• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đi tìm lời giải cho văn học tuổi mới lớn

16/11/2011 15:50

(Toquoc)- Văn học tuổi mới lớn lâu nay chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng, dẫn đến sự thiếu quan tâm của một vài cơ quan chuyên trách. Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng về văn học tuổi mới lớn hiện nay, trao đổi với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc, nhà văn Lê Phương Liên - nguyên trưởng ban văn học thiếu nhi, đồng thời cũng sáng tác mảng văn học này cùng nhà văn trẻ Nguyễn Thị Châu Giang - tác giả của nhiều tác phẩm tuổi mới lớn và hiện đang làm công tác biên tập mảng sách này cho biết.

(Toquoc)- Văn học tuổi mới lớn lâu nay chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng, dẫn đến sự thiếu quan tâm của một vài cơ quan chuyên trách. Để tìm hiểu rõ hơn thực trạng về văn học tuổi mới lớn hiện nay, trao đổi với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc, nhà văn Lê Phương Liên - nguyên trưởng ban văn học thiếu nhi, đồng thời cũng sáng tác mảng văn học này cùng nhà văn trẻ Nguyễn Thị Châu Giang - tác giả của nhiều tác phẩm tuổi mới lớn và hiện đang làm công tác biên tập mảng sách này cho biết.

PV: Là người theo dõi văn học dành cho tuổi mới lớn từ nhiều năm, xin nhà văn cho biết tình hình mảng văn học này hiện nay?

Nhà văn Lê Phương Liên: Trước hết ta nên tìm hiểu cách gọi Tuổi mới lớn (hiện nay nhiều người gọi là tuổi teen) vốn được bắt nguồn từ một khái niệm mang tính chất y khoa để gọi lứa tuổi từ 13 đến 19, về mặt sinh lư đây là lứa tuổi dậy thì về giới tính.

Trước đây, trong văn học thiếu nhi miền bắc,văn học dành cho lứa tuổi này chưa được quan tâm đúng mức, các tác giả chưa thật sự đi sâu diễn tả nội tâm của lứa tuổi này. Nhưng, cũng đã có một vài tác phẩm viết riêng cho lứa tuổi này và đã được bạn đọc yêu thích có sức sống khá lâu (ví dụ cuốn Khi mùa xuân đến in lần đầu năm 1974 vừa qua 2011 được tái bản).

Tuy nhiên từ sau 1975, văn học cho tuổi mới lớn đã được chú ư nhiều hơn, tác giả đem lại ấn tượng nổi bật nhất cho bạn đọc là Nguyễn Nhật Ánh với hàng loạt tác phẩm như Bồ câu không đưa thư, Cô gái đến từ hôm qua, Bong bóng lên trời, Hạ đỏ, Mắt biếc… nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng là một nhà văn viết nhiều cho lứa tuổi này, đặc biệt là tạp chí Áo trắng của thành phố Hồ Chí Minh là một tạp chí văn học được bạn đọc tuổi mới lớn yêu thích.

Sau khi nhận thức được vai trò rất có ý nghĩa của dòng sách văn học này, từ 2002, NXB Kim Đồng cho ra đời Tủ sách Tuổi mới lớn bước đầu thu hút hàng trăm cây bút trẻ và rất nhiều những tác giả đã thành danh tham gia. Cho đến nay hàng trăm tác phẩm đã ra đời, hàng triệu bản sách đã đến tay người đọc với nhiều tên tuổi được bạn đọc mến mộ như Nguyễn Thị Châu Giang, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyên Hương,Thu Trân,Phương Trinh, Nguyễn Thiên Ngân, Dương Thụy, Nguyễn Thị Yến Linh, La Thị Ánh Hường, Võ Thu Hương… Nhiều tác giả trẻ đã là đại biểu Hội nghị viết văn trẻ vừa qua tại Tuyên Quang.

Hiện nay NXB Kim Đồng xuất bản khoảng 50 tựa sách/năm. Trong đó 1/5 là sách tái bản theo các chủ đề: tác giả được yêu thích, hay các chủ đề về tình bạn, tình thây trò, về bốn mùa thiên nhiên… 4/5 là sách mới trong đó ngoài sách văn học còn có các sách kỹ năng sống cho tuổi mới lớn…

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Có thể nói mảng văn học này hiện nay chiếm một thị phần không nhỏ trong lĩnh vực văn chương với sự phong phú và đa dạng hơn hẳn khoảng thời gian cách nay mươi mười lăm năm. Các nhà văn tên tuổi đã không còn viết nhiều cho lứa tuổi này mà chủ yếu là các bạn trẻ tự viết cho mình. Rất nhiều bạn trẻ viết truyện và được săn đón, được in sách khiến cho mảng văn học này sôi động. Nhưng nhìn nhận thẳng thắn thì có rất hiếm tác giả trẻ viết đều tay, và khá nhiều tác giả dễ dãi với công việc sáng tạo của mình.

PV: Với hàng trăm đầu sách hiện nay thì văn học tuổi mới lớn đã đáp ứng được nhu cầu của độc giả chưa?

Nhà văn Lê Phương Liên: Đối với lứa tuổi có năng lực đọc dồi dào như tuổi mới lớn thì số lượng sách như thế là còn "lọt thỏm" trong thị trường.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Tôi nghĩ là chưa. Vì thế giới tuổi mới lớn muôn hình vạn trạng, mà chúng ta thì chưa khai thác hết sự phức tạp tâm lý của tuổi này.

PV: Nhà văn có thấy sự khác biệt giữa tác phẩm của những nhà văn thành danh với sáng tác đầu tay của các cây bút không?

Nhà văn Lê Phương Liên: Tủ sách Tuổi mới lớn lúc ban đầu có nhiều tác giả có tên tuổi tham gia như Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Thị Hoàng, Kim Hài, Thùy An… Có thể nói rằng với tay nghề vững vàng thể hiện "tính nhân văn muôn đời” của những hoài niệm về tuổi mới lớn các cây bút gạo cội đã tạo ra một vị thế cho Tủ sách. Tuy nhiên để tiếp cận trực tiếp và thể hiện sinh động cuộc sống của tuổi mới lớn hôm nay thì các cây bút trẻ đã tỏ ra có ưu thế vượt trội.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Ý bạn là các cây bút hiện nay? Chúng khác nhau ở chỗ trải nghiệm, sự tươi trẻ, hơi thở cuộc sống và quan trọng là chúng cách biệt nhau về hình thức (câu, chữ).

PV: Tác phẩm từ các vùng miền đã mang được nét đặc trưng của vùng miền đó chưa?

Nhà văn Lê Phương Liên: Tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng đã là nơi tụ hội của nhiều cây bút mọi lứa tuổi trong cả nước như Chu Thanh Hương (Lạng Sơn), Việt Nga (Hải Dương), Nguyên Hương (Đắc Lắc), Anh Đào (Kiên Giang), Mai Bửu Minh (An Giang), Nguyễn Mỹ Nữ (Bình Định)… Tuy cảnh sắc thiên nhiên và ngôn ngữ vùng miền có làm nên "cái riêng" chút ít, nhưng có lẽ sự phát triển của Internet đã khiến cho tâm trạng tuổi trẻ xích lại gần nhau, do đó nếu đọc các tác phẩm trong Tủ sách Tuổi mới lớn hiện nay, người đọc thường khó nhận ra tính “vùng miền" của từng cuốn sách. Giữa các cây bút thành thị và các cây bút tỉnh xa kể cả miền núi cũng không khác biệt bao nhiêu.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Tôi không nghĩ chúng mang được nét đặc trưng của các vùng miền.

PV: Trong tủ sách văn học tuổi mới lớn, có rất nhiều tác phẩm là sáng tác đầu tay, vậy có phải vì chúng ta đang thiếu mảng văn học này nên khá dễ dàng chấp nhận, hay vì lý do gì?

Nhà văn Lê Phương Liên: Trong những năm Tủ sách Tuổi mới lớn mới ra đời, hầu hết các cây bút trẻ có sáng tác đầu tay tương đối tốt đều được NXB Kim Đồng cho in với niềm hi vọng để xây dựng phong trào. Vài năm gần đây việc tuyển chọn bản thảo đã dần dần khắt khe hơn nhằm hướng tới một đội ngũ viết cho tuổi mới lớn ngày càng có "tính chuyên nghiệp" cao hơn.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Có những tác phẩm đầu tay đạt chất lượng cao, có những tác phẩm khá non nớt. Khi lập ra tủ sách này, chúng tôi lấy tiêu chí là tạo ra 1 sân chơi lớn để các bạn trẻ có thể tranh tài cùng với nhau, thử sức xem mình có thể đi được đường dài hay không, nên luôn luôn mở ra cơ hội với các bạn trẻ ấy.

Hiện nay, sau một quá trình sang lọc, một số bạn trẻ đã bật lên, và Tủ sách đã nghiêng về chất nhiều hơn về lượng.

PV: Tuổi mới lớn có nhiều vấn đề khá phức tạp, nhưng vô cùng thú vị. Vậy theo nhà văn thì những tác phẩm văn học dành cho tuổi mới lớn của chúng ta đã phản ánh được cuộc sống của tuổi mới lớn hiện nay chưa?

Nhà văn Lê Phương Liên: Cuộc sống hiện đại của các em học sinh, sinh viên và nói chung là tuổi mới lớn hiện nay khác xa với tuổi mới lớn trong quá khứ. Có thể nói rằng nhiều tác phẩm của Tủ sách Tuổi mới lớn đã phản ánh được sinh động những vấn đề nổi bật của hiện thực nóng bỏng hiện nay như: đời sống của học sinh đô thị và cả du học sinh ở nước ngoài thể hiện trong Người mưa; Xúc cảm nguy hiểm (Phan Hồn Nhiên); Vũ trụ câm (Vũ Đình Giang); Cuộc sống của các em học sinh Tây Nguyên nô nức đi trọ học với biết bao gian nan và cả sự thách thức đối mặt với nạn ma túy trong Học trò phố huyện (Nguyên Hương); Tình cảm băn khoăn của học trò miền núi dân tộc ít người trước làn sóng "văn hóa đô thị” xô đẩy trong Hạt cát nhỏ nhoi (Nguyễn Thúy Loan). Tuy nhiên đa số những cuốn sách viết về Tuổi mới lớn là nghiêng về miêu tả tình cảm "mới lớn" với thoáng chút tình yêu học trò mơ màng có phần bàng bạc chưa có gì sâu sắc hoặc đề cập đến sự sa ngã của các em trước những tệ nạn xã hội một cách đơn giản dễ dãi.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Cũng chưa nhiều lắm đâu.

PV: Theo nhà văn, những tác giả nào thành công ở mảng sách văn học này? Số lượng những tác giả thành công như vậy là ít hay nhiều? Lý do?

- Tác giả thành công từ xưa thì có Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Bùi Chí Vinh… gần hơn thì có Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, gần đây thi có Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy… Cũng không phải là nhiều vì đôi khi chính các tác giả cũng quan niệm, khi mình đi qua tuổi mới lớn, mình cần phải trưởng thành và viết về tuổi thanh niên, về những vấn đề lớn lao hơn thì mới gọi là có sự phát triển nghề nghiệp. Tất nhiên đây cũng chỉ là một trong nhiều lí do thôi.

PV: Hội Nhà văn Việt Nam trước đây có ban văn học thiếu nhi, giờ đây văn học thiếu nhi là một mảng trong ban văn học đề tài, Hội có cần quan tâm đến mảng văn học này không?

Nhà văn Lê Phương Liên: Vừa qua Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII đã có sự sắp xếp lại tổ chức, Ban Văn học thiếu nhi được thu hẹp chỉ còn 01 ủy viên trong Ban Văn học đề tài. Là hội viên của Hội, các nhà văn viết cho thiếu nhi đã nghiêm túc tuân theo sự sắp xếp này, vẫn duy trì nhiệt tình sáng tác nhiều cuốn sách hay sách tốt phục vụ kịp thời cho các em thiếu nhi cả nước mà không có sự đòi hỏi gì với tổ chức. Tuy nhiên xét về mặt khoa học và thực tế đời sống xã hội, nhân dịp này chúng tôi cũng mong muốn được trao đổi ư kiến thêm. Trước hết, việc coi Văn học thiếu nhi là văn học đề tài là một quan điểm chưa hợp lư. Văn học thiếu nhi là một "Thể loại văn học đặc thù' nhằm phục vụ một đối tượng văn học rộng lớn bao gồm: lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), lứa tuổi nhi đồng (từ 6 đến 10 tuổi), lứa tuổi thiếu niên (từ 11 đến 13 tuổi), tuổi mới lớn (từ 13,14 tuổi đến 18, 19 tuổi). Chỉ riêng trong Văn học thiếu nhi cũng đòi hỏi cần có nhà văn và các chuyên gia văn học riêng cho từng lứa tuổi đã nêu trên. Do đó đối với nền văn học của một đất nước cần có một cơ quan đầu não của Văn học thiếu nhi, đó là nơi hội tụ của các chuyên gia đầu ngành về tâm lý trẻ em, giáo dục phổ thông, văn học nghệ thuật và truyền thống. Văn học thiếu nhi Việt Nam nếu được tổ chức hợp lư hoàn toàn có đủ tiềm lực vươn lên sánh vai với các nền văn học thiếu nhi lớn trên thế giới.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Tôi nghĩ là nên quan tâm.

PV: Vậy theo nhà văn thì nên để Ban văn học đề tài hay Ban Nhà văn trẻ phụ trách mảng văn học tuổi mới lớn?

Nhà văn Lê Phương Liên: Đối với văn học dành cho tuổi mới lớn chúng ta dễ dàng thấy rõ có một vấn đề nhạy cảm nhất là vấn đề tình dục. Đối với lứa tuổi này chất "thơ ngây" còn rất đậm, do đó khi viết về tình dục cho các em cần những nhà văn có tài và tâm huyết, biết thể hiện tinh tế và sâu sắc những cảm xúc đẹp đẽ và thiêng liêng về tình yêu thơ ngây. Do đó sẽ là hợp lý nếu coi văn học tuổi mới lớn là văn học thiếu nhi. Trên thực tế hiện nay, NXB Kim Đồng và NXB Trẻ, những nhà xuất bản chuyên cho thiếu nhi đang đảm nhiêm việc xuất bản sách cho tuổi mới lớn.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang: Tôi nghĩ Ban nhà văn trẻ nên phụ trách việc này.

PV: Thưa nhà văn Lê Phương Liên - người rất tâm huyết với văn học thiếu nhi và từng làm trưởng ban văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn, ngoài việc trao đổi thêm ý kiến về vấn đề Ban văn học thiếu nhi bị thu hẹp, chỉ còn 01 uỷ viên nằm trong Ban văn học đề tài là chưa hợp lý, bà còn mong muốn hay đề xuất gì để Văn học dành cho tuổi mới lớn để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn?.

Nhà văn Lê Phương Liên: Văn học thiếu nhi Việt Nam trong đó có văn học cho tuổi mới lớn đang là một đòi hỏi cấp bách của bạn đọc trẻ và của toàn xã hội. Những người đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này rất mong các cơ quan hữu trách có sự quan tâm hợp lý và khoa học tới một lĩnh vực văn học có ư nghĩa quan trọng với tương lai của đất nước.

* Cảm ơn các nhà văn đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện khá thẳng thắn. Xin chúc sức khoẻ và tất cả những mong muốn của nhà văn thành hiện thực!.

Hiền Nguyễn (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ