• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Địa phương được tập đoàn năng lượng Mỹ đầu tư 13 tỷ USD phát triển điện gió có tiềm năng gì?

Kinh tế 02/08/2022 09:54

(Tổ Quốc) - Tại đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ, Tập đoàn AES của Hoa Kỳ đã đề xuất ý định thư với Phái đoàn Việt Nam với mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận với tổng kinh phí là 13 tỷ USD.

Dự án này có công suất dự kiến đạt 4.000 MW. Việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi này của Tập đoàn AES với mong muốn đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải carbon của Việt Nam và đạt được mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.

Với vị trí địa lý thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có hệ thống đường dây truyền tải 500 kV và 220 kV, Bình Thuận rất thuận lợi để phát triển các dự án điện và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và điện khí LNG để cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam.

Bình Thuận được đánh giá là địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất trong cả nước. Số giờ gió, giờ nắng trung bình tại đây cao hơn so với số giờ trung bình ở phía Nam. Số giờ nắng đỉnh cao nhất trung bình 4,5 - 6 giờ nắng, cao hơn so với mức trung bình trên cả nước là 3 - 5 giờ.

Ưu điểm đặc biệt của điện gió ngoài khơi là số giờ phát điện rất cao, từ 5.000 - 6.000 giờ/năm so với 1.600 giờ/năm của điện mặt trời. Theo Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tốc độ gió trung bình một năm từ 7-10 m/s với mật độ năng lượng gió khoảng 300-700 W/m2.

Với đặc điểm này, Bình Thuận là địa phương giàu tiềm năng về gió tại Việt Nam và cũng là tỉnh  có các dự án điện gió đầu tiên của cả nước. Dự án điện gió Phong Điện 1 với 24 trụ gió là dự án điện gió đầu tiên của cả nước phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia.

Vấn đề năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận đang có sức hút lớn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhà máy Phong Điện 1 là dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, do Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN), đã phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia.

Một số dự án đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo tại Bình Thuận có thể kể đến: Nhà máy điện mặt trời Eco Seido, Dự án điện gió ThangLong Wind của Enterprize Energy, Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà của Energy Capital Vietnam và Excelerate Energy (Hoa Kỳ),...

Và gần đây, tại đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 27 đến 28/7, Tập đoàn AES của Hoa Kỳ đã đề xuất ý định thư với Phái đoàn Việt Nam với mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam với tổng kinh phí là 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW.

Nhận thức và xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận lập Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm xác định các khu vực tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên của tỉnh, phát triển ngành công nghiệp địa phương và góp phần cùng cả nước vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để khai thác các lợi thế và tiềm năng của địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bổ sung và phê duyệt danh mục phát triển các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045, gồm: 8 dự án điện gió ngoài khơi, công suất 22.200 MW, Dự án điện khí LNG mũi Kê Gà, công suất 3.200 MW, Dự án thủy điện tích năng tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, công suất 600 MW; cập nhật 14 dự án điện gió trên đất liền, với tổng công suất 378 MW, 62 dự án điện mặt trời với tổng công suất 3.371 MW.

Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị xem xét bổ sung vào quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp 500 kV, 220 kV, triển khai đồng bộ để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất và phát huy hiệu quả các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó, có các công trình đường dây 500 kV và các trạm biến áp để giải tỏa công suất các dự án điện.

Anh Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ