(Tổ Quốc) - Dịch giả Tiết Hùng Thái được biết đến là dịch giả của các tác phẩm kinh điển trên thế giới: Hạnh phúc - Những bài học từ một môn khoa học mới; Cái toàn thể và trật tự ẩn; Tư duy như hệ thống; Thư gửi nhà toán học trẻ; Walden - Một mình sống trong rừng; Lịch sử của Tính Hiện đại.
Để tri ân và giới thiệu những “đứa con tinh thần” của dịch giả Tiết Hùng Thái, NXB Tri thức tổ chức buổi trò chuyện với tác giả vào lúc 14g ngày 9/11/2017 tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Buổi trò chuyện có sự hiện diện của Phó Giám đốc NXB Tri Thức Nguyễn Thị Bích Thủy.
Dịch giả Tiết Hùng Thái ( tên thật là Hiếu Tân) sinh năm 1946 tại Nam Định. Ông vốn là một kĩ sư vật lí, nhưng với niềm yêu thích lí luận văn học, triết học và khả năng tự học ngoại ngữ nên đã sớm tiếp xúc với nhiều sách báo bằng tiếng Anh, Pháp và Nga. Với mong muốn được đem những tri thức của nhân loại mà ông đã “hấp thu” được đến cho độc giả Việt Nam, ông đã lựa chọn dịch những tác phẩm kinh điển trên thế giới và thông qua NXB Tri thức để trở thành cầu nối cho các độc giả.
Trong dịp này, dịch giả sẽ trò chuyện với bạn đọc về sáu dịch phẩm đã được dịch ra tiếng Việt cùng những câu chuyện xoay quanh các tác phẩm này. Sáu dịch phẩm là sáu cánh cửa để bạn đọc bước gần hơn đến thế giới của tinh hoa tri thức nhân loại.
1. Hạnh phúc - Những bài học từ một môn khoa học mới (Tác giả Richard Layard)
Quan niệm về hạnh phúc xưa nay là điều rất mông lung, ở đây tác giả không chỉ đưa ra những định nghĩa về hạnh phúc mà còn đưa ra những bằng chứng khoa học thực nghiệm để chứng minh cho luận điểm của mình. Tác giả theo thuyết Công lợi của Jeremy Bentham và John Stuart Mill, cho rằng mục tiêu của xã hội nên là “đem lại hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất”. Tuy nhiên lý thuyết này cũng bị những người theo chủ nghĩa tự do phê phán.
2. Cái toàn thể và trật tự ẩn (Tác giả David Joseph Bohm (1917-1992) nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Mỹ gốc Do Thái)
Nghiên cứu và phê phán các thuyết Lượng tử và Tương đối, David Bohm đưa ra một thế giới quan khoa hoc mới, thay thế cho cái thế giới quan khoa học truyền thống coi mọi vật về thực chất như được hình thành từ những hạt cơ bản có bản chất bất biến, do con người quen nhìn sự vật theo cách phân mảnh. Ông quan niệm toàn bộ thực tại, gồm cả thế giới vật lí và tâm lí như một dòng chảy bất tận, trong một“vận động toàn thể.” Ông đề xuất khái niệm "trật tự ẩn" (implicate order) nói về một tàn thể nguyên vẹn trong dòng chảy vận động, chính là bản chất thật của thực tại, còno "trật tự hiện" (explicate order) là cái vốn từ trật tự ẩn hiện ra trước các giác quan, và chỉ trong bối cảnh nhất định.
Những năm cuối đời David Bohm kết bạn với Kríshnamurti và trao đổi với Dala Lama. Nhiều nhà nghiên cứu Phật học tìm thấy những tương đồng trong quan niệm của David Bohm thể hiện trong sách “Cái Toàn thể và Trật tự ẩn” với giáo lý của Phật giáo Đại thừa.
3. Tư duy như hệ thống (Tác giả David Joseph Bohm)
Trong cuốn sách này David Bohm đưa ra quan niệm riêng của ông về tư duy, và tác động của nó trong toàn bộ đười sống xã hội. Theo ông tư duy không chỉ là suy nghĩ mà là một hệ thống bao gồm cả cảm giác, cảm xúc, các phản xạ và cả trạng thái cơ thể, trong quá khứ đã thành kí ức nhưng luôn tác động ở hiện tại. Nó không chỉ thộng báo một cách vô tư những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài, mà luôn tham dự vào tất cả. Đặc tính cố hữu của tư duy là “phân mảnh” và “không mạch lạc”, nó tác động một cách tự động bên ngoài suy nghĩ có ý thức. Đó là nguồn gốc gây ra mọi rắc rối cho cuộc sống. Đó là “lỗi hệ thống,” và khi dùng một thành tố trong hệ thống để sửa lỗi hệ thống thì nó lại càng nặng nề thêm.
Để khắc phục lỗi hệ thống chỉ có cách vượt ra khỏi hệ thống, nhưng điều này không đơn giản. Bohm gợi ý cần có khả năng tự nhận biết bên trong, nhìn thấu, kết hợp với tri thức chân thực về thế giới.
4. Thư gửi nhà toán học trẻ (Tác giả Ian Stewart - nhà toán học lỗi lạc, hàng đầu thế giới)
Dưới hình thức những bức thư gửi cô cháu gái dang bắt đầu bước vào toán học, với giọng tâm tình thân mật, tác giả phác họa những tác dụng của toán học trong đời sống muôn mặt của xã hội, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của môn toán, những đặc trưng và đòi hỏi của nó, những cơ hội và thách thức đối với người chọn toán học (nói riêng, và nghiên cứu khoa học nói chung) làm sự nghiệp của đời mình.
5. Walden - Một mình sống trong rừng (Tác giả: Henry David Thoreau)
Trong vòng hai năm Thoreau đến sống một mình trong khu rừng Walden, một mình nhưng không cô đơn, ông sống chan hòa với thiên nhiên, tự lao động nuôi sống mình, và chìm đắm trong suy tưởng trên nền tảng những tri thức bách khoa đông tây kim cổ, hàn lâm và thực tiễn, để đi tới những kết luận về lẽ sống và lối sống: Giá trị của cuộc sống của con người ở chố tự lập và tự chủ, sống đúng bản tính mình, thoát những hệ lụy xã hội.
Tác phẩm còn là bài ca ca ngợi thiên nhiên và sự hòa hợp với con người: con người biết hưởng thụ những gì thiên nhiên mang lại, nhưng nghĩ đến đền đáp: Thoreau được coi là người tiên phong trong sự hình thành môn sinh thái học sau này.
6. Lịch sử của Tính Hiện đại (Tác giả: Jacques Attali)
Tác giả khảo sát Tính Hiện đại qua lịch sử của nó, từ thời Cổ đại đến bây giờ. Ông đưa ra ba Tính Hiện đại lớn: Bản thể, Đức tin và Lý trí, sự hình thành và tiến triển của chúng qua các thời đại. Trong hiện tình thế giới ngày nay, khi mà theo ông, cả ba tính Hiện đại đang rơi vào thế kẹt, ông thách thức chúng ta suy nghĩ về tương lai khả thể của loài người, trên cơ sở những dự báo của ông.
Cái duy nhất cứu vãn được tình thế, theo ông, là một thời đại của lòng vị tha phổ quát, vượt lên trên mọi trở ngại và mọi chia rẽ. Kỳ vọng hay không tưởng? Những gợi mở của ông dù sao cũng đặt chúng ta vào mối bận tâm chung tìm ra lối thoát cho con đường tiến lên của loài người.
T.T