(Tổ Quốc) - Điện ảnh Việt Nam 2023 ghi nhận nhiều khởi sắc sau 3 năm bị dịch bệnh tác động. Mặc dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, xã hội vẫn chưa thực sự trở lại với nhịp sống sôi động như thời kỳ trước dịch, nhưng Điện ảnh Việt Nam đã có những điểm sáng, đủ để kỳ vọng vào một năm mới vươn tầm quốc tế.
Để điện ảnh Việt Nam thực sự trở thành một trong những mũi nhọn của "công nghiệp văn hóa" thì ngoài "nội lực" là chính những tác phẩm xứng tầm còn cần "ngoại lực" là nhiều những ngành/lĩnh vực khác cùng phối hợp như văn hóa, du lịch, công nghệ, thương mại… Với mong muốn làm rõ hơn câu chuyện của điện ảnh Việt Nam trong những năm tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam về bức tranh điện ảnh Việt Nam trong năm 2023 và những kỳ vọng cho năm mới 2024.
2023 là một năm "trở lại" của điện ảnh Việt Nam, là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về bức tranh điện ảnh Việt Nam trong năm 2023?
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú: Điện ảnh Việt trong năm 2023 có nhiều hoạt động, nổi bật. Điện ảnh tư nhân chiếm tỉ trọng phần lớn với nhiều phim ra rạp so với năm trước. Dù chưa phải là những tác phẩm hoàn hảo có khả năng dẫn hướng về nghệ thuật thể hiện, song nhìn chung các bộ phim đã thể hiện sự đa dạng về đề tài, nội dung, phong phú về thể loại. Nhiều phim chiếu rạp có khách (như Con Nhót mót chồng, Nhà bà Nữ, Em và Trịnh, Người vợ cuối cùng…) thu hút được sự chú ý bởi doanh thu phòng vé cao. Đáng mừng là, những bộ phim có doanh thu từ 100 tỉ trở lên không chỉ mang đến tín hiệu vui cho các hoạt động điện ảnh Việt Nam mà còn cho thấy phim Việt Nam định vị chỗ đứng trên thị trường vẫn đã và đang được đông đảo khán giả quan tâm đón nhận tại hệ thống rạp chiếu bóng công cộng.
Diện mạo điện ảnh Việt Nam 2023 còn nổi bật lên ở những tác giả với nguồn vốn độc lập, hoặc được huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đây là những đề tài nội dung theo đuổi những tiêu chí hướng tới các Liên hoan phim khu vực và quốc tế, cùng các giải thưởng của các Liên hoan này. Tại Liên hoan phim Cannes 2023, các đạo diễn người Việt như Phạm Thiên Ân (phim Bên trong vỏ kén vàng) đoạt giải Camera Vàng, Trần Anh Hùng đoạt giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất (phim La passion de Dodin Bouffant)... mang đến những cú hích cho điện ảnh Việt. Bên cạnh đó, những bộ phim như: Đêm tối rực rỡ, (đạo diễn Aaron Toronto), Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm)... cùng giành được giải thưởng trong nước và quốc tế cũng là những khích lệ cho các nhà làm phim Việt Nam.
Bên cạnh những bộ phim có doanh thu phòng vé cao, phim chiếu rạp cũng xuất hiện những bộ phim nghệ thuật, có thông điệp rõ ràng, thế nhưng lại khá kén khán giả như Thành phố ngủ gật của đạo diễn Lương Đình Dũng. Thực tế này cho thấy, mỗi một đạo diễn thời nay cũng đã "tỉnh táo" và "dũng cảm" hơn trong việc lựa chọn đề tài, kể câu chuyện để có bản sắc riêng của mình, bên cạnh đó còn là khả năng huy động vốn làm phim, lo chi phí quảng cáo, truyền thông, phát hành phim…
Trong khi đó điện ảnh Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động sản xuất phim chỉ ở mức khiêm tốn nên số lượng phim điện ảnh được sản xuất còn quá ít. Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, tiền đầu tư của Nhà nước cho sản xuất phim truyện điện ảnh: 2 năm chỉ đủ làm 3 phim, (nghĩa là nguồn vốn mỗi năm chỉ được 1,5 phim). Trong thời gian qua, có Đào, Phở và Piano kể câu chuyên về tình yêu và mất mát hy sinh vào mùa đông 1946 trong những khoảnh khắc bi hùng nhất của cuộc chiến 60 ngày đêm tại Thủ đô Hà Nội (do Công ty CP Phim truyện 1 sản xuất), Hồng Hà nữ sĩ về cuộc đời thăng trầm và tài sắc vẹn toàn lưu truyền mãi cho hậu thế của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (do Hồng Ngát Film sản xuất), Phơi sáng về đề tài chống tham nhũng (do Công ty CP Phim Giải Phóng sản xuất)... là những bộ phim được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặt hàng.
Từ thực tế này, theo ông thì đâu là những điều kiện cần để điện ảnh Việt Nam "khởi sắc"?
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú: Tác phẩm điện ảnh là lĩnh vực cần đến sự chung sức của tập thể, vừa là nghệ thuật, vừa là kỹ thuật, cần cả hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại đi kèm trong cả một guồng máy phối hợp nhịp nhàng. Để điện ảnh Việt Nam phát triển đúng tầm công nghiệp văn hóa, dù là phim nghệ thuật hay giải trí cũng luôn cần phải có vốn đầu tư hợp lý, phim làm ra cần có chất lượng để chiếm lĩnh thị trường, có kinh phí và nghệ thuật quảng bá để lôi kéo khán giả, để có lợi nhuận và tái đầu tư.
Trong những Hội thảo quốc gia về điện ảnh tổ chức trong năm gần đây và ngay tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam, những nhà đầu tư đã có cơ hội để nói lên "tiếng nói" của mình. Tổng Giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh từng nêu ý kiến nhằm tháo gỡ rào cản, bãi bỏ những giấy phép con, nhằm tạo mọi thuận lợi cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước. Đặc biêt, tại nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Malaysia, Pháp… đã áp dụng các ưu đãi cho sản xuất phim như ưu đãi giảm thuế thu nhập, thuế GTGT… thậm chí còn hoàn thuế cho những đoàn phim có sử dụng nguồn lao động bản địa. Do đó, Việt Nam cũng nên nhanh chóng có những chính sách ưu đãi, giảm thuế... nhằm thu hút nhiều hơn những đoàn làm phim nước ngoài đến nước ta. Cũng theo bà, nhiều nhà làm phim nước ngoài mong muốn tới Việt Nam bởi sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên, con người… nhưng họ vẫn ngại thủ tục hành chính và ngại cả những chi phí phát sinh thêm trong quá trình làm phim tại Việt Nam, trong khi đó ở nước ngoài họ chỉ cần tập trung vào các hoạt động đơn thuần chuyên môn.
Bên cạnh đó là những yêu cầu thẩm định phê duyệt kịch bản phim ở ta cũng khiến họ không ít lo lắng nếu nội dung kịch bản phim bị can thiệp quá nhiều, cho dù khâu kiểm duyệt ở ta đã và đang có nhiều thông thoáng tích cực hơn.
Nhìn vào xu hướng thưởng thức phim của khán giả hiện nay cho thấy, hầu hết khán giả đến rạp hiện nay là người trong độ tuổi từ 15-35 tuổi, số ít là những người đến rạp ở các độ tuổi khác. Những bộ phim tạo được tiếng vang trên truyền thông hoặc truyền hình sẽ có hiệu ứng lan tỏa, "loang rộng" ra và mọi người xem nhiều hơn.Các nhà sản xuất phim Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ trong nghệ thuật, thể hiện ở các bộ phim đã phản ánh đời sống mới, theo thị hiếu khán giả, nên không còn nhiều những bộ phim "nhàn nhạt" như trước. Tuy vậy, kịch bản vẫn là một điểm yếu của các nhà làm phim Việt Nam và để điện ảnh Việt Nam thay đổi thì cần có những câu chuyện và cách kể chuyện mới mẻ hơn, tiệm cận gần điện ảnh khu vực và thế giới.
Đáng mừng là hiện nay phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất để cho ra các sản phẩm phim ảnh có chất lượng tốt hơn, như âm thanh phim đã được cải thiện rất nhiều, giúp phim tăng thêm sự hấp dẫn, bên cạnh đó là rất nhiều thành phần chuyên môn là các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia vào quá trình sáng - chế tác phim, mang đến những bộ phim có chất lượng cao hơn.
Như vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng gì vào việc xây dựng một trung tâm điện ảnh Việt Nam tầm quốc tế, thưa ông?
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú: Một địa danh, tỉnh/thành phố trở thành một trung tâm điện ảnh - ý tưởng và mong muốn là rất xứng đáng thực hiện. Song, điều kiện cần và đủ phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng như: quỹ đất sạch, địa hình phong phú (núi, đồi, sông, suối, biển, đảo...) giao thông, đường xá, cơ chế hành chính của mỗi tỉnh, thành, địa phương có tạo điều kiện cho các đoàn làm phim hay không…
Tuy nhiên, bằng khát vọng, chúng ta có thể nhìn nhận một thực tế là hiện có nhiều địa phương đã xác định chiến lược gắn kết hoạt động điện ảnh với kích cầu du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam - đất nước - con người nói chung và của địa phương nói riêng.
Nha Trang (Khánh Hòa) đã thể hiện rõ nhất khát vọng này. Với biển đảo, núi đồi, đồng bằng, thành phố với bãi biển đẹp, khí hậu ôn hòa, người dân hiếu khách… như một Việt Nam thu nhỏ, rất phù hợp với các điều kiện để trở thành một Thành phố Điện ảnh. Hai năm vừa qua, Nha Trang không chỉ là nơi diễn ra Lễ trao Giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam mà còn là lựa chọn để tổ chức các hội thảo tầm quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt Nam, kích cầu du lịch.
Cùng chung chí hướng đó, nhiều tỉnh/thành khác cũng đã và đang quan tâm phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển du lịch và các ngành kinh tế - xã hội. Đà Nẵng đăng cai tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế thường niên, Tuy Hòa (Phú Yên) từng nổi tiếng với cảnh quay quyến rũ trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại vừa tổ chức thành công chương trình Điện ảnh với Phú Yên; hay Tuyên Quang vừa tổ chức sự kiện Điện ảnh kết nối xứ Tuyên với sự mời gọi khuyến khích các dự án làm phim và đang rốt ráo hoàn thành tuyến đường cao tốc, mở rộng vòng tay đón các đoàn làm phim tới đây. TP. Hồ Chí Minh cũng thể hiện mong muốn sớm trở thành một thành phố điện ảnh, sẽ tổ chức Liên hoan phim quốc tế năm 2024 và đăng cai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam tại Thành phố vào năm 2025...
Việc các địa phương nhìn thấy tiềm năng của điện ảnh trong việc kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, xã hội cho thấy đây là tín hiệu đáng mừng. Mỗi tỉnh có thế mạnh riêng để trở thành một thành phố điện ảnh, tuy nhiên, cần phải thấy rằng để một địa danh mang đúng nghĩa tầm vóc là trung tâm điện ảnh như nhiều nơi trên thế giới đã làm thì cần có đầy đủ các yếu tố như: giao thông, quỹ đất dành cho phim trường, hạ tầng cơ sở vật chất để tổ chức các hội thảo, hoạt động điện ảnh, đón được các đoàn quốc tế, những đoàn làm phim nước ngoài đến… Có được điều này sẽ thực sự là đòn bẩy, cú hích cho điện ảnh phát triển.
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành, các cơ quan chức năng, địa phương… Trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần phải đồng bộ, là sự kết nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, các nhà chuyên môn, nghệ sĩ, để điện ảnh lan tỏa và thu cả lợi nhuận từ những lĩnh vực khác chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm nghe - nhìn… Suy cho cùng, yếu tố quan trọng là nguồn vốn, bằng sự đầu tư tập trung của Nhà nước cho công nghiệp điện ảnh, vừa kết hợp từ nguồn xã hội hóa để phát triển ngành.
Được biết, ông tốt nghiệp Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Nga VGIK - một trong những đại học uy tín đào tạo những nhà làm phim - nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng thế giới. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam hiện nay?
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú: Hiện nay, ngoài 2 trung tâm đào tạo điện ảnh lớn của Việt Nam là: trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, còn có nhiều trường đại học khác cũng có chuyên ngành đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này như ĐH Hoa Sen, ĐH RMIT, ĐH Văn Lang… Cần thấy, việc "dạy nghề và học nghề" trong các trường đào tạo về điện ảnh tại Việt Nam nhằm trang bị cho các sinh viên những kiến thức cơ bản, những kỹ năng của những người làm nghề, còn khi ra trường, các sinh viên có "dụng võ" được để theo đuổi nghề và sống được bằng nghề đã học hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
Với mỗi sinh viên, bộ phim đầu tay sẽ là yếu tố quan trọng nhất bởi nó quyết định sự "thành" hay "bại" của họ. Nó như chìa khóa để mở ra nhiều cơ hội mới, gặp nhà đầu tư mới với nhiều hứa hẹn thành công và ngược lại, con đường vào nghề, làm nghề sẽ chật vật, khó khăn.
Tại nhiều hội thảo về nguồn nhân lực cho điện ảnh, nhiều đại biểu đã cho rằng, nên học theo cách các nước có nền điện ảnh phát triển đã làm. Sở dĩ Hàn Quốc có sự thay đổi phát triển ngoạn mục là nhờ chính sách đưa sinh viên ra nước ngoài học tập điện ảnh Mỹ, điện ảnh châu Âu… thế hệ trẻ này sau đó trở về với những cảm xúc mới mẻ, tư duy và kỹ năng hiện đại được tiếp thu được từ các nền điện ảnh lớn, cùng với những chính sách đầu tư có trọng điểm của chính phủ về máy móc, thiết bị hiện đại và với đội ngũ thực hành chuyên nghiệp đã làm cho điện ảnh Hàn Quốc thực sự thay đổi.
Thế hệ đạo diễn Việt Nam sung sức và đầy tâm huyết đã và đang định hình tên tuổi như: Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Quang Dũng, Lưu Huỳnh, Jony Trí Nguyễn, Nguyễn Phương Điền… cũng đã là trung niên, vì vậy cần tiếp tục đào tạo đội ngũ kế cận, để điện ảnh Việt Nam có được một đội ngũ tiếp theo, không bị gián đoạn. Để đưa sinh viên ra nước ngoài học tập, sinh viên trẻ Việt Nam cần vượt qua rào cản về ngoại ngữ và Nhà nước thường xuyên có chính sách cung cấp học bổng cho những bạn trẻ có đầy đủ tố chất năng khiếu và ngoại ngữ đáp ứng điều kiện được đi học tập, nâng cao nghiệp vụ tại những nước có nền điện ảnh phát triển. Có như vậy mới mong thay đổi được căn bản chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam.
Từ những nỗ lực trong năm 2023, ông có thể chia sẻ kỳ vọng của mình vào nền điện ảnh Việt Nam 2024?
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú: 2024 sẽ là một năm sôi động của Điện ảnh Việt Nam. Nhiều sự kiện điện ảnh lớn được tổ chức như: tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ là Liên hoan phim quốc tế lần thứ nhất, tại Đà Nẵng sẽ là Liên hoan phim quốc tế thường niên lần thứ 2, tại Nha Trang sẽ là Lễ trao Giải thưởng Cánh Diều Vàng, tại Hà Nội sẽ là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, cùng nhiều các Hội nghị, Hội thảo liên quan đến Điện ảnh đã được lên lịch…
Theo đó, trong suốt hơn 20 năm qua, Hội Điện ảnh Việt Nam luôn đề cao, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, các công trình nghiên cứu lý luận phê bình xuất sắc và cá nhân các nghệ sĩ xuất sắc. Đã và sẽ có ít nhất 4 năm liên tục Lễ trao Giải thưởng Cánh Diều Vàng thường niên của Hội sẽ vẫn diễn ra tại Nha Trang. Vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9/2024, "Bức tường Danh vọng" bên cạnh Nhà hát Đó - Nha Trang sẽ lại tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ngôi sao sáng.
Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới các lĩnh vực văn hóa thể hiện bằng Luật Điện ảnh sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn… Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó điện ảnh Việt Nam thực sự trở thành một lĩnh vực mũi nhọn, vẫn mong rằng sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm về chính sách đầu tư vốn đồng bộ cho: các hoạt động sản xuất phim (các thể loại), cho các hoạt động phổ biến, phát hành, lưu trữ, đào tạo và xuất nhập khẩu phim... để Điện ảnh Việt Nam thực sự mạnh về nội lực ngay trên sân nhà và có đủ sức "vươn mình ra thế giới".
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú!