(Tổ Quốc) - Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp trẻ do thiếu kiến thức quản trị và không được trang bị các năng lực cốt lõi dành cho các nhà lãnh đạo, thường chỉ dừng ở tính linh hoạt - có giá trị ứng phó với các tình huống nhất thời.
Dịch Covid-19 giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, ngược lại cũng là sự thức tỉnh lãnh đạo về năng lực thích ứng thực thụ - nhu cầu tất yếu giữa bối cảnh kinh doanh đầy biến động.
Có thể thấy rằng, ảnh hưởng sâu sắc của dịch Covid-19 là dẫn chứng rõ nét cho những thay đổi bất ngờ, không dự tính, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Như vậy, việc thay đổi thói quen tư duy, làm việc của con người và trên hết là năng lực thích ứng linh hoạt (Agility) bắt đầu được nhìn nhận lại, trở thành yếu tố đi đầu trong định hướng phát triển.
Chia sẻ tại sự kiện sự kiện "Năng lực cạnh tranh mới trong thời đại số - Thích ứng linh hoạt (Agility)", Dale Carnegie Việt Nam thông qua báo cáo và tài liệu chuyên sâu về "Agility" được Tiến sĩ Mark Marone thực hiện, sẽ nhận thức lại về tầm quan trọng của năng lực thích ứng linh hoạt trong kỷ nguyên số.
Được biết, Dale Carnegie là đơn vị kinh doanh trong ngành giáo dục, đặc biệt về kinh doanh với triết lý nền tảng của năng lực được xem là cốt lõi của phương pháp tiếp cận trong các mối quan hệ và kỹ năng đối nhân xử thế từ nhiều thập kỷ trước.
"Linh hoạt" chỉ là một phần của "thích ứng"
Ghi nhận tại Việt Nam, đối với doanh nghiệp, khái niệm năng lực thích ứng linh hoạt của tổ chức (Organisational Agility - OA) còn khá mới mẻ, và thường bị nhầm lẫn hoặc đồng hóa với tính linh hoạt nhưng theo khoa học quản trị đây là hai năng lực có sự khác biệt đáng kể.
Bởi lẽ, sự linh hoạt trong kinh doanh thường được hiểu là khả năng, kỹ năng ứng biến hay thích nghi trước những thay đổi sẵn có hoặc đã xảy ra, tức ở thế bị động. Gần đây, nhiều người còn nhận định rằng, thời đại ngày nay không còn là thời đại của những con đại bàng (hàm ý những đơn vị lớn với bộ máy cồng kềnh, cứng nhắc, khó thay đổi) mà là cuộc chơi của những con tắc kè hoa (những doanh nghiệp nhỏ với khả năng linh hoạt và ứng biến cao).
Tuy nhiên, OA đòi hỏi một chuỗi các kỹ năng, năng lực và hành động nhiều hơn thế. OA không chỉ đặt ra yêu cầu cao ở việc "thích nghi" nhanh với những tình huống bất ngờ, đặc biệt là các sự kiện không mong muốn mà còn chú trọng đến việc "đi tắt đón đầu" những thay đổi tích cực hay xu hướng và xu thế mới trong thế chủ động.
Bởi, OA hướng đến tầm nhìn và mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn của doanh nghiệp. Theo đó, khuyến khích các nhà lãnh đạo nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng các phát kiến (innovation) và xác định các chiến lược quan trọng như chiến lược lấy khách hàng trọng tâm (customer-centric strategies) hay tập trung vào con người để chủ động "biến hóa" theo muôn vàn cách mà không bị xáo trộn bởi những nền tảng cốt lõi trong lộ trình phát triển của doanh nghiệp.
Nói cách khác, năng lực thích ứng linh hoạt là một tập hợp có hệ thống các kỹ năng thích nghi của doanh nghiệp - mà tính linh hoạt chỉ là một phần trong đó. Thế nên, để nâng cao năng lực thích ứng, doanh nghiệp cần tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa tính linh hoạt và khả năng (tự) sửa chữa (fixedness).
Công nghệ số sẽ xóa bỏ được rào cản của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tăng cường khả năng thích ứng
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp trẻ do thiếu kiến thức quản trị và không được trang bị các năng lực cốt lõi dành cho các nhà lãnh đạo, thường chỉ dừng ở tính linh hoạt - có giá trị ứng phó với các tình huống nhất thời.
Khi phải đụng đến những biến động, thay đổi có tính "dài hơi" và mang tầm chiến lược (như làn sóng số hoá, ứng phó dịch bệnh toàn cầu…) nền tảng kinh doanh của họ dễ bị mất cân bằng và phát sinh nhiều các vấn đề ngoài tầm xử lý, nên nếu chỉ có mỗi tính linh hoạt làm "vũ khí" thì không thể giải quyết triệt để tận gốc.
Nói đi cũng phải nói lại, có rất nhiều rào cản để phát triển năng lực thích ứng trong môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề như ở Việt Nam; điển hình bộ máy tổ chức quan liêu làm chậm quá trình triển khai công việc, cơ cấu chính trị nội bộ phức tạp khiến cho khả năng đưa ra quyết định chậm chạp.
Đặc biệt, tính minh bạch trong việc xác định rõ quyền sở hữu của giải pháp, sự thiếu lòng tin của nhân viên vào ban lãnh đạo, sự gây mất đoàn kết giữa các đồng nghiệp đã gây ra khó khăn trong việc giao tiếp... tất cả những điều này đều khiến cho OA không được phát huy sức mạnh.
Những trở ngại kể trên có thể được xóa bỏ một phần nhờ ứng dụng công nghệ số, chuyên gia nhấn mạnh. Bởi, hoạt động sẽ hiệu quả và minh bạch hơn nhờ sự chuẩn xác của dữ liệu. Ngày nay, các tổ chức trong mọi lĩnh vực cần có đủ dữ liệu để đưa ra các quyết định nhanh chóng và đúng đắn, nhiều người gọi khả năng này là thích ứng linh hoạt.
Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào dữ liệu. Đặc biệt, quan niệm càng nhiều dữ liệu càng tốt là một sai lầm. Khi mà, dữ liệu dù khổng lồ cũng không thể giúp một công ty trở nên thích ứng linh hoạt nếu đơn vị đó không thực sự nhận thức được tính quan trọng của dữ liệu. Điều này cũng lý giải vì sao hàng loạt các công ty Social Listening và Big Data ra đời chỉ để giải quyết việc làm rõ "dữ liệu nói gì".
Tựu trung, doanh nghiệp cần phải biết kết hợp với công nghệ (dữ liệu tốt) và con người (tập hợp những người thông minh) để có thể trở nên thích ứng linh hoạt. Khi đã có mục đích rõ ràng, cùng với các công cụ và quy trình tốt, doanh nghiệp cần có sự kết hợp đúng đắn giữa sức bật (resilience), trí tuệ xã hội (social intelligence) và năng lực hành động thích ứng (capacity to act) để tạo nên một nền tảng vững chắc.