Nét nghệ thuật ấy là những mái ngói, kèo cột, những cung thờ, miếu thờ... có từ cách đây gần 300 năm. Khi ấy, khu di tích nằm yên tĩnh giữa ồn ào phố xá ở ngõ Tạm Thương (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) bây giờ còn là đất của làng An Thái xưa.
Nét nghệ thuật ấy là những mái ngói, kèo cột, những cung thờ, miếu thờ... có từ cách đây gần 300 năm. Khi ấy, khu di tích nằm yên tĩnh giữa ồn ào phố xá ở ngõ Tạm Thương (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) bây giờ còn là đất của làng An Thái xưa.
Thế nhưng, qua bao đời xây lấp, đến giờ dân cư địa phương vẫn tự hào "Đình Yên Thái có 10 sắc phong Thượng đẳng phúc thần" để chứng tỏ cho sự linh thiêng về tâm linh cũng như những giá trị của một di tích lịch sử văn hoá nghệ thuật. Phải nói rằng, khu di tích thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan này còn giữ được vóc dáng như ngày nay là nhờ những bàn tay bảo tồn, tôn tạo, quản lý đầy tâm huyết. Mấy người trong Tiểu ban quản lý đình Yên Thái này như tự xếp vào phần trách nhiệm trong lòng mình 4 nhiệm vụ: "Hiểu sử của đình để tuyên truyền đến nhân dân và khách tham quan; Bảo vệ, gìn giữ các đồ thờ tự không để thất thoát; Thường xuyên kiểm tra các hạng mục của đình bị hư hỏng để sửa chữa; Đưa di tích vào hoạt động để phục vụ tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng có kết quả". Công việc của họ gói gọn trong khuôn viên của đình Yên Thái với nhà tiền đường, cung thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, cung thờ Quan Thái giám, cung thờ cô cậu và nhà thờ tổ. Thời gian cũng làm các chi tiết kiến trúc của đình Yên Thái xuống cấp, nhất là hai vì kèo cột, hai đầu hồi, đòn tay, xà bằng gỗ nằm gối vào tường hồi, rồi phần mái ngói bị mục nát... Nhưng may mắn là những chi tiết ấy được bảo tồn kịp thời. Năm 1997, người ta đã sửa chữa, chống sập nhà tiền đường, năm 2000 trùng tu cung thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, thay mới toàn bộ khung bằng gỗ và lợp ngói mới, năm 2004 trùng tu ngôi miếu thờ trời đất, năm 2005 phục hồi mái thờ quan thái giám và mái thờ cô cậu bị mục nát, năm 2006 tu sửa cung thờ Quan Thái giám. Điều đáng nói là đình Yên Thái là một trong những di tích của Hà Nội được bảo tồn hiệu quả nhờ sự đóng góp công sức của chính người dân. Trùng tu cung thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan mất 150 triệu đồng thì nhân dân đóng góp một nửa, mà chỉ mất 90 ngày đã khang trang, sạch sẽ. Chính tiểu ban quản lý đình đã tuyên truyền, vận động khách thập phương công đức, ghi nhận tiền công đức bằng hình thức "Mức trên 500 nghìn đồng được ghi tên vào bảng vàng lưu sử của đình". Chính họ cũng là người giám sát công trình trùng tu, nhắc nhở đơn vị thi công hoàn thành đúng thời gian. Lời cảm ơn các tập thể và cá nhân công đức kinh phí cho công trình trùng tu được trân trọng trong ngày khánh thành công trình với lời hứa nhà đình hàng ngày bảo vệ, giữ gìn để đưa di tích vào phục vụ tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Và họ đã làm được điều ấy, hằng năm có hai ngày lễ kỷ niệm là ngày sinh và ngày mất của Hoàng Thái hậu được tổ chức long trọng, còn ngày thường thì luôn sạch sẽ linh thiêng để đón khách tham quan di tích. Có thể vì tin cậy người trông coi và có cảm tình với đình Yên Thái nên bà con không tiếc kinh phí đầu tư tu sửa nơi đây. Sau lần trùng tu cung thờ Hoàng Thái hậu ấy, ông Nguyễn Đức Thanh đã công đức 150 triệu đồng trùng tu ngôi miếu thờ trời đất, bà Phạm Thị Thanh Hương công đức 40 triệu đồng để trùng tu hai mái thờ, rồi bà con mỗi người một chút góp đủ 20 triệu đồng tu sửa cung thờ Quan Thái giám... Cách đây chưa đầy nửa tháng, khu nhà lưu sử và tiếp khách của đình lại vừa hoàn thành bằng tấm lòng và tâm huyết của người dân đối với đình Yên Thái. Bây giờ, những người quản lý đình đang ao ước được hỗ trợ kinh phí để trùng tu nhà tiền đường, bởi hiện nay, cột xà, đòn tay, rui mè đều đã mục nát, mái phải lợp tạm ngói tây để che mưa nắng. Chắc chắn, từ nay đến khi Thăng Long - Hà Nội 1000 tuổi, họ sẽ làm được bằng tâm huyết và kinh nghiệm bảo tồn, huy động kinh phí của riêng mình. Quả thật, Hà Nội cần có những di tích lịch sử văn hoá kiến trúc được bảo tồn như đình Yên Thái. Vân Phong (Theo HNnet)