• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện ảnh Việt Nam : Ý kiến những người trong cuộc

01/12/2011 17:42

Câu chuyện văn hóa với chủ đề “Trước thềm liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 - Nhìn nhận về chất lượng điện ảnh Việt Nam hôm nay” đã ghi nhận ý kiến người trong nghề về chất lượng phim Việt hiện nay.

Câu chuyện văn hóa với chủ đề “Trước thềm liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 - Nhìn nhận về chất lượng điện ảnh Việt Nam hôm nay” đã ghi nhận ý kiến người trong nghề về chất lượng phim Việt hiện nay.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 14-17/12 tại Phú Yên với 108 tác phẩm tham dự. Sự kiện là ngày hội tôn vinh những người làm điện ảnh có đóng góp lớn trong điện ảnh nước nhà và là cuộc gặp gỡ của nhiều thế hệ điện ảnh để cùng nhau bàn thảo các giải pháp nâng cao chất lượng điện ảnh, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn bấy lâu của ngành.

Một trong những vấn đề lớn của điện ảnh hiện nay là sự chênh lệch và mâu thuẫn trong đầu tư và sản xuất cũng như quảng bá của hãng phim nhà nước và hãng phim tư nhân. Thực tế cho thấy, nhiều bộ phim nhà nước được đầu tư lớn và có chất lượng nhưng lại không thu hút khán giả bằng phim giải trí tư nhân đang chạy theo xu hướng hài, sến, kinh dị…

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho biết: “Đa phần phim tư nhân hiện nay không có dấu ấn nghề nghiệp nào trong phim, cũng không có thủ pháp dàn dựng nào. Cách kể chuyện trong phim cho thấy người kể chuyện hay nhà biên kịch không có sự động não, tư duy. Nếu một lớp khán giả trẻ chỉ theo dõi những bộ phim này thì thị hiếu khán giả sẽ được được định hướng lệch lạc. Điều đó rất nguy hiểm”.

NSND Thế Anh cho rằng chất lượng điện ảnh Việt Nam đang xuống dốc cũng bởi sự dễ dãi của một bộ phận sản xuất, đạo diễn, diễn viên chạy theo lợi nhuận và sự nổi tiếng chóng vánh: “Cả một thế hệ diễn viên, làm phim không được đào tạo bài bản, tự cho mình là khá. Cùng với đó, sự tác động của các phương tiện truyền thông, làm cho rất nhiều "diễn viên tay ngang" ngộ nhận về bản thân".

NSND Phan Thị Bich Hà - Phó Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM chia sẻ: “Những thế hệ diễn viên như Nghệ sĩ Trà Giang họ sống hết mình vì nghệ thuật. Trong khi đó, thế hệ diễn viên mới nổi được trao rất nhiều cơ hội, nhưng vai diễn nào của họ cũng na ná nhau”.

Vấn đề quảng bá cho phim cũng có nhiều chênh lệch. Trong khi phim Nhà nước không có kinh phí để quảng cáo thì các hãng phim tư nhân tung phim ồ ạt và có những chiến dịch quảng cáo rầm rộ.

Bàn về vấn đề này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: “Nhà nước đã đầu tư làm phim mà quên mất kinh phí để quảng bá cho phim và hầu như trong dự án sản xuất phim không có mục này”.

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nói: “Tất cả các hãng phim Nhà nước không có một bộ phận marketing, không có một bộ phận phát hành với địa phương, trong nước và nước ngoài”.

Thạc sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ: “Cần phải có cách đổi mới trong tư duy của những người quản lý các hãng phim nhà nước và nâng cao nghiệp vụ về quảng bá phim vì đây là công việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp chứ không phải làm được phim giỏi thì có thể tiếp thị được bộ phim”.

Có thể nói, để chất lượng điện ảnh được nâng cao cần chú trọng đầu tư phù hợp về công nghệ, quy chế, chú trọng ba khâu sản xuất, phát hành... với định hướng thẩm mĩ cho giới trẻ.

Theo VTV

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ