• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp

Thực hiện: Lê Chung | 20/03/2024

(Tổ Quốc) - Di tích Trấn Bình Môn thuộc Kinh thành Huế, là di tích gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 1.

Kinh thành Huế là di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Di tích này được vua Gia Long cho đo đạc, lập đồ án từ năm 1802 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1805, quá trình này diễn ra trong 27 năm, đến năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng thì hoàn thành. Đây là một công trình đô thị đặc sắc thời phong kiến, cũng là một công trình quân sự phòng thủ có ý nghĩa quan trọng. Kinh thành là vòng thành ngoài cùng, bên trong còn có Hoàng thành, Tử Cấm thành và nhiều công trình của triều đình, công trình nhà ở dân sinh khác.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 2.

Theo thống kê, Kinh thành Huế có tất cả 13 cửa thành, trong đó có 10 cửa chính, 2 cửa đường thủy và 1 cửa phụ.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 3.

Cửa phụ trong số 13 cửa này ở góc Đông Bắc đi từ Kinh thành qua Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá Nhỏ) có tên là Trấn Bình Môn với ý nghĩa trấn giữ để được thanh bình. Cửa này được xây dựng ở đoạn thành nối liền 2 pháo đài Đông Bình và Bắc Định. Vì là cửa phụ, nằm ở vị trí khá hoang vắng nên sau một thời gian dài, di tích này dần bị lãng quên, xuống cấp.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 4.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trấn Bình Đài và Trấn Bình Môn được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, lúc này đây chỉ là tòa thành đắp bằng đất, đến khoảng năm 1818, Trấn Bình Đài và Trấn Bình Môn mới được xây bằng gạch. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua nhận thấy tường thành ở Thái Bình Đài có kích thước khác so với tường thành ở các mặt của Kinh thành nên đã cho xây lại. Năm 1836, vua Minh Mạng lại cho đổi tên Thái Bình Đài thành Trấn Bình Đài, Thái Bình Môn thành Trấn Bình Môn với ý nghĩa đây là công trình kiến trúc dùng để giữ yên Kinh thành. Công trình này cũng chứng kiến nhiều sự kiện trong lịch sử như cuộc biến tháng 7/1885, các trận giao tranh quyết liệt trong chiến cuộc mùa xuân năm 1968...

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 5.

Trấn Bình Môn là một dạng Ám môn xây bằng gạch vồ và Bát Tràng trát vữa vôi, cao 6,16m (tính cả biển đá Thanh). Phần vòm cuốn ở giữa cao 3,6m, rộng 2,77m, hiện vẫn còn 2 cánh cửa gỗ thượng song hạ bản, sơn màu đỏ. Phía trong, bên phải có một cánh cửa nhỏ thông vào một căn phòng được cho là nhà kho của Trấn Bình Đài, tuy nhiên căn phòng này hiện được quân đội khóa kín.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 6.

Phía trên cửa vòm vẫn còn tấm biển đá Thanh dài 1,60m, rộng: 0,66m, dày 0,17m khắc 3 chữ Hán: Trấn Bình Môn.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 7.

Có thể nói Trấn Bình Môn là di tích gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay cửa thành này gần như bị lãng quên và không được nhắc đến nhiều. Theo ghi nhận, nhiều hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng, 2 cánh cửa gỗ đã hỏng,...

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 8.

Phía trên Trấn Bình Môn là một tòa nhà cũ được lợp ngói bờ rô xi măng nhưng hiện cũng bị bỏ hoang.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 9.

Rác thải ngổn ngang bên trong Trấn Bình Môn.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 10.

Phần cửa vòm bị xây bít lại nên không lưu thông được.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 11.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Trần Bình Môn hiện nay bị xuống cấp, tuy nhiên đang thuộc sự quản lý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Về lâu dài, Trung tâm sẽ nghiên cứu và kiến nghị giải pháp cụ thể để tu bổ, phục hồi Trấn Bình Môn nhằm khai thác, bảo vệ hiệu quả.

Di tích Trấn Bình Môn đang bị xuống cấp - Ảnh 12.

Trong thời gian tới, khi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và Bệnh viện Quân y 268 di chuyển về vị trí đóng quân mới, khu vực này sẽ được giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý, sau đó đơn vị này sẽ đưa vào kế hoạch để trùng tu.


NỔI BẬT TRANG CHỦ