• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện ảnh Việt nam: Vắng bóng phim lịch sử cổ trang ( Bài 1)

23/08/2012 06:41

(Cinet)- Nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều bộ phim không chỉ được biết đến rộng rãi trong nước mà còn được phát sóng tại một số quốc gia trên thế giới. Đặc biệt hơn có những bộ phim đã được chọn để tham dự các Liên hoan phim quốc tế. Tuy có nhiều khởi sắc nhưng Điện ảnh Việt Nam vẫn còn trống những bộ phim về đề tài lịch sử.

(Cinet)- Nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều bộ phim không chỉ được biết đến rộng rãi trong nước mà còn được phát sóng tại một số quốc gia trên thế giới. Đặc biệt hơn có những bộ phim đã được chọn để tham dự các Liên hoan phim quốc tế. Tuy có nhiều khởi sắc nhưng Điện ảnh Việt Nam vẫn còn trống những bộ phim về đề tài lịch sử.

Bộ phim Lý Công UẩnBộ phim Lý Công Uẩn

Thật vậy, nếu nhìn vào nền điện ảnh Việt Nam mà cụ thể là dòng phim lịch sử, cổ trang sẽ thấy số lượng phim này còn quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điện ảnh là kênh công cụ hữu hiệu để truyền bá văn hóa, lịch sử cho mọi thế hệ tuy nhiên người Việt hiện nay đang biết đến lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc qua phim ảnh nhiều hơn lịch sử nước nhà. Đặc biệt ở tầng lớp giới trẻ, thể hiện qua kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học môn lịch sử vài năm trở về đây đã minh chứng cho thấy điều này.

Theo thống kê thì Việt Nam hiện nay có khoảng 50 hãng phim của nhà nước và tư nhân đang hoạt động vậy nhưng kể cả những Hãng phim và Đài truyền hình thuộc hệ thống Nhà nước cũng không mấy mặn mà với việc sản xuất một bộ phim lịch sử dân tộc bởi còn nhiều  những nguyên nhân...?

Cảnh trong phim Đêm hội Long Trì ( ảnh trên ) và Lý Công Uẩn (ảnh dưới)

Quay ngược dòng thời gian, cách đây hơn 20 năm, cũng đã có khá nhiều nhà làm phim thử sức với dòng phim dã sử, lịch sử, cổ trang với sự ra đời của những Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tráng sĩ Bồ Đề... Đặc biệt, bộ phim Đêm hội Long Trì sản xuất năm 1989 do NSND Hải Ninh đạo diễn được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết lịch sử cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã thực sự tạo nên một ấn tượng mạnh về dòng phim lịch sử Việt Nam. Nhưng cũng từ đó đến nay, trải qua hai thập kỷ, dòng phim này dường như bị ngủ vùi trong sự quên lãng khiến nó trở nên bị lép vế. Trong khi đó có một nghịch lý quá rõ là tại các hệ thống rạp chiếu và Đài truyền hình trên cả nước vẫn không ngưng phát hành, phát sóng những bộ phim lịch sử, dã sử của Trung Quốc, Hàn Quốc…

Trước thực trạng đáng báo động về thế hệ trẻ xem và biết sử Trung Quốc, Hàn Quốc nhiều hơn sử ta, Bộ VHTTDL đã có những định hướng và ưu ái dành riêng cho dòng phim lịch sử, cổ trang. Việc thế hệ trẻ không thuộc lịch sử đất nước không chỉ là lỗi riêng của ngành điện ảnh do thiếu phim  mà còn do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nữa. Song không thể phủ nhận được việc quảng bá văn hóa, lịch sử qua phim ảnh có sự ảnh hưởng rộng lớn. Chẳng thế mà trong nhiều cuộc hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã nói: "Lịch sử là hồn phách, là cái gốc hình thành con người, hiểu lịch sử để tự hào về nguồn gốc của mình, khơi dậy tính tự tôn, niềm tự hào dân tộc". Nếu như những bài học khô khan gói gọn trong trang sách mà được thay thế bằng những đoạn phim ngắn giới thiệu về lịch sử làm công cụ trực quan sinh động qua các phương tiện giải trí, truyện tranh, phim ảnh thì có lẽ sẽ cũng có nhiều người biết, thuộc và yêu lịch sử.

Phim lịch sử Trung Quốc

Trong gần 20 năm qua, mở đầu là Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng rồi hàng loạt các phim lịch sử, võ thuật Trung Quốc được trình chiếu. Đến khi Hoàn Châu Cách Cách được phát sóng cách đây khoảng chục năm thì một cơn sốt phim lịch sử, cổ trang Trung Quốc được khơi dậy. Vậy là trong vòng 1 thập kỷ: Từ Thanh, Tần, Hán, Đường, Minh, Tống…từ chuyện binh nghiệp đến chuyện hậu cung của Trung Quốc được người Việt Nam dần dần “học thuộc”. Một thập kỷ - người Việt Nam đã tiêu thụ một khối lượng khổng lồ phim lịch sử mang thương hiệu Trung Quốc ( Made in China). Thậm chí còn hào hứng với cả các bộ phim nói về việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam mà không hề hay biết. Có thể thấy tiêu biểu như trong phim Hán Vũ Đế được phát sóng trên khung giờ vàng Đài Truyền hình Việt Nam đã có đoạn Hán Vũ Đế đưa quân sang thuần phục các xứ phía Nam trong đó có nước Nam Việt. ( Mà ở đây Nam Việt chính là tên hiệu của nước ta dưới thời Triệu Đà).

Chưa kể đến năm 2004 khi bộ phim Nàng Dae Jang Geum của điện ảnh Hàn Quốc được phát sóng, một cơn bão lịch sử Hàn Quốc lại đổ bộ vào Việt Nam để từ đây trở đi nào là Truyền thuyết Jumong, nào là Vua Jung Jong, nào là Dong Yi…từ từ “ càn quét” và đi sâu vào tâm trí người dân Việt.

Chỉ sơ qua như vậy đã thấy ở cả hai khía cạnh lịch sử, văn hóa đặc biệt là sự tuyên truyền, quảng bá lịch sử qua phim ảnh, truyền hình thì Việt Nam đã bị yếu thế hơn rất nhiều dù vẫn biết thực tế là do nhiều nguyên nhân.

Bộ phim Nàng Dae Jang Geum của Hàn Quốc

Việc nên đầu tư cho điện ảnh tham gia sản xuất những bộ phim về đề tài lịch sử của Dân tộc cũng sẽ là một kênh tuyên truyền quảng bá rất sinh động, giáo cụ trực quan trong giáo dục về lịch sử hiện có. Hơn nữa việc phát sóng trên các kênh truyền hình cũng chính là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất khi có đến 2/3 người dân Việt vẫn thường xuyên sử dụng truyền hình như là phương tiện giải trí hàng ngày.

Muốn thay đổi và hiện thực hóa được những vấn đề đã nêu, có lẽ Việt Nam cần có một ngành công nghiệp sản xuất phim lịch sử, cổ trang xứng tầm, khỏa lấp một thị trường lớn đang để ngỏ và quan trọng hơn là đáp ứng lại sự mong mỏi của người dân cũng như thực hiện một nhiệm vụ vô cùng to lớn đó là tuyên truyền lịch sử hào hùng của cả dân tộc. (còn tiếp)

Nguyễn Hương

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ