(Tổ Quốc) - Một số công ty cung cấp dịch vụ đưa khách về nhà sau khi uống rượu, bia. Mức phí cho việc đưa người và xe về nhà đối với xe máy là 200.000 đồng - 300.000 đồng/lượt, còn với ô tô là khoảng 500.000 đồng/lượt.
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1/2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng.
Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Nắm bắt cơ hội này, trên mạng xã hội đã nhanh chóng xuất hiện dịch vụ đưa người có hơi men hoặc say rượu bia về nhà. Thậm chí, tại các quán nhậu cũng mở thêm dịch vụ này.
Anh Hoàng, chủ một nhà hàng trên phố Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, để tránh tình trạng khách hàng say xỉn lái xe mất an toàn và bị phạt, nhà hàng của anh đã mở thêm dịch vụ đưa khách hàng về tận nhà nếu có nhu cầu. Thậm chí, nếu khách đi ô tô, muốn sử dụng dịch vụ đưa xe về tận nhà bên anh cũng có.
"Giá cả cũng rất phải chăng, nếu khách muốn đưa về bằng ô tô thì giá dao động khoảng 100.000 đồng với khoảng cách xa nhất là 8km, xa hơn nữa thì thêm tiền. Còn dịch vụ mang ô tô về nhà thì đắt hơn. Nếu nhu cầu đưa khách về nhà quá đông thì chúng tôi sẽ huy động các đơn vị đối tác của nhà hàng để đưa khách về", anh Hoàng cho hay.
Không chỉ nhà hàng của anh Hoàng, từ ngày Nghị định số 100/2019 được áp dụng, nhiều nhà hàng khác cũng xuất hiện dịch vụ tương tự.
"Thực ra chúng tôi không nhằm mục đích thu lợi thì dịch vụ này mà chủ yếu là để giữ khách. Nếu không thì lượng khách tới nhà hàng sẽ hạn chế đi. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn thực hiện nghiêm túc Nghị định, giữ an toàn cho cả khách hàng và người đi đường", anh Hạnh, chủ một nhà hàng trên phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) chia sẻ.
Anh Hạnh cũng cho biết thêm, nhà hàng của anh xác định từ nay sẽ bận rộn hơn với việc đưa khách về nhà, hoặc gọi taxi, Grab cho khách. Nếu khách đi xe máy thì nhà hàng sẽ hỗ trợ giữ xe cho khách. Thời gian tới nhà hàng sẽ tuyển thêm khoảng 2 nhân viên biết lái xe để sẵn sàng đưa khách về nhà.
Những ngày này, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các diễn đàn nhằm bàn luận về việc di chuyển như thế nào sau khi uống rượu để đảm bảo an toàn và không vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp có hơi men thì có thể gọi xe ôm hay taxi công nghệ. Dù vậy, sẽ có vướng mắc khi người uống rượu, bia muốn đưa cả xe của mình về nhà.
Trước nhu cầu đó, đã xuất hiện các dịch vụ nhằm đưa người uống rượu bia về nhà. Đây là các các nhóm kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế. Trong nhóm này, người cần đưa về cung cấp thông tin về nơi ở, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe.
Hình thức hoạt động của dịch vụ này rất đơn giản, khách hàng chỉ cần gọi điện đến đường dây nóng của dịch vụ thông báo địa điểm của mình và nơi ở là ngay lập tức sẽ có tài xế xuất hiện để đưa khách về nhà an toàn. Tuy nhiên, mức phí cho dịch vụ đón và lái xe về cũng chưa được công khai.
Ngoài các nhóm trên mạng xã hội, một số công ty cũng quảng cáo trên mạng về việc cung cấp dịch vụ đưa khách về nhà khi uống rượu bia. Mức phí cho việc đưa người và xe về nhà đối với xe máy là 200.000 đồng - 300.000 đồng/lượt, còn với ô tô là khoảng 500.000 đồng/lượt.
Theo đại diện một số hãng taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe công nghệ, nhu cầu gọi xe của người dân đã tăng lên kể từ ngày 1/1. Địa điểm gọi xe chủ yếu là các nhà hàng, quán nhậu, quán bar, karaoke... Thời điểm từ nay đến hết Tết Nguyên đán, chắc chắn nhu cầu gọi xe sẽ còn tăng cao hơn nữa do các doanh nghiệp tổ chức tiệc tất niên và các gia đình tổ chức tiệc chúc mừng năm mới.