• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

​Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được ứng xử và đầu tư đúng tầm và bài bản

26/04/2018 10:03

(Cinet) - Đó là khẳng định của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính về công tác bảo quản và tôn tạo Văn Miếu – Quốc tử Giám trong những năm qua.

(Cinet) - Đó là khẳng định của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính về công tác bảo quản và tôn tạo Văn Miếu – Quốc tử Giám trong những năm qua.

Cổng Văn Miếu. Nguồn:  Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Di tích quan trọng hàng đầu của đất nước




Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 (tức năm Thần Vũ thứ hai đời Vua Lý Thánh Tông) để thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, đồng thời mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu với vai trò là trường học dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý trong triều đình. Trong gần một ngàn năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt.



Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, là địa chỉ lý tưởng để tổ chức nhiều loại hình văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, khai thác du lịch, từ đó đưa di tích trở thành địa chỉ “ngoại giao văn hóa” của thủ đô và cả nước.



TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích quan trọng hàng đầu của cả nước. Trong lịch sử, nơi đây là trung tâm giáo dục cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ. Văn Miếu – Quốc tử Giám đã chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, chứng kiến những bậc hiền tài của đất nước đã học hành và thành đạt từ nơi này, trong đó có rất nhiều danh nhân nổi danh của đất nước như Lê Quý Đôn, Ngô Sĩ Liên…Chính họ là những danh nhân của đất nước đồng thời là một di sản văn hóa vô cùng quan trọng tạo nên diện mạo văn hóa của dân tộc. Hiện nay, Văn Miếu – Quốc tử Giám là nơi lưu giữ những giá trị của văn hóa dân tộc trên phương diện lịch sử và kiến trúc, đặc biệt là những giá trị phi vật thể như coi trọng hiền tài, truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa của cha ông ta. Đó là những giá trị vô cùng quý giá của dân tộc được lưu giữ ở Văn Miếu – Quốc tử Giám mà các thế hệ ta để lại và tiếp tục phát huy các giá trị đó trong thời đại mới.”



Trong suốt 30 năm qua, nhiều hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục đã được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt này như: Ngày Hội đọc sách, Ngày thơ Việt Nam, Lễ phong hàm Giáo sư, Tuyên dương Thủ khoa, Khen thưởng học sinh giỏi, Trao bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, Cuộc thi Trạng nguyên nhỏ tuổi, Triển lãm về tài liệu lưu trữ... Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến 2017, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón tiếp và tổ chức Lễ dâng hương – Khuyến học cho 2.500 trường học các cấp (tiểu học, TH CS, PTTH, ĐH, CĐ) trong cả nước với tổng số 688.090 lượt học sinh, sinh viên…



Nổi bật nhất trong năm 2017, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được vinh danh là một trong 10 điểm đến tiêu biểu của thủ đô.


Khai mạc triển lãm "Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Gia Linh

Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám



Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với những giá trị kiệt xuất về các phương diện lịch sử - văn hóa và nghệ thuật kiến trúc có vị trí đặc biệt trong toàn bộ di sản văn hóa vật chất và phi vật chất của thủ đô. Cùng với đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong số không nhiều di tích có tiềm năng cùng sự gợi mở cho phát huy tác dụng trong đời sống đô thị và xã hội đương đại.



Tuy nhiên, điều này đã đặt ra những thách thức đối với các nhà quản lý, nhà chuyên môn trong bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích. “Với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tất thảy cần phải được gửi đặt ở tầm tương ứng với các tầm cao mà di tích chiếm giữ. Sự nhận thức và ứng xử văn hóa hẳn phải là nền tảng, là sự dẫn dắt xuyên thấu mọi hoạt động tại di tích này. Bởi, hễ hành động vội vàng, hành động sai, tuyệt tác văn hóa này sẽ bị suy xuyển, sẽ bị sai lệch mà không dễ bề nắn chữa lại” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.



Trong suốt những năm qua, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã không ngừng được gìn giữ bảo về và phát huy đúng giá trị của một di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trong đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa  Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ra đời cách đây 30 năm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di tích này cùng với các chuyên gia lĩnh vực bảo tồn di tích qua các hoạt động như: Công trình tạo mái che bảo vệ 82 tấm bia Tiến sĩ; Xây dựng khu Thái Học trên nền cũ của Quốc Tử Giám, nhà Khải Thánh (thờ cha mẹ Đức Khổng Tử), tọa lạc trên sân thứ 5; Quy hoạch về tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám và khu vực bao quanh…

Đông đảo người dân Thủ đô tham dự hội chữ xuân Mậu Tuất được tổ chức tại khu vực Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nguồn: Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của các sinh hoạt văn hóa tại Di tích, Trung tâm đã tập trung đầu tư, kết hợp với huy động nguồn vốn xã hội hóa, từng bước tạo dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch trên toàn quần thể Di tích như: cải tạo khu tiền án, đặt quầy vé mới, phân luồng khách tham quan, xây dựng Logo, hệ thống biển thông tin, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh tiêu chuẩn châu Âu, tôn tạo lối đi, tu sửa giếng Thiên Quang, qui hoạch lại không gian mặt tiền Hồ Văn làm nơi tổ chức sự kiện… Áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá di tích, đầu năm 2018, Trung tâm đã đưa vào phục vụ du khách hệ thống thuyết minh tự động (autoguide) gồm 12 thứ tiếng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.



Bắt đầu từ năm 2017, Trung tâm khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã chính thức trở thành đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, việc tự chủ đòi hỏi đơn vị phải đổi mới về bộ máy, về con người, lề lối làm việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, làm sao phục vụ cho du khách tốt hơn thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời tạo ra nhiều hoạt động, sản phẩm phục vụ cho du khách.



TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhận định: “Trong thời kỳ hiện nay thì có nhiều thời cơ và thách thức đặt ra với Trung tâm, với sự phát triển chung của xã hội, sự phát triển của ngành du lịch, hướng phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong thời gian tới trước hết là hoàn thiện quy hoạch tổng thể của di tích, qua đó, giúp di tích có sự kết nối hoàn chỉnh giữa khu vực nội tự hiện nay với khu vực hồ Văn và vườn Giám tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Năm 2017, Văn Miếu cũng được vinh danh là một trong 10 điểm đến tiêu biểu của thủ đô, để danh hiệu đó được giữ vững trong thời gian sắp tới, thì ngoài công việc về bộ máy, con người, chúng tôi sẽ tập trung vào hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu của di tích.”     



Có thể thấy rằng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm nay đã thực sự thành công về bảo tồn bền vững. Di tích đang trở thành một điểm sáng trong đời sống văn hóa xã hội của thủ đô, điểm thu hút tham quan trong nước và quốc tế, đồng thời là niềm tự hào của di sản văn hóa dân tộc./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ