(Tổ Quốc) - Sự kiện 500 sinh viên “Đạp xe đạp vì môi trường” vừa diễn ra tại làng đại học Thủ Đức – ĐHQG TP.HCM (TP. Thủ Đức, TP.HCM) sáng ngày 2/10 đã truyền đi thông điệp trong thế hệ trẻ vì một Việt Nam xanh hơn, hướng tới một công đồng ASEAN phát triển bền vững và sử dụng năng lượng sạch.
Hành động nhỏ, tác động lớn
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đã viện dẫn cảnh báo rằng hoạt động giao thông đóng góp tới 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên các thành phố. Việc sử dụng xe đạp hàng ngày chính là cách tối ưu để bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái xanh. ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cũng dẫn lại thông tin từ cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ, nếu tất cả mọi người đang tham gia giao thông sử dụng xe đạp ít nhất 1 lân/tuần thì sẽ làm giảm ít nhất 20% tốc độ nóng lên toàn cầu. Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây được công bố trên Tạp chí Communications Earth and Environment ngày 18/8, thế giới sẽ giảm được gần 700 triệu tấn ô nhiễm carbon mỗi năm - nhiều hơn lượng khí thải hàng năm của Canada - nếu mọi người đạp xe hàng ngày thay vì đi phương tiện sử dụng các nguyên liệu hóa thạch.
Riêng tại Việt Nam, với 27% dân số tương đương 23 triệu người, thanh niên Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này có thể thấy từ thành quả thời gian qua, khi Việt Nam đã thể hiện cam kết và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ một nước đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã lùi xuống đứng ở vị trí thứ 38 trong năm 2019. Đây là một kết quả đáng mừng và khả quan sau thời gian dài với nhiều nỗ lực của các tổ chức/đơn vị/cá nhân cùng chung tay. Và thói quen đi xe đạp là một trong những hoạt động góp phần vào nỗ lực đó.
Phát biểu tại sự kiện, bà Wiraka Mooddhitaporn - Tổng lãnh sự quán Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM đặc biệt quan tâm đến vai trò của thế hệ trẻ (thanh niên) trong việc thay đổi nhận thức và tư duy hành động trước những thói quen xấu, hành động không đẹp sẽ tác động lớn đến môi trường. "Đi xe đạp vì môi trường là hành động nhỏ nhưng tác động lớn... Như để thực hiện cam kết của cộng đồng ASEAN đã đưa ra tại COP26 năm 2021 là cần thay đổi công nghệ, quy trình, chính sách, nhưng không điều nào trong số đó sẽ thành công trừ khi chúng ta thực sự thay đổi tư duy và hành động của mình.", bà Wiraka Mooddhitaporn nhấn mạnh.
"Cùng nhau! Mạnh mẽ hơn! Bền bỉ hơn"
Nhà báo Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, trong những năm gần đây tác động của biến đổi khí hậu đã biểu hiện hết sức rõ rệt qua nhiều dấu hiệu như nắng nóng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài mỗi đợt, xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt xảy ra bất thường và khó dự báo. Trước bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết và sự quyết liệt trong ngăn ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều chính sách và chiến lược. Từ đó, mới thấy biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của một cá nhân hay một quốc gia, mà ảnh hưởng tới tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.
PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM cũng chỉ ra những tác động thực tế và gần nhất của biến đổi khí hậu đó là hậu quả, sức tàn phá và ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Noru vừa đổ bộ vào đất liền Philippines và Việt Nam cuối tháng 9 vừa qua đến đời sống thường nhật của người dân. Điều này càng đặt ra yêu cầu và trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người, trong đó có đối tượng thanh niên là rường cột của nước nhà và chính là tương lai của ASEAN.
"Thông qua sự kiện "Đi xe đạp vì môi trường" ngày hôm nay, tôi mong rằng tinh thần hành động vì khí hậu sẽ được lan tỏa tới nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn thanh niên – lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển của đất nước. Tinh thần này sẽ không chỉ dừng lại trong khuôn khổ sự kiện ngày hôm nay, mà sẽ trở thành hành động cụ thể hàng ngày, không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà sẽ được lan toả tới nhiều nước khác trong khu vực, để cùng đoàn kết hành động vì một ASEAN xanh và phát triển bền vững. Đây cũng chính là một nhiệm vụ quan trọng của các bạn thanh niên trong năm nay - năm Thanh niên ASEAN và Liên minh Châu Âu.", Nhà báo Tạ Việt Anh nhấn mạnh.
Nhà báo Tạ Việt Anh còn cho biết thêm, "Đi xe đạp vì môi trường" là một phần trong chương trình "Cùng tiến bước vì tương lai - On the move for the Future" được tổ chức lần thứ 2 nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Việt Nam và giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như những nhu cầu khác với thông điệp "Cùng nhau! Mạnh mẽ hơn! Bền bỉ hơn".
"Cùng tiến bước vì tương lai" là một sáng kiến của tổ chức ActionAid, kêu gọi mọi người đi bộ, chạy bộ, đạp xe, trên toàn cầu, nhằm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch và góp hành động cụ thể làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Năm 2021, Việt Nam là đơn vị thắng giải toàn cầu. Năm 2022, mục tiêu của chương trình là sẽ có ít nhất 10.000 thanh niên, sinh viên, người dân tham gia đi bộ hoặc đạp xe, với quãng đường tương đương một vòng trái đất, kêu gọi sự quan tâm và hành động của các bên vì một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn.
Trước đó, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam bắt đầu thực hiện các chương trình phát triển tại các khu vực nghèo nhất và xa xôi của Việt Nam, với các chương trình dài hạn tìm giải pháp cho công bằng khí hậu, bên cạnh các dự án cộng đồng từ cấp địa phương đến trung ương, kiến tạo giá trị và giải pháp cho cộng đồng. Trong thời gian qua, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cũng đã hỗ trợ hơn 60 triệu lượt người trong cả nước, chủ yếu là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em và các đối tác chủ động xây dựng sinh kế, giáo dục và tiếng nói của mình trong các chương trình, chính sách các cấp, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng.