• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điểm đến cho những ngày cuối tuần

Văn hoá 06/01/2018 06:00

(Tổ Quốc) - Trao đổi kinh nghiệm học tập và làm việc thành công ở nhiều nước trên thế giới, trò chuyện văn chương, talkshow về tranh dân gian, thưởng thức kiệt tác Quẫn của tác giả Lộng Chương... là những sự kiện sẽ diễn ra trong những ngày cuối tuần này. 

Đến với talkshow Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác

Talkshow Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác là một sự kiện nhằm gây quỹ cho dự án Bảo tàng Thấu cảm, có sự xuất  hiện của Tiến sĩ văn học, chuyên ngành Lý luận văn học Trần Ngọc Hiếu- hiện đang công tác tại Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, diễn ra từ 18-22g ngày 05/01 tại iSEE Hub- Lake View, Giảng Võ, Hà Nội.

Giống như chiếc hạt giống, sự thấu cảm có thể nảy mầm ở bất cứ nơi nào trong cuộc sống. Không chỉ xuất phát từ các cuộc đối thoại, sự thấu cảm còn có thể được gieo vào trong lãnh địa thiêng liêng của cảm xúc con người mà một trong số đó là Văn học.

“Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều.” - Alaa Al Aswany đã viết như vậy trong bài báo Văn chương khơi dậy sự cảm thông như thế nào?

Từ câu này, chúng ta có thể hiểu rằng văn chương mang đến cho chúng ta thế giới của những con người khác. Với tất cả sự khác biệt của “họ”, chúng ta đối chiếu với sự hiện diện của bản thân để khơi dậy những phẩm chất tốt thay vì bị hòa lẫn vào kẻ khác. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của sự thấu cảm, và cũng là nơi văn học và sự thấu cảm gặp nhau.

Từ ý tưởng sự thấu cảm có thể xuất phát từ văn học, chúng ta có thể sẽ đối diện với những câu hỏi như: Văn học nuôi dưỡng sự thấu cảm như thế nào? Văn học dạy ta nhìn vào cuộc đời của người khác ra sao? Đâu là ranh giới giữa sự tái tạo và sự hòa tan của nhân cách con người?

Năm mới và những điều thật mới...

Một điều thật mới sẽ diễn ra vào 9h sáng Thứ Bảy 06/01 tại Sân khấu chính của Đường sách TP. Hồ Chí Minh là sự kiện ra mắt cuốn sách đầu tay ‘Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu’ của tác giả Huyền Thư.

Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu là tập thơ của Huyền Thư - một thiếu nữ đã rời xa gia đình, làng quê ra nước ngoài du học từ nhỏ nhưng vẫn nuôi trong mình cảm thức tiếng Việt và cảm xúc đồng quê để viết nên những bài thơ nặng trĩu nhớ thương, hoài cảm. Với hành trang là lời mẹ dặn: “Lẽ trần gian là họa ai gây thì người ấy trả/ Nên đừng thấy lạ/ cứ hiền và cứ ngoan”.

Một lời dặn đơn sơ mà gan ruột của người mẹ cho con gái bước ra thế giới một mình. Tập thơ vì thế đọc thấy cả sự làm nũng của một người con với cha mẹ, của một người trẻ thử già nua để được hồn nhiên, của một cô gái với đất và người ở những nơi cô đã đến, đã sống.

Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu có thể là một câu hỏi cho người, nhưng phần nhiều là câu tự vấn mình, một khát khao tâm tình và sẻ chia, cả một day dứt, phân vân nữa. Nhớ đến bao nhiêu là nỗi nhớ đã nhiều? Đảo ngược nhan đề tập thơ có lẽ lại đưa đến một cách đọc thơ khác.

Trao đổi kinh nghiệm học tập và làm việc thành công ở nhiều nước trên thế giới

Để học và làm việc thành công tại Mỹ, Việt Nam và khắp thế giới là chủ đề đối thoại cùng tác giả Phan Việt và Chủ tịch, Hiệu trưởng cùng các giáo sư Đại học South Carolina (Mỹ) vào lúc 9h30 thứ bảy 06/01 tại Nhã Nam Books N’ Coffee Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà văn Phan Việt được công chúng Việt Nam biết đến rộng rãi với những tác phẩm như Nước Mỹ nước Mỹ, Bất hạnh là một tài sản (gồm ba cuốn Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ, Về nhà)…

Bên cạnh “nghề tay trái” là nhà văn, Phan Việt là Giáo sư đại học tại Mỹ, người đến nay dành phần lớn cuộc đời trong môi trường giáo dục. Sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại thương, chị sang Mỹ học thạc sĩ về báo chí - truyền thông ở Đại học Nebraska tại thành phố Omaha. Tám năm tiếp theo, chị học bằng thạc sỹ thứ hai và bằng tiến sỹ về công tác xã hội tại Đại học Chicago, một đại học tư nhân xếp thứ 3 trên toàn nước Mỹ và xếp thứ 9 trên toàn thế giới (theo bảng xếp hạng của US News năm 2017).

Tốt nghiệp từ Chicago, chị làm việc 2 năm cho Đại học San Jose State University nằm ở chính giữa thung lũng Silicon thuộc tiểu bang California. Từ 2012 đến nay, chị chuyển về Đại học South Carolina làm phó giáo sư trong ngành công tác xã hội, đồng thời làm giám đốc hợp tác cho các hoạt động của trường ở khu vực Việt Nam và Đông Nam Á. Đại học South Carolina là đại học công lớn nhất của tiểu bang Nam Carolina và thuộc hệ trường hạng một (hệ R1, các trường nghiên cứu - research university).

Trong suốt 18 năm ở Mỹ và cả trước đó, chị thường xuyên cộng tác với các Bộ, các trường đại học công và tư ở Việt Nam, với giới trí thức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, xã hội. Chị trợ giúp các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo, giảng cho các giảng viên, giảng cho sinh viên, giúp họ xây dựng giáo trình, tổ chức hội thảo, tập huấn, vv…

Từ Bắc Giang ra Hà Nội, sang Omaha, tới Chicago, qua California, xuống Nam Carolina và liên tục kết nối với Việt Nam, Phan Việt đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm với nền giáo dục hiện tại của Việt Nam, Mỹ, và thế giới, trong đầy đủ các tư cách của người học, người dạy, người tư vấn, người phản biện, người đồng hành, với đủ các mô hình dạy và học khác nhau.

Trong chương trình lần này, tác giả Phan Việt hy vọng có thể chia sẻ những kinh nghiệm về học tập và làm việc thành công tại Mỹ, Việt Nam và khắp thế giới đến các bạn trẻ.

Tranh dân gian qua lăng kính của các nghệ sỹ trẻ

Tranh dân gian Việt Nam vốn có lịch sử từ rất lâu đời, đã từng có thời gian phát triển mạnh mẽ và trở thành loại hình nghệ thuật phổ biến trong đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trong dòng chảy hiện đại, dòng tranh dân gian đang dần mất đi vị trí chủ đạo trong đời sống hội họa bởi sự du nhập và phát triển vượt lên của các dòng tranh hiện đại khác. Có chăng, tranh dân gian chỉ còn sống trong tâm thức của những người yêu tranh truyền thống hoặc trong một vài gia đình tâm huyết ở các làng nghề làm tranh.

Việc bảo tồn và đưa dòng tranh truyền thống này trở nên gần gũi hơn trong cuộc sống đời thường được ví như bơi giữa muôn trùng sóng gió. Vậy nên thật đáng quý biết bao khi giữa muôn vàn khó khăn, vẫn có những người trẻ tuổi đang ngày đêm nỗ lực gìn giữ, khôi phục dòng tranh dân gian và không để nó biến mất trong đời văn hóa tinh thần người Việt.

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc theo đuổi và tìm lại hồn xưa dòng tranh dân gian của những nghệ sỹ trẻ tuổi, đồng thời đưa nét đẹp truyền thống này đến gần hơn với cộng đồng những người yêu nghệ thuật, TiredCity xin hân hạnh giới thiệu buổi triển lãm và talkshow "Tranh dân gian qua lăng kính của các nghệ sỹ trẻ" tại Hà Nội.

Talkshow có sự tham gia của các diễn giả Nghệ sỹ Nguyễn Xuân Lam, tác giả bộ tranh "Vẽ lại tranh dân gian" và chị Trịnh Thu Trang, sáng lập của "Họa Sắc Việt" - dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.

Buổi trò chuyện "Tranh dân gian qua lăng kính của các nghệ sỹ trẻ" được tổ chức vào 14g00 ngày 07/01 trong không gian của lAcA Cafe, số 24-26 Lý Quốc Sư, Hà Nội. Song song với talkshow là buổi ra mắt bộ sưu tập "Tranh dân gian" Hoodie Collection - ứng dụng hình ảnh tranh dân gian truyền thống trên chất liệu thời trang hiện đại, gần gũi với giới trẻ ngày nay. Với 03 mẫu Unisex Hoodie Ngũ Hổ, Thánh Gióng và Chim Hạc, bộ sưu tập "Tranh dân gian" là thành quả hợp tác từ minh hoạ, thiết kế đến sản xuất, in ấn giữa TiredCity và nghệ sỹ trẻ Xuân Lam - tác giả bộ "Vẽ lại tranh dân gian" đình đám, hứa hẹn mang lại một diện mạo mới và hiện đại cho các đồ hoạ truyền thống vốn đã quen thuộc.

Đưa “Quẫn” lên “thánh đường nghệ thuật”

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương, bi hài kịch Quẫn do Đạo diễn Trần Lực và NSND Lê Khanh - cặp đôi từng làm lay động trái tim của rất nhiều khán giả yêu điện ảnh Việt Nam tái hợp, sẽ được đưa lên sân khấu để đến gần hơn với công chúng tại Nhà hát Lớn, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội vào 20g ngày 07/01.

Kiệt tác Quẫn của ông tổ hài kịch Việt Nam - cố nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương - từng làm nên cơn địa chấn của đời sống sân khấu Thủ đô với gần 2000 đêm diễn trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, sẽ được tái hiện bằng ngôn ngữ hiện đại của sân khấu ước lệ LucTeam và bàn tay tài hoa của đạo diễn Trần Lực dự báo sẽ làm nên cơn địa chấn thứ hai tại Thủ đô Hà Nội đầu thế kỷ 21.

Khán giả sẽ gặp lại Trương Mạnh Đạt - với vai ông Đại Cát (đã đoạt Huy Chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2016), nàng Phương My - trong vai cụ Đại Lợi răng móm bất hủ (Huy Chương Bạc tại LHSK Thủ đô 2016) và Ngọc Trâm - đầy quyến rũ trong vai cô Đại Hưng (Huy Chương Bạc tại LHSK Thủ đô 2016). Đặc biệt có sự tham gia của NSND Lê Khanh với vai bà Đại Cát, thật vô cùng hấp dẫn.

Vẫn là sự tưng bừng của ngôn ngữ sân khấu Ước lệ - Biểu hiện, nhưng hoàn toàn khác biệt với Cơn ghen của Lọ Lem, lần này khán giả sẽ cười ra nước mắt với bi kịch của một thời quá khứ chưa xa của lịch sử đất nước, bi kịch của sự lầm lạc…

Minh Thư

NỔI BẬT TRANG CHỦ