• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đi tìm chất liệu văn hóa cho du lịch từ văn hóa Nam bộ

Văn hoá 29/03/2023 22:15

(Tổ Quốc) - Buổi trò chuyện "Tản mạn văn hóa Nam bộ" do trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn phối hợp với NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 29/3 là một nỗ lực phác họa nên diện mạo văn hóa của vùng đất mới phương Nam. Nội dung trò chuyện xoay quanh những vấn đề như: Hạt giống văn hóa Thuận Quảng của cộng đồng lưu dân khai hoang; Thổ ngơi phương Nam, tiền đề của đặc trưng "văn minh sông rạch"; Giao lưu văn hóa Việt - Chăm, Việt - Khmer, Việt - Hoa; Ảnh hưởng văn hóa phương Tây; Nam bộ - nơi hợp lưu của những dòng chảy văn hóa.

Nam Bộ là một vùng đất mới, có trên dưới 300 năm tuổi. Nói đến văn hóa Nam bộ là nói đến văn hóa Việt đã được phát triển ở vùng đất này như thế nào mà trước nhất là nói đến lưu dân người Việt đặt chân đến vùng đất này. Đây là nơi giao thoa, gặp gỡ những luồng văn hóa khác, từ đó biến đổi. Do những đặc điểm riêng, vùng đất này trở thành không gian mở, thành nơi hợp lưu những dòng chảy văn hóa. Như vậy, quá trình văn hóa của vùng đất Nam bộ sẽ là nơi - yếu tố tìm hiểu của chúng ta hôm nay. Sau khi xem xét quá trình văn hóa của vùng đất Nam bộ, chúng ta sẽ hiểu được nguồn gốc lịch sử, nội dung và hiểu được đặc điểm tính chất của nó.

Đi tìm chất liệu văn hóa cho du lịch từ văn hóa Nam bộ - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tại buổi trò chuyện "Tản mạn văn hóa Nam bộ"

Buổi trò chuyện "Tản mạn văn hóa Nam bộ" là nỗ lực phác họa nên diện mạo văn hóa của vùng đất mới phương Nam. Nội dung trò chuyện xoay quanh những vấn đề như: Hạt giống văn hóa Thuận Quảng của cộng đồng lưu dân khai hoang; Thổ ngơi phương Nam, tiền đề của đặc trưng "văn minh sông rạch"; Giao lưu văn hóa Việt - Chăm, Việt - Khmer, Việt - Hoa; Ảnh hưởng văn hóa phương Tây; Nam bộ - nơi hợp lưu của những dòng chảy văn hóa.

Như một tất yếu của lịch sử và của điều kiện địa lý, vùng đất Nam bộ trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa. Nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận Quảng thì không muộn hơn là bao là sự giao lưu văn hóa Hoa, Khmer và sau đó là văn hóa Tây Âu. Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Nam Kỳ đã trở thành một phức thể đa nguyên, mang tính chất baroque rõ rệt. Cá tính văn hóa của vùng đất này, do đó có thể nói một cách khái quát là không có gì riêng của nó hiểu theo nghĩa có thâu hóa tất cả những gì từ mọi nơi khác hội tụ về đây. Và nơi đây là một giao điểm động, luôn tiếp xúc với cái mới nên hầu như không một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu (và cả thị hiếu) văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định. Chúng luôn luôn và nhanh chóng đổi mới để tạo nên một dạng thức mới đáp ứng nhu cầu (và thị hiếu) của từng thời đại. Ngoài hai yếu tố trên thì tính thời thượng và tính hiếu kỳ (axotique) trong thị hiếu của văn hóa Nam Bộ.

Có thể nói, chất liệu văn hóa chính là yếu tố nổi bật riêng của từng địa phương, mỗi quốc gia để khơi gợi phát triển du lịch. Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về cảnh quan khác biệt trải dài trên mảnh đất hình chữ S. Theo đó, lịch sử - văn hóa từng vùng miền cũng phong phú không kém. Trong đó, Vùng đất Nam bộ tuy là vùng đất mới tích hợp vô vàn yếu tố sẽ mang đến cho chúng ta nhiều chất liệu giá trị và có những cái nhìn trực quan sinh động hơn trong góc nhìn của người làm nghề du lịch và giá trị mà du khách nhận được sau mỗi chuyến đi. Thêm hiểu và yêu đất nước và con người Việt Nam thông qua việc quảng bá văn hóa, du lịch và du khách Quốc tế. Đó chính là ý tưởng thực hiện chương trình "Tản mạn văn hóa Nam Bộ". Nội dung chương trình giao lưu được chọn lọc từ những tác phẩm do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản như: "Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ (tập I - II - III)"; "Câu chuyện văn hóa"; "Gia Định - Sài Gòn: Ký ức lịch sử - văn hóa"; "Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội" của NNC Huỳnh Ngọc Trảng cùng các cộng sự.

Đi tìm chất liệu văn hóa cho du lịch từ văn hóa Nam bộ - Ảnh 2.

Hình ảnh tại buổi trò chuyện "Tản mạn văn hóa Nam bộ"

Tại buổi trò chuyện "Tản mạn văn hóa Nam bộ" do trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn phối hợp với NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 29/3, sinh viên được gặp gỡ nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - người am hiểu về lĩnh vực văn hóa - đã giúp sinh viên có nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng. Từ đó, có thể áp dụng những kỹ năng - bí quyết học tập tự thân để phục vụ ngành nghề của của các bạn đang học và sắp làm.

Với những kiến thức và thông tin có được từ buổi giao lưu, sinh viên cũng có thêm được một kênh tiếp nhận kiến thức để hiểu rằng, ngoài việc đi thực tế để có kiến thức thì đọc sách cũng là cách để thâu nạp kiến thức cho mình. Bởi đối với sinh viên du lịch thì thì kiến thức đủ và đúng là điều rất quan trọng, để các bạn làm nghề tốt nhất, khẳng định được sự thành công của bản thân và góp phần phát triển thương hiệu du lịch mà các bạn gắn bó trong nghề, để quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam tới thế giới.

Cũng tại buổi giao lưu, trò chuyện, sinh viên đang theo học ngành Du lịch có dịp được tiếp cận với "Tổng tập Văn học dân gian Nam bộ" là dự án bảy tập gồm: Truyện kể dân gian Nam bộ; Ca dao - Dân ca Nam bộ; Vè Nam bộ; Tuồng tích sân khấu và Diễn xướng dân gian Nam bộ; Tục ngữ; Truyện thơ và thơ vè lục tỉnh Nam kỳ; Đồng dao và câu đố. Trong đó "Vè Nam bộ" với độ dày 1820 trang, thuộc tập III của bộ tổng tập vừa được ấn hành đầu năm 2023.

Vè Nam bộ được xuất bản lần đầu năm 1988. Sau đó tái bản lần 1 năm 1998. Tái bản lần 2 vào năm 2006... Nay được biên soạn lại thành tập III thuộc bộ sách "Tổng tập Văn học Dân gian Nam bộ" với sự bổ sung một số lượng lớn những bài vè từ khắp Lục tỉnh Nam kỳ. Quyển 1: Vè kể vật, kể việc; Vè lao động sản xuất và sinh hoạt. Quyển 2: Vè giáo huấn - phê phán thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội. Quyển 3: Vè về thực trạng xã hội phong kiến, thuộc địa; Vè yêu nước chống thực dân đế quốc; Phụ lục gồm Thơ rơi, nói thơ Bạc Liêu, nói thơ trong hát Sắc Bùa Phú Lễ, một số thể loại tự sự khác.

Theo NNC Huỳnh Ngọc Trảng, công việc sưu tập vè Nam bộ đã diễn ra non 10 năm để biên soạn nên ấn phẩm đầu tiên năm 1988. Kể từ đó, tác giả đã liên tục sưu tầm trong dân gian và sưu tập từ các sách báo đã công bố để tiếp tục bổ sung cho sưu tập vè của mình là "Tổng tập Văn học Dân gian Nam bộ - Tập III - Vè Nam bộ" nói trên.

Đi tìm chất liệu văn hóa cho du lịch từ văn hóa Nam bộ - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tặng sách cho các sinh viên và người tham dự buổi giao lưu

Khó có thể nói hết được những gì mà "Tổng tập văn học dân gian Nam bộ - Tập III - Vè Nam bộ" này đã thể hiện ở đó trong một bài giới thiệu sách. Điều có thể nói đây là một tập thành đa sự kiện mà qua đó, chúng ta nhận diện được bộ mặt lịch sử-xã hội của vùng đất này từ những điều nhỏ nhặt ở xóm ấp đến những sự kiện lớn lao hơn ở làng xã, quận huyện, tỉnh thành; tức những câu chuyện từ quê đến tỉnh trải hàng trăm năm lịch sử.

Được biết, "Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ" vẫn đang được nhóm biên soạn và NXB Tổng hợp TP.HCM tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành đầy đủ bảy tập trong thời gian sắp tới. "Với ngồn ngộn tư liệu thú vị, bộ sách "Tổng tập văn học dân gian Nam bộ" sẽ cung cấp nhiều kiến thức phong phú, các mảng chuyên đề văn học dân gian giúp người đọc hiểu thêm những đặc trưng và những biến thể văn hóa trong quá trình dịch chuyển, cộng cư và thích nghi của người Việt nơi vùng đất mới phương Nam. Qua công trình này, Quỹ Hoa Sen mong góp phần nhỏ tạo động lực thúc đẩy bảo tồn, gìn giữ, quảng bá vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc" - Đại diện Quỹ Hoa Sen chia sẻ.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ