Trong ba lĩnh vực dân sinh căn bản: Chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ y tế và giáo dục tiểu học có nhận hối lộ và chi phí không chính thức cao nhất.
Kết quả này vừa được Viện Nghiên cứu Lập pháp (ILS) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin với các đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng qua ‘Báo cáo Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2012: Đo lường từ trải nghiệm của người dân – PAPI 2012’.
Bộ chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, đánh giá chính sách của Việt Nam, khảo sát trên quy mô toàn quốc về quản trị và hành chính công ở Việt Nam.
Phương pháp PAPI sử dụng là phỏng vấn trực tiếp người dân ngẫu nhiên. Riêng năm 2012, PAPI đã tiến hành phỏng vấn 14.000 người dân ở khắp 63 tỉnh, thành phố, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong đó, tập trung đánh giá trên 6 vấn đề, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
PAPI phân tích lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhận hối lộ cao |
Theo kết quả PAPI 2012, 5 địa phương đứng đầu về tiêu chí sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở là: Bình Định, Thái Bình, Bình Phước, Hà Nam và Hà Tĩnh.
Các địa phương dẫn đầu về tính công khai, minh bạch là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nam và Nam Định.
Những địa phương dẫn đầu về trách nhiệm giải trình với dân là: Thái Bình, Quảng Bình, Hải Dương, Nam Định và Quảng Trị.
5 địa phương kiểm soát tham nhũng tốt là: Tiền Giang, Bình Định, Long An, Đà Nẵng và Sóc Trăng.
Những địa phương dẫn đầu về thủ tục hành chính công là: Quảng Bình, Đà Nẵng, Yên Bái, Lào Cai, Kon Tum..
Ngoài ra PAPI 2012 còn phân tích riêng phạm vi, mức độ của hối lộ và chi phí không chính thức trong ba lĩnh vực dân sinh căn bản: Chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ y tế và giáo dục tiểu học.
Y tế cũng là lĩnh vực có nhiều chi phí không chính thức |
Ông Bakhodir Burkhanov, đại diện UNDP tại Việt Nam đánh giá: “PAPI 2012 cho thấy những điểm mạnh, yếu của các địa phương, mức độ chuyển biến theo thời gian. Báo cáo này sẽ giúp các đại biểu Quốc hội, HĐND thấy được bức tranh toàn cảnh về địa phương mình, qua đó sẽ góp phần phục vụ tốt hơn cho hoạt động hoạch định cũng như giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật”.
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, cho biết, Báo cáo PAPI 2012 theo phương pháp nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Dữ liệu PAPI có thể là tài liệu tham khảo tốt đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cụ thể như trong việc lấy phiếu tín nhiệm.
Từ năm 2009, PAPI được thí điểm tại ba tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Phú Thọ, Đồng Tháp; năm 2010 triển khai tại 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Từ năm 2011 trở đi, PAPI được triển khai trên 63 tỉnh, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, 414 đơn vị xã, phường, thị trấn, 828 đơn vị thôn, ấp, tổ dân phố, bản, buôn. Hình thức khảo sát là phỏng vấn trực tiếp người dân được lựa chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng.
Theo Đất Việt