• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Dịch tả lợn Châu Phi

Sức khỏe 07/05/2013 16:54

Dịch tả lợn châu Phi (Pestis Africana suum- African swine fever) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn hoang dại (lợn rừng) do Myxovirrus chứa AND gây ra.

  1. Giới thiệu bệnh:

Dịch tả lợn châu Phi (Pestis Africana suum- African swine fever) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn hoang dại (lợn rừng) do Myxovirrus chứa AND gây ra. Nguyên nhân gây bệnh có đặc tính kháng nguyên hoàn toàn khác với virus gây bệnh dịch tả lợn cổ điển.

Bệnh có nhiều thể biểu hiện: quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình. Tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%. Bệnh đặc trưng bởi các biến đổi viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.

  1. Lịch sử bệnh

Bệnh được Montgomery nghiên cứu lần đầu tiên ở Kenia- miền Đông châu Phi. Ông phát hiện ra bệnh có nhiều điểm khác với dịch tả lợn cổ điển. Năm 1928, bệnh lây lan mạnh xuống miền Nam châu Phi và giai đoạn 1923 - 1934 đã làm chết hơn 11.000 con lợn. Từ đây, bệnh được mang tên Dịch tả lợn châu Phi.

Năm 1957, bệnh xuất hiện ở Bồ Đào Nha với 443 ổ dịch, làm chết 19.989 con lợn. Năm 1960, đợt dịch thứ hai bùng phát và kéo dài tới tận năm 1963 với 306 ổ dịch và 22.787 lợn ốm và chết.

Từ Bồ Đào Nha, bệnh đã nhanh chóng lây sang Tây Ban Nha, Anh, Ý và một số nước vùng Ban Tích. Năm 1967, bệnh đã thấy ở Cuba và một số nước khác ở Bắc Mỹ.

Ngày nay, bệnh có hai khuynh hướng bùng phát:

+ Bệnh trở thành dịch lưu cữu đối với những nước đã từng có dịch xảy ra.

+ Và nếu bệnh xuất hiện ở nước nào đó lần đầu tiên thì bệnh có tính lây lan mạnh, trở thành dịch đại lưu hành (panzootia).

Do đó, tổ chức dịch tế thế giới đã đưa dịch tả lợn châu Phi vào danh muc bệnh bảng A.

  1. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là một Myxovirrus chứa AND với kích thước rất nhỏ 10 - 30nm, dễ nuôi cấy và phát triển tốt trong môi trường tế bào bạch cầu và tế bào thận lợn. Virus có nhiều typ huyết thanh (serotype) với độc lực rất khác nhau.

Virus có sức sống rất tốt. Trong máu, chúng tồn tại và giữ nguyên độc lực tới 6 năm nếu được bảo quản lạnh, ở nhiệt độ phòng cũng được 4 - 5 tuần. Virus trong lách lợn được bảo quản sâu (-20 độ C đến -70 độ C) tồn tại từ 82 - 105 tuần, nếu ở 37 độ C được 22 ngày, ở 56 độ C chúng sống tới 180 phút. Trong phân ẩm nhão virus tồn tại tới 122 ngày, trong nước tiểu 45 ngày. Tuy nhiên, trong điều kiện axit (pH= 5,3) chúng chỉ tồn tại không quá một phút (99% chết trong 15 - 20 giây). Các chất khử trùng truyền thống như  Formol 1,5%- 2%, NaOH 3-4%, nước vôi 20% đều có khả năng tiêu diệt virus cường độc. Với hoạt chất Iodine, Benzalkonium, B.K.Vet, Virkon.S đều có thể sử dụng được trong công tác khử trùng tiêu độc.

  1. Đặc điểm dịch tễ

Trong điều kiện tự nhiên chỉ có lợn nhà và lợn rừng mẫn cảm với virus gây bệnh. Lợn rừng có sức đề kháng tốt và qua chọn lọc từ nhiên, chúng ít ốm và chết vì bệnh, nhưng lại là nguồn bệnh nguy hiểm cho lợn nhà.

Lợn nhà, đặc biệt là lợn thả rông rất dễ bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc từ phân, nước tiểu của lợn rừng hoặc từ chó, mèo, các vật dụng, kể cả con người bằng cách này hay cách khác đã tiếp xúc với mầm bệnh, mang và phát tán mầm bệnh.

Các động vật thí nghiệm như chuột, thỏ,… không bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các loại côn trùng như ruồi, muỗi, ký sinh trùng đều là vật mang trùng và lây nhiễm cho lợn nhà.

Bệnh có thể xảy ra quanh năm. Lợn nhà ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng bị bệnh.

Ở Việt Nam chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi và cũng chưa có những nghiên cứu về bệnh này. Song trong thời đại mở cửa, giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch trên mọi phương tiện giao thông khác nhau khó kiểm soát đang đặt ra cho các nhà quản lý Nhà nước nhiệm vụ cấp bách phòng chống bệnh từ xa.

5. Cơ chế bệnh sinh

Bằng gây bệnh thực nghiệm, các nhà khoa học đã chứng minh: chỉ 24h sau khi gây nhiễm đã có thể tái phân lập virus ở hạch lâm ba vùng cổ, họng, … 48h ở gan, lách, phổi và sau 3 - 7 ngày có thể phân lập virus ở mọi nơi trong cơ thể lợn. Điều đó nói lên rằng ngay sau khi thâm nhập vào cơ thể lợn, virus đã tự nhân lên rất nhanh chóng, lùa vào đường huyết và gây nhiễm trùng huyết rất nặng- lợn sốt cao tới 42 độ C. Virus di trú đến tất cả các cơ quan, tổ chức của cơ thể. Tại đó chúng gây ra các ổ viêm xuất huyết, hoại tử. Vì thế, khi xét nghiệm, chúng ta thấy các thành mạch máu bị thoái hóa, xung quanh có rất nhiều bạch cầu đơn nhân tập trung. Các tổ chức của hạch lâm ba, gan, lách, thận, phổi thay đổi nhanh chóng, các biểu hiện đều thuộc về viêm xuất huyết, hoại tử.

Điểm nổi bật và đặc trưng của bệnh dịch tả lợn châu Phi là hiện tượng tan rã nhân bạch cầu, giảm lượng bạch cầu tồng số và bạch cầu ái toan đồng thời gây tụ huyết nặng làm tắc nghẽn mạch máu ngoại vi gây thâm tím da phần lớn cơ thể.

  1. Triệu chứng lâm sàng

Thời gian ủ bệnh thường 5- 10 ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột. Lợn sốt cao, sốt tới 42 độ C, kéo dài liên tục trong 4 ngày liền.

Trong thời gian lợn sốt cao, chúng vẫn linh hoạt đi lại, ăn uống bình thường gây cảm giác như lợn hoàn toàn khỏe mạnh, khiến người chăn nuôi không để ý.

Dich tả lợn châu Phi có 4 thể biểu hiện:

6.1. Thể quá cấp

Thể này ít gặp và nếu gặp thì chủ yếu ở những vùng, những nước bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Lợn đột ngột sốt cao 42 độ C, kéo dài 2-3 ngày tối đa 4 ngày rồi chết.

6.2. Thể cấp tính

Đây là thể có đầy đủ các biểu hiện lâm sàng đặc trưng cho bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lợn ốm đột ngột, sốt cao 42 độ C với thể trạng hoàn toàn bình thường. Nhưng khoảng 48h trước khi chết, lợn bệnh mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ, nằm bẹp. Nếu buộc phải bật dậy thì cũng rất khó khăn mất đi dáng đứng tự nhiên. Mông sau yếu, chân sau bị bại khiến cho lợn đánh võng khi bị xua đuổi.

Lợn bỏ ăn hoàn toàn và bắt đầu ho, khó thở, nhịp tim, nhịp thở tăng mạnh. Trên da mềm phần đầu, bụng, bẹp… xuất hiện nhiều nốt xuất huyết và nhanh chóng biến thành màu tím thâm bị hoại tử có dịch rỉ.

Mủ bắt đầu chảy ra từ lỗ mũi, từ mắt (ken mắt).

Thể trạng lợn xấu đi nhanh chóng. Trước khi chết xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón. Điều đáng

 chú ý là lợn cảm thấy rất đau khi đi tiểu tiện và đại tiện, trong phân nhiều khi lẫn máu.

Trong suốt quá trình ốm, thân nhiệt tăng và giữ nguyên cho đến lúc gần chết thì hạ xuống dưới mức bình thường. Khi phát hiện ra thân nhiệt dưới 39 độ C thì lợn sẽ chết trong 24h sau đó. Tỷ lệ ốm và chết rất cao, tới 100%.

Thời gian này, nếu xét nghiệm máu, chúng ta thấy rất rõ số lượng bạch cầu, nhất là bạch cầu ái toan bị giảm rõ rệt, chứng tỏ quá trình tái tạo bạch cầu bị phong bế.

6.3. Thể mãn tính

Dịch tả lợn châu Phi thể mãn tính thường quan sát thấy ở những nơi bệnh đã thường xuyên nổ ra- dịch lưu cũ. Điều này được giải thích bằng hai khả năng: Một là virus gây bệnh qua nhiều đợt đã bị giảm độc lực, hai là nhờ có kháng thể tich cực do cơ thể lợn bị bệnh tạo ra để chống lại chính virus gây bệnh và qua nhiều đợt tái nhiễm mà lợn đã tự tạo được sức kháng tốt chống lại khả năng gây bệnh của virus cường độc trong thiên nhiên.

Các triệu chứng thể mãn tính cũng giống như thể cấp tính nhưng có mức độ biểu hiện yếu hơn và chủ yếu rối loạn hô hấp và tiêu hóa. Tỷ lệ chết 30- 50%.

6.4. Thể ẩn bệnh ( mang trùng)

Có thể nói những lợn bệnh qua khỏi cơn cấp tính và mãn tính đều mang trùng gây bệnh. Chúng trở thành lợn khỏe mang trùng trong một thời gian rất dài. Cứ như thế, lợn trong các ổ dịch lưu cữu tự tạo cho mình sức đề kháng rất tốt, ít khi mắc bệnh ở thể lâm sàng. Tuy nhiên, những lợn này đôi lúc có các triệu chứng ho hen, sốt ngắt quãng, chảy ken mắt, chảy nước mũi rất giống các biểu hiện của cúm lợn.

  1. Bệnh tích mổ khám

Đặc điểm nổi bật là lợn chết đột ngột hoặc ốm trong vài ngày rồi chết. Xác lợn chết do dịch tả lợn châu Phi cứng rất nhanh. Quan sát thấy xuất huyết lấm tấm vùng da mềm giống như dịch tả lợn cổ điển, nhưng khác là mảng da bị xuất huyết dịch nhanh chóng có màu xanh tím và đây chính là đặc điểm bệnh lý của dịch tả lợn châu Phi khác với dịch tả lợn thông thường.

Máu chảy ra từ các lỗ tự nhiên như mũi, miệng, hậu môn giống như bệnh nhiệt than. Khi mổ lồng ngực thấy có rất nhiều dịch thẩm xuất lẫn máu. Phổi bị phù thũng và có vô số xuất huyết điểm trên bề mặt. Tim luôn bị sưng to và bơi trong bao hoạt dịch vàng hoặc vàng đục chứa nhiều sợi fibrin. Cơ tim và vành tim cũng nhìn thấy nhiều  điểm xuất huyết li ti giống như bệnh tụ huyết trùng.

Khoang bụng cũng thấy có nhiều dịch thẩm xuất chứa từng mảng, từng cục fibrin. Lách sưng to gấp rưỡi so với bình thường, đầu lách trờ nên tù. Tủy lách có màu đỏ thẫm, mễm nhũn, Dưới vỏ lách cũng nhiều điểm xuất huyết và nhồi huyết.

Gan sưng to gấp hai lần, các mép gan bị tù. Cắt gan ra thấy ướt, lổ đổ (loang lổ) và có rất nhiều điểm xuất huyết. Các thùy gan đỏ thâm và được mô liên kết màu ghi xám bao bọc, đôi khi thấy gồ ghề và có màu vàng do mật ứ đọng.

Túi mật sưng, chứa đầy dịch mật màu xanh thẫm, dịch mật tăng khối lượng riêng. Luôn luôn quan sát thấy viêm xuất huyết dạ dày ruột và tiến tới viêm loét hoại tử. Dưới màng bao (sero) ruột nhìn thấy rõ vô số các điểm xuất huyết.

Niêm mạc ruột non đỏ tấy do viêm xuất huyết với khuynh hướng chuyển sang viêm ruột hoại tử

Ở ruột già cũng giống như dịch tả lợn cổ điển, viêm xuất huyết, hoại tử ruột tạo ra các nốt loét hình xoáy trôn ốc gọi là Button. Ruột thừa luôn phình to hoặc rất to.

Các hạch lâm ba sưng to, đỏ tấy và khi cắt thấy chất chứa đặc sệt hoặc toàn máu.

Khi xem xét biến đổi vi thể, các tác giả đã tổng kết dịch tả lợn châu Phi đặc trưng với viêm xuất huyết tràn lan trong tất cả các cơ quan tổ chức của cơ thể. Đồng thời, quá trình thoái hóa bắt đầu tập trung các tế bào bạch cầu đơn nhân quanh mao mạch của lách, hạch lâm ba, gan, phổi và tim. Ở đó thấy rất rõ quá tình phân hủy nhân tế bào (cariopicnosis, cariorexis, cariolysis) với các mức độ khác nhau.

  1. Chẩn đoán

Dịch tả lợn châu Phi dễ dàng được nhận biết qua các số liệu về dịch tễ, lâm sàng và bệnh tích mổ khám.

Về dịch tễ: đã tiêm phòng chống dịch tả lợn cổ điển, nhưng bệnh vẫn nổ ra. Thể quá cấp ở những nơi bệnh xuất hiện lần đầu, thể cấp và mãn tính ở các nơi bệnh đã xảy ra trước đó.

Về lâm sàng: Sốt đột ngột, sốt rất cao 42-43 độ C và duy trì trong suốt quá trình phát bệnh. Nốt xuất huyết ngoài da nhanh chóng trở nên xanh tím, chảy máu từ các lỗ tự nhiên, lợn rất đau khi đi đại tiểu tiện.

Về bệnh tích: lách, gan sưng rất to, mép tù. Viêm xuất huyết tràn lan ở khắp nơi trong cơ thể. Bệnh tích ở tim rất điển hình xuất huyết cơ tim, vành tim, tim bơi trong bao dịch thẩm xuất có màu vàng đặc hoặc vàng đục với nhiều sợi fibrin.

  1. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với dịch tả lợn cổ điển cần tiến hành như sau:

-          Lấy 3 lợn từ 3 - 5 tháng tuổi (đã được tiêm phòng vacxin chống dịch tả lợn cổ điển trước đó 30 - 50 ngày). Tiêm một lúc 0,5ml/kgP kháng huyết thanh chống dịch tả lợn cổ điển và 1ml virus cường độc gây bệnh dịch tả lợn chủng C.

-          Lấy 3 lợn cùng lứa tuổi làm đối chứng không tiêm vacxin chống dịch tả lợn cổ điển.

Cả 6 lợn được tiêm 2ml 10% huyễn dịch làm từ lách hoặc hạch lâm ba của lợn ốm hoặc vừa chết nghi bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo dõi liên tục 20 ngày hoặc trên 20 ngày, hàng ngày đo thân nhiệt cho từng lợn thí nghiệm.

Kết quả: Nếu cả 6 con đều chết thì đó là dịch tả lợn châu Phi.

Nếu chỉ 3 con lô đối chứng chết thì đó là dịch tả lợn cổ điển.

Trong phòng thí nghiệm, người ta có thể dùng các phương phát hấp thụ huyết thanh, miễn dịch huỳnh quanh,…để chẩn đoán phân biệt.

  1. Điều trị

Ở những nơi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện lần đầu thì không nên điều trị mà phải nhanh chóng tiêu hủy, khử trùng tiêu độc tận gốc.

Ở những vùng mà bệnh dịch tả lợn châu Phi luôn xuất hiện dịch cục bộ thì phải tiêm phòng ngay và loại bỏ những lợn có thân nhiệt cao.

11. Phòng bệnh

Những vùng chưa có bệnh, các nhà quản lý phải áp dụng nghiêm khắc các biện pháp phòng bệnh từ xa thông qua kiểm dịch trước, trong và sau mỗi lần xuất, nhập, di chuyển lợn và sản phẩm lợn qua biên giới, qua các cửa khẩu.

Những vũng đã xảy ra dịch và dịch trở thành lưu cữu, dịch địa phương thì phải dùng các biện pháp làm sạch bệnh. Trong đó, hàng năm phải tiêm phòng đại trà hai lần vacxin nhược độc đã qua 114 đời cấy chuyển qua thỏ hoặc tế bào thận lợn. Sơ đồ tiêm phòng được khuyến cáo áp dụng như với dịch tả cổ điển.

 Phó GS-TS Lê Văn Năm

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ