• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di tích Hội An đang xuống cấp trầm trọng

29/11/2005 09:08

Sau cơn bão số 8, Hội An có thêm 60 nhà cổ bị hư hỏng trầm trọng, trong đó 12 ngôi nhà được liệt vào danh sách báo động “đỏ” có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào. Dự án trùng tu 82 ngôi nhà cổ đang triển khai từ cuối năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2005 nhưng chắc khó thực hiện.

Sau cơn bão số 8, Hội An có thêm 60 nhà cổ bị hư hỏng trầm trọng, trong đó 12 ngôi nhà được liệt vào danh sách báo động “đỏ” có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào. Dự án trùng tu 82 ngôi nhà cổ đang triển khai từ cuối năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2005 nhưng chắc khó thực hiện.

Có thể sập bất cứ lúc nào

Sau cơn bão, hàng trăm ngôi nhà cổ ở Hội An bị hư hỏng nặng do nhiều ngày bị ngập sâu trong nước. Du khách đến tham quan Hội An không khỏi chạnh lòng khi nhìn cảnh nhà cổ ở đây giống như một bệnh nhân đang được dưỡng thương. Những ngôi nhà xiêu vẹo, những mái ngói mục nát. Nhiều nhà phải đóng cửa chuyển đến nơi khác để bảo toàn tính mạng.

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích phố cổ Hội An, cho biết: Trong cơn bão số 8 vừa qua, lãnh đạo thị xã Hội An cũng đã tiến hành cưỡng chế nhiều hộ dân sống trong các ngôi nhà cổ bị hư hỏng nặng. Nhưng khi bão đi qua, người dân đã trở về nhà và nguy cơ sụp đổ nhà cổ là rất cao. Tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 8, bà Hồ Thị Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, phải thốt lên: “Nhà cổ ở Hội An giống như người bệnh nằm ở phòng hồi sức cấp cứu. Chỉ cần ngừng truyền thuốc và rút ống thở là bệnh nhân chết ngay”.

Người dân không có tiền góp vốn

Cách nay gần 2 năm, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư tu bổ khẩn cấp 82 di tích có nguy cơ sụp đổ (trong đó có 52 di tích của tư nhân). Tuy nhiên, đến thời điểm này công việc tu bổ vẫn chưa đạt 50% kế hoạch đề ra. Hầu hết các di tích chưa được trùng tu thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Theo ông Nguyễn Chí Trung, trong 52 di tích tư nhân, mới chỉ triển khai được 8 di tích, còn lại phải dời vào năm sau, thậm chí nhiều di tích của tư nhân không thể tu bổ được do gặp khó khăn về vốn và thủ tục lập hồ sơ.

Theo dự án tu bổ nhà cổ, Nhà nước hỗ trợ từ 45% đến 75% kinh phí, còn lại tư nhân góp thêm vào để tu sửa. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không đủ kinh phí để góp vốn. Bởi lẽ, việc tu bổ một ngôi nhà cổ phải tốn ít nhất cả trăm triệu đồng, có nhà lên đến cả tỉ đồng, nên người dân đành ngậm ngùi nhìn nhà cổ xuống cấp theo thời gian. Chính vì không có tiền để góp vốn trùng tu nên người dân cứ phó mặc cho... trời.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, việc lập thủ tục tu bổ những di tích của các họ tộc cũng gặp nhiều khó khăn, vì không ai chịu đứng ra góp kinh phí để tu bổ. Điển hình là nhà thờ tộc Lý nằm trên đường Trần Phú. Hiện nay nhà thờ tộc này do gia đình chị Lý Thị Hoa cai quản. Vì vậy nếu chị Hoa bỏ kinh phí ra tu sửa, lỡ sau này có người trong họ tộc về tranh giành thì không biết xử lý ra sao. Hoặc có những ngôi nhà do cha mẹ để lại cho con cái, nhưng chưa chia cụ thể cho ai nên cũng gặp khó khăn trong việc sửa chữa. “Khổ lắm, cha chung nên chẳng ai khóc” - ông Nguyễn Chí Trung than thở.

Người phố cổ muốn bán nhà

Không ít chủ nhân của các ngôi nhà cổ có tâm sự: “Mong muốn bán được nhà để mua một mảnh đất ở ven đô sinh sống”. Theo tính toán của người dân phố cổ, để lại nhà thì không có tiền trùng tu, còn bán đi thì một ngôi nhà cổ cũng có giá trên 1 tỉ đồng, mua một mảnh đất và làm nhà ở ven đô thị cổ Hội An, thậm chí ở TP Đà Nẵng cũng chỉ tốn chưa đầy 500 triệu đồng. Vừa có nhà ở vừa có vốn làm ăn.

Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà cổ do cha mẹ để lại cho con cái, cha mẹ mất đi ai cũng muốn bán ngôi nhà chung để có một khoản tiền riêng. Ông Nguyễn Chí Trung thừa nhận tình trạng chuyển nhượng nhà cổ diễn ra ở Hội An ngày một nhiều. Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo thị xã Hội An. Tạo nên hồn phố cổ không chỉ là những ngôi nhà cổ kính mà chính là những con người Hội An, nếp sống Hội An. Thử hình dung, một ngày nào đó trong những ngôi nhà cổ ở Hội An không còn những con người Hội An với những tính cách riêng của vùng đất ấy, mà toàn là những người ở các vùng quê khác xa lạ với cách sống bình dị nền nã chân quê của nơi này thì không biết phố cổ sẽ ra sao.

Được biết, Trung tâm Bảo tồn di tích phố cổ Hội An đã có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét thành lập Quỹ Đầu tư hỗ trợ tu bổ di tích tư nhân ở thị xã Hội An. Hy vọng với sự nỗ lực từ chính quyền địa phương, người dân phố cổ có điều kiện định cư ngay tại ngôi nhà cổ của mình.

 LH (LĐ)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ