(Tổ Quốc)- Ban quản lý Phố cổ Hà Nội vừa phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức lễ gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho di tích Đình Đồng Lạc tại địa chỉ 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Các nghệ nhân thao diễn vẽ sơn mài tại Đình Hồng Lạc |
Đình Đồng Lạc vốn là nơi thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã, đồng thời là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê - thế kỷ thứ XVII. Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi đình đã bị tàn phá nặng nề. Năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô 2 tầng, dùng để bán hàng và nhà ở. Năm 1956, đình lại được sử dụng làm cửa hàng bách hóa.
Đến năm 2000, TP Hà Nội và TP Toulouse (Pháp) đã chọn ngôi đình này để trùng tu, bảo tồn. Năm 2004, Đình được Bộ VHTTDL xếp hạng là di sản cấp quốc gia.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội trao Quyết định Công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho di tích Đình Đồng Lạc tại địa chỉ 38 Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Đình Đồng Lạc cũng hứa hẹn trở thành một điểm hẹn giao lưu văn hóa đối với những người yêu di sản. Bởi, từ nay, Không gian Văn hóa Hanoia chính thức ra mắt tại Ngôi đình di sản 38 Hàng Đào. Đây là chuỗi chương trình được thực hiện định kỳ hàng tháng, do thương hiệu sơn mài Hanoia khởi xướng nhằm giới thiệu vẻ đẹp truyền thống, vẻ đẹp sáng tạo, giao lưu nghệ thuật… nhằm đánh thức những cảm xúc lành mạnh, gợi mở những ý tưởng sống, giải tỏa áp lực của cuộc sống hiện địa. Theo đó, hàng tháng, tại Không gian Văn hóa Hanoia sẽ diễn ra các buổi tọa đàm xoay quanh các câu chuyện về văn hóa và phong cách sống được thực hiện định kỳ hàng tháng, với khách mời là các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ… có uy tín.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, du khách đến với Đình Đồng Lạc sẽ được chiêm ngưỡng các sản phẩm làng nghề truyền thống độc đáo, đặc trưng nhất của Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Điều đặc biệt ở đây là mỗi sản phẩm trưng bày, đều mang trong mình một câu chuyện riêng và là sự kết hợp giữa bàn tay và trí óc tài tình của các nghệ nhân, thợ giỏi của Hà Nội, Việt Nam với các nhà thiết kế đến từ châu Âu- những người đã nghiên cứu, gặp gỡ, tìm hiểu và rồi “nặng lòng” với văn hóa Việt./.