn thì cần phải lưu ý như sau: Đối với trẻ nhỏ: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi vùng bị sứa đốt. Nhắc trẻ hạn chế chạm vào vết thương.

Rửa vết thương bằng nước giấm (hoặc nước biển) để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Loại bỏ xúc tu của sứa ra khỏi da bằng kìm không có mấu nhọn. Theo dõi kỹ ít nhất trong vòng 8 giờ, nếu trẻ có những biểu hiện khác thường phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra.

Trên facebook "Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh - Sạch - Đẹp" người dân và du khách cũng đăng những hình ảnh bị mẩn đỏ, ngứa khi đi tắm biển về. Tuy nhiên, hiện tượng này do sứa hay không thì chưa ai khẳng định.

Đối với người lớn: Cố gắng làm dịu cơn đau bằng giấm trong 30 giây. Trường hợp đau nhiều có thể uống thuốc giảm đau Paracetamol hoặc Ibuprofen hoặc dùng thuốc kháng Histamin và Corticoide để uống hay bôi da.

Dùng thuốc giảm đau, đắp gạc thấm giấm quanh mí mắt khi sứa làm tổn thương vùng mắt gây đỏ, đau rát. Khi tổn thương vùng miệng: dùng dung dịch pha loãng ¼ giấm và ¾ nước để súc miệng và nhổ ra, không được uống hoặc nuốt dung dịch đó.

Khi có biểu hiện khó thở, choáng, sốc, ngừng tuần hoàn hô hấp, cần phải thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực đồng thời nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu sốc phản vệ.

“Để phòng tránh việc bị sứa đốt khi tắm biển, cũng như đảm bảo một mùa hè an toàn và ý nghĩa, người dân không nên tắm ở những vùng nước có sự xuất hiện của sứa; khi xuống tắm biển nếu thấy cơ thể bị ngứa cần lên bờ ngay để kiểm tra xem có phải do sứa đốt không để có biện pháp xử lý kịp thời;

Không chủ quan, cần sử dụng thuốc và đến các cơ sở y tế thăm khám để nhanh chóng lành bệnh; không chạm vào xác sứa bị trôi trên bờ biển. Và nếu có thể thì nên mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh để khi bị sứa đốt có thể chủ động xử lý”, BS Lâm Trọng Cơ chia sẻ.

Đức Hoàng

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ