(Tổ Quốc) - Sau hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thị trường điện ảnh trong nước sôi động trong 6 tháng đầu năm và được kỳ vọng khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều phim ra rạp không đạt doanh thu như kỳ vọng. Năm 2023, với nhiều đổi mới trong Luật Điện ảnh trong đó đặc biệt khuyến khích xã hội hóa, điện ảnh Việt kỳ vọng những bứt phá.
- 17.01.2023 Galaxy Play chiêu đãi khán giả nhiều phim điện ảnh hay dịp Tết Quý Mão
- 11.01.2023 Hé lộ những bức ảnh ghi lại thời hoàng kim của Thượng Hải, khung hình nào cũng đẹp tựa phim điện ảnh
- 09.01.2023 Trấn Thành nói gì khi được vinh danh Diễn viên điện ảnh nổi bật của năm?
- 09.01.2023 Điện ảnh Ấn Độ tìm cách hồi phục trở lại khi thói quen người xem thay đổi
- 04.01.2023 Xử phạt 50 triệu đồng với hành vi xuyên tạc lịch sử dân tộc, tiết lộ bí mật cá nhân trong điện ảnh
Thiếu khởi sắc, thiếu phim chất lượng
Trong năm 2022, điện ảnh Việt khá buồn ở mảng phát hành. 37 phim Việt ra mắt thì có đến 21 phim đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng, 9 phim chỉ đạt đến ngưỡng trăm triệu. Đó là con số quá ảm đạm. Chỉ có duy nhất 1 phim Việt đạt mốc "trăm tỷ" - phim "Em và Trịnh". Thành tích này thua 2019 (5 phim) và hai năm vướng đại dịch là 2020 (3 phim) và 2021 (2 phim).
Nếu đặt câu hỏi về những tựa phim Việt gây ấn tượng nhất năm 2022, cái tên Em và Trịnh cùng Tro tàn rực rỡ được đánh giá là sát nhất với khái niệm "bom tấn" của điện ảnh Việt 2022. Với Tro tàn rực rỡ đem lại doanh thu trên 4 tỷ đồng, được giới chuyên môn đánh giá đây là một thành công với dòng phim art house (nghệ thuật).
Năm qua, doanh thu trên 50 tỷ đồng được xem là cao, nhưng lượng phim đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Bẫy ngọt ngào (83,3 tỷ đồng), Nghề siêu dễ (68,7 tỷ đồng), Chìa khóa trăm tỷ (65,3 tỷ đồng), Chuyện ma gần nhà (58,8 tỷ đồng), Cô gái từ quá khứ (53 tỷ đồng). Ngay cả với Em và Trịnh, con số trăm tỉ cũng chưa đem lại lợi nhuận khi phim được đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, thêm chi phí truyền thông – marketing, phải đạt gần 200 tỷ đồng mới được xem là hòa vốn.
Một lý do khiến doanh thu điện ảnh Việt thấp trong năm qua có thể vì thời điểm chiếu phim Tết Âm lịch 2022 (vốn là dịp tiềm năng để gặt hái "trăm tỷ") gặp khó khăn khách quan vì chỉ có 141/212 cụm rạp mở cửa trên toàn quốc (71 rạp phía Bắc mở cửa muộn do còn thực hiện giãn cách), khiến doanh thu phim Tết hụt từ 30-35%.
Điểm sáng HANIFF
Năm 2022 đánh dấu sự trở lại và tổ chức thành công của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ VI. Chương trình vốn bị lùi lịch từ 2020 do đại dịch COVID-19.
Liên hoan phim được đánh giá là bữa tiệc điện ảnh với hơn 120 phim từ trong và ngoài nước, thuộc 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch Hà Nội đã được tổ chức song song với các hội thảo chuyên đề, bàn luận về nền điện ảnh tiêu biểu mà cụ thể là Hàn Quốc, Iran… giúp rút ra nhiều kinh nghiệm thực tế, tạo nhiều cơ hội hợp tác về đào tạo... 800 đại biểu đến với Việt Nam đều có thể an tâm với điều kiện phòng dịch được đảm bảo. Các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim lâu năm... cũng đã có cơ hội mở rộng, kết nối tại liên hoan phim.
Ngoài ra, Luật điện ảnh sửa đổi năm 2022 đã được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Nhiều vấn đề được xem là cởi mở hơn, tạo cơ hội cho các nhà làm phim, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, trong đó có khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, luật quy định rõ việc đầu tư và hỗ trợ (khoản 2 điều 5) nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước. Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp điện ảnh, tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Điều 14 luật Điện ảnh 2022 quy định việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu (trong trường hợp số lượng kịch bản, dự án sản xuất phim vượt quá kế hoạch sản xuất); và chủ đầu tư sẽ là Bộ VHTTDL, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội… Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim, thành lập hội đồng thẩm định kịch bản, lựa chọn dự án sản xuất phim và được huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để sản xuất phim, với tiêu chí ưu tiên làm phim về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, trẻ em, vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
Mong chờ những đột phá
Ngay những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023, các dự án bị trì hoãn trước đó do đại dịch lần lượt được khởi động trở lại. Nổi bật là Đất rừng phương Nam (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi). Sau 5 năm chuẩn bị, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bấm máy ở An Giang hôm 18/12 với đại cảnh được dàn dựng công phu và khoảng 300 diễn viên quần chúng góp mặt.
Ngoài mùa phim Tết với 3 tác phẩm Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2, có thể kể đến một số dự án đáng mong đợi trong năm 2023 như Vong nhi, Khi ta 25, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Móng vuốt, Tết ở làng địa ngục, Đất rừng phương Nam, Công tử Bạc Liêu, 9 giờ bão lửa, Fanti… Các đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Bảo Nhân, Nam Cito đều kỳ vọng các tác phẩm này đủ thu hút khán giả, giúp phim Việt khởi sắc.
Theo các nhà làm phim, khó khăn của thị trường vẫn là những bài toán mang tính cố hữu. Họ cho rằng, cả nhân sự điện ảnh lẫn cách làm phim hiện tại vẫn chỉ có thế. Chúng ta đang thiếu rất nhiều nhân sự giỏi, tài năng. Thiếu biên kịch giỏi, thiếu những kịch bản có tầm vóc và hấp dẫn. Với diễn viên, điện ảnh Việt Nam đang thật sự thiếu những ngôi sao, đặc biệt là những người có diễn xuất hấp dẫn. Đó là những điều khiến điện ảnh có thể phát triển bền vững, chứ không chỉ là doanh thu trăm tỉ ở một vài bộ phim./.