(Tổ Quốc) - Trong bộ phim “Đất rừng phương Nam” ra mắt mới đây, khung cảnh chợ nổi ở khu rừng tràm xanh mướt, đẹp như tranh vẽ, thu hút sự chú ý của nhiều người.
“Đất rừng phương Nam” là một trong những bộ phim điện ảnh Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý khán giả trong thời gian vừa qua. Bên cạnh nội dung phim, bối cảnh quay cũng khiến nhiều người xem thích thú. Một trong số đó là khu rừng tràm, nơi phục dựng lại khu chợ nổi miền Tây.
Không nằm ở nơi đâu quá xa xôi, địa điểm này thực chất là một cái tên quen thuộc với nhiều tín đồ du lịch, cách TP.HCM khoảng 200km, tương đương với hơn 2 giờ lái xe. Địa điểm đang được nhắc tới là Rừng tràm Trà Sư, thuộc địa phận huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Phân cảnh chợ nổi trong phim “Đất Rừng Phương Nam” tại Trà Sư (Ảnh Phim Đất rừng phương Nam)
Dù đã là một địa điểm thu hút đông đảo du khách trong khoảng vài năm trở lại đây, song khi khung cảnh Rừng tràm Trà Sư xuất hiện trên màn ảnh rộng, sự thu hút của nó còn trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang chia sẻ: “Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi công chiếu phim ‘Đất rừng phương Nam’, nhiều khách du lịch rất tò mò và hiếu kỳ tìm về An Giang để tham quan Rừng tràm Trà Sư cũng như nhiều điểm du lịch lân cận khác. Từ đó lượng khách du lịch quả thực tăng đáng kể”.
Rừng tràm Trà Sư - “Thư viện sinh thái khổng lồ” của mảnh đất miền Tây
Trà Sư là rừng tràm kết hợp trở thành khu du lịch sinh thái được hình thành năm 1983, tọa lạc gần khu vực núi Trà Sư của huyện Tịnh Biên, An Giang. Theo lời người dân bản địa, tên gọi Trà Sư có nghĩa là ông thầy tu. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu.
Tổng diện tích của rừng tràm vào khoảng gần 850 ha, được bao phủ bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, một màu xanh phủ kín tầng tầng lớp lớp. Khi nhìn từ trên cao, khung cảnh này đã khiến nhiều du khách phải trầm trồ. bên cạnh đó, rừng tràm Trà Sư còn là “ngôi nhà” của nhiều loài chim, thú quý hiếm, có loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Rừng tràm Trà Sư khi nhìn từ trên cao (Ảnh VinTravel)
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của đại học An Giang, rừng tràm Trà Sư là nơi cư trú của 70 loài chim, cò, trong đó có hai loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng). Hệ sinh thái cũng rất phong phú với 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản, trong đó có 2 loài có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là cá trê trắng và cá còm.
Nhiều du khách nhận xét rằng, đây thật sự là một “thư viện sinh thái” khổng lồ, là mảnh “Đất rừng phương Nam” như bước ra từ trong tiểu thuyết. Đặc biệt, theo các hướng dẫn viên du lịch, rừng tràm Trà Sư còn là được coi nơi cất giữ vẹn nguyên những giá trị tinh hoa đặc trưng của rừng ngập nước, cũng như phô bày nét đẹp văn hóa vùng Tây Nam Bộ.
Rừng tràm trà sư được xem là ngôi nhà của nhiều loại động vật, trong đó có cả loài quý hiếm (Ảnh Nụ cười Mê Kông)
Rừng tràm Trà Sư còn rất đa dạng về thực vật với 140 loài thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có gần 80 loài dược liệu… (Ảnh Moitruong.net)
Khám phá trọn vẹn rừng tràm Trà Sư
Để tham quan khám phá rừng tràm, đầu tiên du khách sẽ đến bến tàu mua vé vào cửa và thuê tắc ráng – là loại phương tiện di chuyển giống như những chiếc thuyền máy.
Vé vào cửa tham quan toàn bộ khu vực có giá là 100.000 đồng/người, bắt buộc với mọi du khách. Tuy nhiên với trẻ em dưới 1m3 và người cao tuổi trên 70 tuổi, vé sẽ được miễn phí. Sau khi đã mua xong vé vào cửa, du khách sẽ lựa chọn xuồng máy và xuồng chèo, mỗi xuồng dành cho khoảng 3-4 người với chi phí đồng giá 50.000 đồng/người. Với những nhóm du khách đông, lời khuyên được đưa ra đó là hãy liên hệ trước với các đơn vị cung cấp dịch vụ bởi có thể nhận được mức giá ưu đãi hơn.
Ảnh: Linh Hương
Ảnh: Thế hệ trẻ travel
Thời điểm lý tưởng nhất để tới thăm rừng tràm Trà Sư là vào mùa nước nổi, từ tháng 9 đến khoảng tháng 11 hàng năm. Du khách sẽ được tham gia nhiều trải nghiệm mang những nét đặc trưng của miền sông nước như đi thuyền qua những con kênh, con rạch, thu hoạch mật ong hoa tràm hay đi bộ theo những lối đường đất mòn nhỏ, hai bên lối đi là những cây tràm cao vút, phủ bóng xanh mát, không gian trong lành.
“Chiếc xuồng đi tốc độ không quá chậm cũng không quá nhanh, cứ thế xuyên qua các con rạch, rất thú vị. Trên đường tham quan, lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh người dân thu hoạch mật ong hoa tràm từ các thùng nuôi đặt trong rừng. Loại mật này có giá từ 300.000 đến hơn một triệu đồng mỗi lít tuỳ chất lượng. Tôi cũng tranh thủ mua một ít về làm quà cho người thân”, du khách Thanh Giang (TP.HCM) chia sẻ về chuyến đi tới rừng tràm của mình.
Lối đi bộ thơ mộng tại rừng tràm Trà Sư (Ảnh Thám hiểm MeKong)
Sau khi đi qua quãng đường cả đường nước và đường bộ, du khách sẽ tới được với vùng lõi của rừng tràm Trà Sư. Tại đây, phương tiện sẽ được chuyển sang là chiếc xuồng chèo tay để đi sâu vào tận ngóc ngách của rừng tràm. Không còn bất kỳ tiếng động cơ hay âm thanh ồn ào khác, những chiếc xuồng nan vừa đủ chỗ cho 4 người nhẹ nhàng trôi theo dòng nước, len lỏi giữa những con rạch nhỏ.
Du khách My Linh (Hà Nội) cho biết: “Cảm giác bồng bềnh giữa dòng nước thật thư thái, khiến mình muốn dừng ở khoảnh khắc đó mãi, có nhiều đoạn những tán tràm còn rủ ngang đầu mình. Mặt nước được một lớp bèo xanh bao phủ, ai cũng tò mò cho tay xuống chạm thử. Nói chung chuyến đi cực kì chill, team mình đều ưng ý lắm”.
Ảnh: Thám hiểm MeKong
Càng đi sâu vào bên trong, du khách sẽ càng có nhiều cơ hội được tận mắt nhìn thấy rất nhiều loài chim quý hiếm trú ngụ. Bên cạnh đó, không ít người đã phải bất ngờ thốt lên ngạc nhiên khi thấy mảng sắc vàng tươi của những bông hoa điên điển. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên miền Tây sông nước không thể hài hòa và yêu kiều hơn. Trà Sư quả thật là một điểm đến thích hợp với du khách muốn tạm thời trốn khỏi thành thị xô bồ, ồn ã.
Những địa điểm khác ở Trà Sư không thể bỏ lỡ
Sân chim bồ câu
Ảnh: Rừng tràm Trà Sư
Ngay gần lối vào, từ bên khu vực phòng vé chính, cách một con kênh Trà Sư, có một nơi được gọi là “Thành phố Bồ Câu”. Đúng như tên gọi, đây chính là ngôi nhà của hơn 400 chú chim bồ câu được nuôi thả trong rừng. Nơi đây là địa điểm yêu thích của những du khách yêu thích chụp ảnh hay cho chim ăn…
Cầu tre dài nhất Việt Nam
Một phần của “cây cầu tràm kỷ lục” (Ảnh Tra Su Tourist)
Cầu tre xuyên rừng tràm Trà Sư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 10 km và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng. Càng đi vào sâu, khung cảnh hai bên cầu càng đẹp, không gian yên tĩnh và mát mẻ. Cầu dẫn vào bến xuồng máy, nơi du khách có thể lên xuống để thay đổi lộ trình.
Lầu vọng cảnh
Nếu muốn quan sát bao quát hơn về rừng tràm thì chắc chắn không thể bỏ qua lầu vọng cảnh và trải nghiệm sử dụng kính viễn vọng ở đây. Với tầm nhìn 25km, du khách có thể ngắm toàn bộ rừng tràm, nhìn được ngôi làng của người Khmer sinh sống. Nếu có thời gian, du khách có thể trực tiếp ghé thăm để xem món nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa, thổ cẩm của họ.
Ảnh: Thám hiểm MeKong
Như đã nói ở trên, cách TP.HCM khoảng 200km, cách thành phố Châu Đốc khoảng 30km về phía Tây Nam và thành phố Long Xuyên 64km, du khách có thể dễ dàng di chuyển tới rừng tràm bằng bất kỳ phương tiện nào như xe máy, taxi, ô tô, xe khách… Để chuyến đi trọn vẹn nhất có thể, tốt hơn hết hãy khởi hành từ sáng sớm và kết thúc hành trình bằng trải nghiệm ngắm hoàng hôn trên Lầu Vọng Cảnh.