• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dịch giả Phạm Tú Châu - vang bóng một thời

23/03/2018 14:33

(Cinet) - PGS. TS Phạm Tú Châu (1935-2017), nhà nghiên cứu, dịch giả đã trở nên hết sức thân thuộc với các thế hệ bạn đọc ở Việt Nam.

(Cinet) - PGS. TS Phạm Tú Châu (1935-2017), nhà nghiên cứu, dịch giả đã trở nên hết sức thân thuộc với các thế hệ bạn đọc ở Việt Nam.

Dịch giả Phạm Tú Châu. (Ảnh: antg.cand.com.vn)



Bà sinh ngày 20 tháng 9 tại thị xã Thái Bình trong một gia đình có truyền thống Nho học và văn chương, nguyên quán tại Phố Hàng Sắt, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Bà là cháu ruột của Phạm Cao Củng (1913 - 2012), nhà văn viết truyện trinh thám nổi tiếng một thời của Việt Nam. Gia đình bà đặc biệt yêu thích văn học, có nề nếp đọc sách nghe chung vào các buổi tối… Ngay từ nhỏ Tú Châu đã được cha dạy phải chuyên tâm học hành, đọc sách. Là một học sinh giỏi, bà đã được đi học lớp Phiên dịch khóa một năm cấp tốc tại Trung Quốc học để có thể trở thành phiên dịch của trường Trung văn thuộc Khu học xá Trung ương của Việt Nam trên đất Nam Ninh (Quảng Tây).



Tôi gặp PGS. TS Phạm Tú Châu lần đầu vào năm 2015, khi đến nhờ bà cung cấp các phiên bản truyện Kiều được dịch ra chữ Hán và một số tư liệu để giúp cho Khu di tích Nguyễn Du và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị kỉ niệm 250 năm ngày sinh  Đại thi hào Nguyễn Du. Ngay từ phút đầu gặp mặt, tôi đã ấn tượng vì vẻ đẹp trong phong thái, sự hiểu biết rộng lớn và đặc biệt là sự khiêm nhường, thân ái trong ứng xử, trò chuyện. Bà đã sẵn lòng cởi mở, chia sẻ và cho tôi mượn tất cả những tài liệu liên quan đến truyện Kiều mà Bà có để sao chụp. Bà còn tặng tôi cuốn Kim Vân Kiều lục, dịch và nghiên cứu do Nhà xuất bản Khoa học xã hội vừa ấn hành lúc đó và gửi cho tôi những bài bà đã viết liên quan đến Truyện Kiều. Thấy Bà có nhiều sách và yêu đọc sách, tôi cảm thấy rất vui và hy vọng sẽ có người cùng chia sẻ những suy nghĩ về vai trò việc đọc trong cuộc sống hiện đại.



Ban đầu chỉ là thế, nhưng càng được nói chuyện với bà, tôi càng thấy sự đồng cảm và gần gũi. Bà kể cho tôi nghe về cuộc đời, về những niềm hạnh phúc, thành công và cả những cay đắng, bất hạnh trong cuộc sống. Điều khiến tôi ngạc nhiên là bà đã có 10 năm làm công tác tư liệu. Từ một người làm công tác tư liệu, dịch phục vụ nghiên cứu, Phạm Tú Châu đã không ngừng phấn đấu để trở thành một nhà khoa học. Từ 2 bài nghiên cứu đầu tiên đăng trên Tạp chí Văn học số 6 năm 1974: Về bài Từ đầu tiên và tác giả của nó: sư Khuông Việt với bút danh: Phạm Thị Tú và bài Vài nét về văn thơ bang giao, đi sứ thời Trần trong giai đoạn giao thiệp với nhà Nguyên (viết chung với Trần Thị Băng Thanh), bà đã từng bước trở thành một cán bộ nghiên cứu văn học, biên tập viên xuất sắc với nhiều công trình đáng nể phục, một dịch giả nổi tiếng. Với sự uyên bác về tiếng Trung, tận tụy trong nghiên cứu và dịch thuật bà đã giúp cho người đọc có thể tiếp cận với các tác phẩm văn học cổ và cận đại của Việt Nam, các tác phẩm văn học, nghiên cứu văn học Trung Quốc, Đài Loan... Phạm Tú Châu không chỉ nổi tiếng với Gót sen ba tấc (của Phùng Ký Tài), tác phẩm văn học dịch đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mà bà đã trở thành dịch giả được nhiều người yêu quý với những tác phẩm văn học Việt Nam  được dịch trong Thơ văn Lý- Trần, Truyện truyền kỳ Việt Nam cùng những tác phẩm văn học Trung Quốc mang triết lý nhân sinh sâu sắc: Bóng dáng sau lưng, Triết học nhân sinh của tôi, Biên thành, Đất dầy , Dòng sông thấm đẫm nước mưa…

Vợ chồng dịch giả Phạm Tú Châu thời trẻ. (Ảnh: antg.cand.com.vn)



Tôi thực sự khâm phục Bà về trí tuệ, khả năng làm việc, thương cảm vì hoàn cảnh gia đình, yêu quý trân trọng Bà vì tấm lòng nhân hậu và nghị lực phi thường trong cuộc sống. Chồng và con trai cả mất, con trai thứ hai bị bệnh nặng phải chăm sóc hàng ngày nhưng Bà không một lời ca thán. Lặng lẽ làm việc và lặng lẽ hy sinh, làm tất cả vì con và các cháu. Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng Bà hoàn toàn minh mẫn và hàng ngày Bà không ngừng làm việc, dịch, nghiên cứu. Bà còn làm chú giải cho các phiên bản dịch của truyện Kiều. Bà rất vui khi tôi tặng bản sao của “Kim Vân Kiều tân truyện” năm 1894 hiện được lưu ở Thư viện Anh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bà đã có ngay bài viết về cuốn sách, trong đó không chỉ giới thiệu về tác phẩm mà còn giúp cho người đọc hiểu nhiều hơn về những chú giải được trình bày trong phiên bản ra đời vào năm 1894 này.



Có một lần, để chuẩn bị cho một văn bản truyện tranh, trong đó muốn phác họa nên hình ảnh cậu bé học chữ Hán, tôi đã nhờ Bà viết cho mấy chữ “Ấu bất học, lão hà vi” bằng chữ Hán. Mặc dù rất am tường Hán văn, nhưng Bà đã không vội viết ngay mà đối chiếu với tự điển và sách Tam tự kinh. Nhìn Bà tìm tài liệu trên Internet tôi không tránh được sự ngạc nhiên và thầm tự rút ra một bài học: luôn phải cẩn trọng trước khi làm bất cứ điều gì liên quan đến học thuật, chữ nghĩa. Và hôm đó, Bà đã viết cho tôi câu “Ấu bất học, lão hà vi”  dưới hai dạng: Chữ Hán phồn thể và giản thể. Mặc dù quen biết bà không được bao lâu nhưng tôi được bà ưu ái chia sẻ những điều khiến bà tâm đắc, những nghiên cứu mới Văn học Đài Loan và các truyện ngắn của Đài Loan bà mới dịch.



Thấm thoát, thế mà đã tròn một năm kể từ ngày Phạm Tú Châu đã đi xa. Thắp nén nhang, tôi nghĩ về Bà với bao niềm thương nhớ. Tôi tin tưởng vào sự vĩnh hằng của những tác phẩm và những điều tốt đẹp Bà đã làm và để lại cho mọi người. Cuộc sống bình dị và thanh cao của Bà sẽ mãi đọng lại trong tâm trí người thân trong gia đình, bạn bè, học trò và các thế hệ bạn đọc Việt Nam hôm nay và mai sau.



Thúy Ngà
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ