• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện ảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức gì?

20/03/2018 08:21

(Cinet)- Điện ảnh Việt đang đứng trước những thách thức không nhỏ để đứng vững và tiếp tục phát triển.

(Cinet) - Bên cạnh những thành tựu đáng kể của điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển khởi sắc của thị trường phát hành và phổ biến phim với doanh thu phòng vé liên tục tăng trưởng, xã hội hóa được đẩy mạnh, điện ảnh Việt đang đứng trước những thách thức không nhỏ để đứng vững và tiếp tục phát triển.

>> Xây dựng công nghiệp văn hoá: Bước tiến của công nghiệp điện ảnh Việt Nam 



Vướng mắc phim đặt hàng



Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện nay cả nước có hơn 470 doanh nghiệp sản xuất phim (bao gồm cả 5 doanh nghiệp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý hoặc nắm cổ phần). Trong số đó có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên và tích cực vào sản xuất phim điện ảnh. 

Bộ phim “Em chưa 18” đạt doanh thu 169 tỷ đồng. Nguồn: hangphimtheky21.com

Trong 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm sản lượng phim đã tăng 50% so với năm 2014, chiếm 20 – 25% tổng số phim được phát hành trong cả nước. Nếu năm 2014 các đơn vị đã sản xuất 25 phim truyện chiếu rạp, thì năm 2015 đã sản xuất 40 phim, năm 2016 sản xuất 41 phim và năm 2017 sản xuất được 38 phim).  Như vậy, số lượng phim nói trên đã vượt chỉ tiêu của “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013. Số lượng phim không ngừng tăng về số lượng, quy mô, tuy nhiên chủ yếu là phim thương mại, giải trí. Các phim đề tài lịch sử, thanh thiếu nhi, dân tộc, miền núi, giáo dục… gần như vắng bóng. Tuy chất lượng phim chưa đồng đều nhưng bước đầu đã có những phim được đánh giá cao tại liên hoan phim trong nước và quốc tế, và phá kỷ lục doanh thu tại Việt Nam như “Em chưa 18” doanh thu 169 tỷ đồng năm 2017, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đạt doanh thu hơn 78 tỷ chỉ sau 1 tháng công chiếu…

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ảnh: Gia Linh



Đáng chú ý trong 3 năm qua là không có dự án phim truyện nào do nhà nước đặt hàng được sản xuất. Tất cả phim truyện chiếu rạp đều do các đơn vị tư nhân sản xuất, phát hành và phổ biến. Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, đối với phim do Nhà nước đặt hàng, Luật Điện ảnh và Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh quy định sản xuất phim đặt hàng phải tuân thủ Luật Đấu thầu. Tuy nhiên do đặc thù của sản xuất phim không thể máy móc áp dụng các quy định này. Bộ VHTTDL đã dự thảo Thông tư liên tịch Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên Thông tư này không thể ban hành vì vướng một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do chưa ban hành Thông tư nên Bộ Tài chính không bố trí được ngân sách đặt hàng sản xuất phim hằng năm. Việc bố trí ngân sách đặt hàng sản xuất phim bị ngưng trệ, dẫn đến trong 03 năm 2015, 2016, 2017 không có phim truyện mới do nhà nước đặt hàng sản xuất gây khó khăn cho việc tổ chức các sự kiện, hoạt động điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, tuyên truyền văn hóa.



Mặt khác, việc đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước chưa có kế hoạch, không phân bổ theo giai đoạn phát triển cũng gây khó khăn cho việc đầu tư, định hướng sáng tác, chưa tận dụng và phát huy năng lực sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ.



“Nóng” câu chuyện thị phần



Năm 2007, khi ký kết các Hiệp định Thương mại của WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim. Vì vậy, phim nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam chiếm hơn 70% số lượng phim phát hành hàng năm, khiến phim Việt Nam phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức.



Nếu năm 2013, số lượng phim truyện nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam là 173 phim, năm 2014 là 170 phim, thì đến năm 2015 số lượng phim đã tăng lêm 2017 phim, năm 2016 là 194 phim và năm 2017 là 246 phim. Tỷ lệ phim Việt trong thị trường chiếu phim cả nước năm  2013 là 18,1%; năm 2014 là 25,2%; năm 2015 là 31,4%; năm 2016 là 27% và năm 2017 là 23%.



Không chỉ phim Việt Nam phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức, các rạp chiếu phim của Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi rạp chiếu phim của nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát và chi phối hoạt động chiếu phim Việt Nam.

Riêng CGV từ đầu năm 2017 đã đầu tư xây dựng thêm 14 cụm rạp tại Việt Nam. Nguồn ảnh: vietnamnet.vn

Theo quy định của Luật Điện ảnh, doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim, đồng thời doanh nghiệp chiếu phim được nhập khẩu phim để phổ biến. Do vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đã xây dựng ồ ạt các phòng chiếu phim với trang thiết bị công nghệ số hiện đại, chiếm tới hơn 60% số phòng chiếu cả nước. Hiện cả nước có 06 cơ sở phát hành và phổ biến phim của Việt Nam (có các công ty lớn như BHD, Galaxy, Công ty điện ảnh truyền thông Sài Gòn) và 03 cơ sở phát hành và phổ biến phim liên doanh với nước ngoài (CJ CGV, Lotte, Platinum) thì CJ CGV đã chiếm 43% số phòng chiếu cả nước và Lotte chiếm 20%, riêng CGV từ đầu năm 2017 đã đầu tư xây dựng thêm 14 cụm rạp tại Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu phim nhà nước bị xuống cấp. Tình trạng đó khiến phim Việt gặp khó khi muốn đưa vào chiếu trong các hệ thống rạp nước ngoài, chẳng hạn như “lùm xùm” xoay quanh việc không đạt được thỏa thuận trình chiếu phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" do BHD sản xuất tại các cụm rạp CGV hồi cuối năm 2016.



Mặt khác, do nắm thị phần lớn về nhập khẩu phim và hệ thống rạp chiếu phim, các doanh nghiệp nước ngoài (cụ thể là CGV) đã thực hiện chiến lược khuyến mại bằng cách đơn phương giảm giá vé xem phim gây ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn của Việt Nam.



Năm 2016, theo phản ánh của một số công ty phát hành phim Việt Nam và Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam công ty CGV  có dấu hiệu thống lĩnh thị trường, chèn ép các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim. Tuy nhiên, do những vướng mắc về quy định pháp lý, nên đến nay sự việc nói trên vẫn chưa được giải quyết.



Theo ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, đơn vị chiếm 5% thị phần chiếu phim hiện nay cho rằng việc cạnh tranh giữa các cụm rạp ngày càng gay gắt. Các cụm rạp nhỏ lẻ của ta không thể tiếp tục giảm giá vé vì giảm thì không đủ chi phí tái đầu tư. Nếu không có chính sách phù hợp thì e rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa, số lượng phòng chiếu tại Việt Nam có đến 85% là của nước ngoài, các đơn vị nhỏ lẻ của Việt Nam sẽ bị triệt tiêu. Điều đáng lo ngại nhiều hơn chính là sự mất mát về văn hóa, một vấn đề nguy cấp của điện ảnh nước nhà đang ngày một hiện hữu…



Phải nhìn thẳng vào sự thật là điện ảnh Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Do đó việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật điện ảnh (sửa đổi) là cứu cánh để khắc phục những khó khăn hiện nay. Bởi Luật Điện ảnh chúng ta thực hiện đã lâu và khi hội nhập có nhiều vấn đề bất cập cần điều chỉnh để phù hợp, ông Dương cho hay./.


 
Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ