• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điểm bán hàng của những con người đặc biệt

Thời sự 19/01/2018 08:29

(Tổ Quốc) - Họ là những con người không lành lặn, nhưng đã vượt qua mặc cảm số phận, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để tự khẳng định trong cuộc sống.  

 Nhiều sản phẩm họ bán là do chính tự tay họ làm, cùng tạo nên thương hiệu của những người “tàn nhưng không phế”.

Những người “tàn nhưng không phế”

Điểm bán hàng nhỏ của nhóm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật ở gần cổng chợ Đồng Hới (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) luôn đầy ắp tiếng cười, bởi các thành viên trong nhóm cùng nhau làm các sản phẩm từ dừa để bán.

Nhóm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật này là tập hợp những thành viên của các câu lạc bộ khuyết tật khác khau, cùng nhau hợp sức lại để mở các điểm bán hàng tại TP. Đồng Hới.

Theo anh Lê Ngọc Tuấn (SN 1983, trưởng nhóm) cho biết, hiện nhóm có 9 người và 2 điểm bán hàng. Một điểm bán hàng ở cổng chính chợ Ga và một điểm ở gần cổng chợ Đồng Hới. Các mặt hàng gồm có các loại dừa, cam. Đặc biệt là các mặt hàng tự làm như: mứt dừa, dầu dừa, mứt gừng, bánh gai, bánh xoài…

Tại mỗi điểm bán hàng, các thành viên trong nhóm luân phiên nhau đứng bán, số còn lại thì ở nhà làm ra các sản phẩm.

Anh Lê Ngọc Tuấn tại điểm bán hàng ở cổng chợ Ga (TP. Đồng Hới).

Điều đặc biệt ở điểm bán hàng của nhóm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật này được xác định bằng chất lượng là chủ yếu, chứ không phải bán ra chỉ vì mục đích kiếm lợi nhuận.

Nói về doanh thu, anh Ngọc Tuấn cho biết: “Mỗi ngày bán được bao nhiêu thì cả nhóm tập hợp lại, sau đó chia làm 3 phần. Một phần để trả vốn hàng, một phần trích vào quỹ nhóm và phần còn lại trả công cho anh em. Từ khi bán đến giờ, ngày ít nhất thì mỗi người được 70 ngàn đồng, nhiều thì 200 ngàn đồng”.

Anh Tuấn cũng cho biết, phần trích vào quỹ nhóm là để nhỡ thành viên nào đau ốm thì lấy số tiền đó mà thăm nom, chăm sóc, hoặc khi có thành viên nào gặp khó khăn thì có mà giúp đỡ.

Cùng khắc phục điểm yếu của nhau

Nhóm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật mới xây dựng các điểm bán hàng tại Đồng Hới cách đây hơn nửa tháng. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm rất tích cực và làm việc rất hiệu quả.

Nhóm này được lập nên từ 2 nhóm nhỏ, một nhóm trước đây gắn liền với thương hiệu bánh gai “Tuấn lùn”; còn nhóm khác chuyên bán các loại dừa, mà người nào ở TP. Đồng Hới hẳn sẽ biết chuyện vợ chồng Vũ “dừa”.

 Những sản phẩm từ dừa được nhóm người khuyết tật làm cẩn thận, đảm bảo chất lượng để bán cho khách.

Bánh gai “Tuấn lùn” do anh Lê Ngọc Tuấn tập hợp, thành lập “Nhóm làm bánh gai người khuyết tật” ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Anh là nạn nhân chất độc màu da cam, bị lây nhiễm từ bố mẹ - những người từng tham gia quân ngũ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Năm nay đã 35 tuổi, nhưng cơ thể anh chỉ cao hơn 1 mét, tuổi thơ của anh trải dài trong đau ốm, mặc cảm, tự ti về cơ thể.

Tháng 9/2015, thấy những người khuyết tật cùng cảnh ngộ ở xã Hiền Ninh thiếu công việc mang lại thu nhập để có thể tự nuôi sống bản thân, Lê Ngọc Tuấn đã tập hợp mọi người lại, thành lập “Nhóm làm bánh gai người khuyết tật”.

Nhóm của anh có 5 thành viên chính, đủ các lứa tuổi với nhiều dạng khuyết tật, nhưng ai cũng làm việc rất hiệu quả.

Hiện bánh gai “Tuấn lùn” đã có chỗ đứng trong thị trường, mang lại công việc ổn định cho 5 thành viên khiếm khuyết.

Còn Vũ “dừa” là câu chuyện của Lê Văn Vũ (SN 1985, quê xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy), anh là con trai út trong gia đình có đến bảy anh chị em.

Anh Vũ sinh ra vốn bình thường như bao đứa trẻ khác. Lúc tròn một tuổi, bắt đầu chập chững tập đi thì bố mẹ phát hiện hai chân đỏ rận lên, sưng tấy, sau đó thì gãy từng khúc.

Sau đó, anh được các bác sỹ kết luận mắc bệnh xương thủy tinh. Do vậy, anh đã trả qua một tuổi thơ đầy khổ cực và thiệt thòi. Dù rất muốn đi học, nhưng vì sức khỏe như vậy nên anh Vũ chỉ học được hết lớp 4 rồi nghỉ.

 Anh Lê Văn Vũ và vợ đã gắn liền với thương hiệu Vũ “dừa” nhiều năm nay.

Lớn lên, anh Vũ trốn nhà vào miền Nam tìm việc làm tự nuôi sống bản thân. Suốt thời tuổi trẻ của mình, anh đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu khổ cực và có cả những vinh quang.

Lê Văn Vũ cũng từng tham gia thể thao người khuyết tật và giành được hàng chục tấm huy chương vàng ở bộ môn bơi lội.

Năm 2012, Lê Văn Vũ kết duyên cùng cô gái khuyết tật Sầm Thị Hà, quê ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, sau đó sinh được bé trai Lê Bình An.

Đến năm 2016, gia đình anh Vũ đến Đồng Hới thuê trọ, vét hết số tiền tích cóp được mua xe kéo, mua dừa mang đến chợ Đồng Hới bán cho khách, ngoài dừa còn có mía, cam Vinh.

Dù cuộc sống rất khó khăn, vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn luôn động viên nhau cùng vượt qua, quyết tâm bám trụ lại Đồng Hới, lo cho tương lai con cái sau này.

Dần dần, xe dừa của đôi vợ chồng khuyết tật Lê Văn Vũ trở thành một địa chỉ bán dừa uy tín tại chợ Đồng Hới.

 Họ là những con người không lành lặn, nhưng đã nỗ lực vượt qua số phận để tự khẳng định mình trong cuộc sống.

Cách đây gần một tháng, bánh gai “Tuấn lùn”, Vũ “dừa” đã nhập lại thành một nhóm để xây dựng các điểm bán hàng tại thành phố Đồng Hới.

Ngoài ra, nhóm còn có anh Phạm Vân Nhân (SN 1983, quê ở xã Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới), là chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật TP. Đồng Hới và em Lê Văn Duẩn (SN 1997), bị thiểu năng trí tuệ.

“Trước đây, tôi có quán sửa điện thoại ở quê, làm cùng đứa em. Nhưng khi nghe các anh thành lập nhóm để bán hàng thì tôi đã đến đây để tham gia cùng. Làm việc cùng các thành viên trong nhóm tôi thấy rất vui và thoải mái, hơn nữa thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn rất nhiều”, anh Phạm Vân Nhân chia sẻ.

9 thành viên trong nhóm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật, mỗi người mỗi phải chịu mỗi khiếm khuyết khác nhau, nhưng họ đã bổ sung cho nhau, khắc phục điểm yếu của nhau để cùng làm việc, cùng phát triển.

Anh Lê Ngọc Tuấn cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ mở thêm 2 điểm bán hàng nữa, một điểm ở chợ Cộn và một điểm ở cổng khác của chợ Đồng Hới. Khi đã thành lập nhóm này rồi thì chúng tôi sẽ cố gắng để phát triển, giữ vững và tiến tới làm lâu dài”.

Hải Thanh

Hải Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ