(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam Briefing, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Brazil gần đây đã thảo luận về hợp tác và thúc đẩy đàm phán FTA giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Brazil Lula Da Silva tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tuần trước. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thương mại hai chiều và thúc đẩy việc sớm khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và MERCOSUR - một khối thương mại quan trọng.
Với việc tìm cách đạt được FTA với MERCOSUR, các doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam có thể tăng cường tiếp cận thị trường rộng lớn này, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại lớn hơn giữa hai khu vực.
Mục tiêu này cũng phù hợp với mối quan tâm ngày càng tăng trong việc thúc đẩy thương mại Nam-Nam giữa các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, dẫn đầu là các tổ chức của các quốc gia đang phát triển như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).
Thúc đẩy liên kết thương mại Nam-Nam đang đạt được những bước tiến mới khi các quốc gia nhận ra lợi ích chung của mối quan hệ thương mại trong các khu vực này. Một FTA giữa MERCOSUR và Việt Nam sẽ không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế mà còn thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn, chia sẻ kiến thức và tiến bộ công nghệ.
FTA này cũng sẽ thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn cầu cân bằng và toàn diện hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên liên quan đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển chung của các nền kinh tế mới nổi.
Hiện tại, quốc gia Nam Mỹ duy nhất mà Việt Nam có hiệp định thương mại tự do là Chile. Liên kết này có được thông qua FTA Việt Nam-Chile và hiệp định CPTPP mà cả hai đều là thành viên.
Dù cả Việt Nam và Brazil đều có mong muốn thúc đẩy FTA giữa Việt Nam và MERCOSUR thì quá trình khởi động đàm phán, thảo luận và tiến trình hoàn tất có thể không đạt được trong tương lai gần. Và hiện tại, Việt Nam và Brazil vẫn đang thúc đẩy thương mại trên một số lĩnh vực quan trọng.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Brazil
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil đạt 6,7 tỷ USD vào năm ngoái. Đây được đánh giá là một con số tích cực. Brazil được coi là nền kinh tế nông nghiệp phát triển tốt còn Việt Nam là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu. Do vậy, các mặt hàng xuất khẩu chính của Brazil sang Việt Nam chủ yếu là nông sản.
Mặt hàng đầu tiên là thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn gia súc. Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi và thức ăn gia súc từ khắp nơi trên thế giới để cung cấp nguyên liệu cho ngành nông nghiệp đang phát triển của mình. Với mức lương tăng và tầng lớp trung lưu đang bùng nổ, nhu cầu đối với các sản phẩm động vật đang tăng lên và nhu cầu về thức ăn chăn nuôi và thức ăn gia súc cũng vậy.
Các quốc gia có nhiều đất đai và các ngành nông nghiệp phát triển tốt, như Brazil, sẵn sàng hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng này.
Mặt hàng tiếp theo là bông. Việt Nam đã trở thành một cường quốc sản xuất hàng may mặc trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng tất cả những chiếc áo phông và quần jean đó đều sử dụng một lượng lớn bông. Và vì nguyên liệu bông trong nước không đủ nên Việt Nam phải nhập khẩu hàng tấn bông mỗi năm. Và Brazil chỉ là một trong nhiều quốc gia cung cấp nguồn bông quan trọng này.
Một sản phẩm khác là đậu nành. Nguyên liệu này thường được sử dụng trong ẩm thực Việt Nam và sản xuất dầu đậu nành. Ngoài ra, đậu nành cũng thường được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil
Là cường quốc sản xuất cho một số thương hiệu lớn nhất thế giới như Samsung và LG, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Brazil chủ yếu là hàng điện tử.
Đầu tiên là điện thoại bàn, điện thoại di động và các bộ phận liên quan. Có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác nên Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn để sản xuất các thiết bị điện tử. Điều này giúp duy trì mức giá tốt trong một ngành có tính cạnh tranh cao như điện thoại di động.
Còn Brazil là một thị trường điện thoại di động đang phát triển và nhu cầu về các thiết bị chất lượng cao, giá cả phải chăng đang tăng lên. Nhu cầu ngày càng tăng này cũng có lợi cho các nhà sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam.
Tiếp đó là máy vi tính, sản phẩm điện tử, phụ tùng và linh kiện của chúng. Giống như công nghệ viễn thông, Việt Nam cũng sản xuất nhiều loại sản phẩm điện khác. Điều này phần lớn là do lực lượng lao động giá rẻ và vị trí gần với các trung tâm thiết kế và đổi mới của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với vai trò là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng điện tử, xuất khẩu điện tử của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây sang các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Brazil.
Tương lai thương mại Việt Nam-Brazil
Việt Nam và Brazil đã có mối quan hệ thương mại lâu dài và hiệu quả. Với hơn 6 tỷ USD giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai nước vào năm 2022, thương mại giữa hai nước đang có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều có thể làm để thúc đẩy giá trị giao dịch cao hơn nữa. Một hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và MERCOSUR có thể mang lại nhiều cơ hội cho tất cả các bên liên quan. FTA này có thể mất một khoảng thời gian để hoàn tất, nhưng với sự thúc đẩy của cả hai bên, mục tiêu này không còn quá xa vời.