• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện ảnh VN 2007: Bùng nổ phim nhựa!

23/02/2007 08:30

Từ năm 2007, sẽ không còn những bộ phim tài trợ của Nhà nước, các thành phần kinh tế cạnh tranh sòng phẳng.

Từ năm 2007, sẽ không còn những bộ phim tài trợ của Nhà nước, các thành phần kinh tế cạnh tranh sòng phẳng.

Năm 2007 là một năm điện ảnh VN báo hiệu nhiều đổi thay. Phim Tết thắng lớn. Luật Điện ảnh có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh. Nhưng điện ảnh VN đang phải đối mặt với phim ngoại trong một thế giới phẳng. Hội nhập vừa là cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn mà những người trong cuộc phải vượt qua.

Kỳ vọng những bộ phim tài trợ cuối cùng

Vì nhiều lý do, hầu hết phim trong kế hoạch sản xuất năm 2006 được “kéo” sang “gối” vào năm 2007. Vũ điệu tử thần (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng); Hoài vũ trắng (đạo diễn Đào Duy Phúc) đang trên trường quay; Giá mua một thượng đế (đạo diễn Hồ Ngọc Xum), Người vớt củi (đạo diễn Vương Đức) đã khởi động khâu chuẩn bị; Đừng đốt, trong đó đã có lửa (đạo diễn Đặng Nhật Minh đang chờ tiền đặt hàng từ Nhà nước; Trung úy tiếp tục “ngâm” để xin thêm tiền... Trong khi đó, 3 kịch bản (Đi mãi rồi cũng phải quay về, Dấu lặng đầu đời và Em muốn là người nổi tiếng) duyệt “vét” tiêu nốt số tiền trợ giá cuối cùng trước khi chia tay với khái niệm “phim tài trợ” để chuyển sang đặt hàng, qua phương thức đấu thầu, được “đẩy” ra trường quay ngay trong quý I.

Đạo diễn “chuyên phim truyền hình” Lê Ngọc Linh được mời từ Đà Nẵng ra Hà Nội để làm Dấu lặng đầu đời – một bộ phim làm về người lính và cuộc sống thời bao cấp được kỳ vọng sẽ làm xúc động người xem vì các chi tiết đời thường, sống động. Tác giả kịch bản này là một nhóm những gương mặt đình đám trong làng biên kịch. Khai vỡ kịch bản trên nền truyện ngắn Chớp mắt cùng số phận của tác giả Thăng Sắc (bút danh của ông Nguyễn Chiến Thắng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Campuchia), Dấu lặng đầu đời đưa người xem lội ngược dòng về với quá khứ thông qua những tình huống, những lát cắt xã hội tưởng như hư cấu, thật khó tin, nhưng với những ai bước ra từ quãng thời gian này, thì đấy lại là sự thật, cảm động đến ứa nước mắt. Làm gấp để kịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, Hãng phim Truyện 1 VN đang hy vọng qua bộ phim sẽ tìm được một “người tài” về cho hãng.

Song song với quá trình làm phim Dấu lặng đầu đời, hãng phim này cũng khởi quay phim Đi mãi rồi cũng phải quay về (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên). Cấu trúc bằng những lát cắt của cuộc sống, sinh động ở mảng miếng, không theo logic truyền thống thắt-mở -nút, Đi mãi rồi cũng phải quay về là câu chuyện của một đôi vợ chồng trẻ thời hiện đại, mỗi người một suy nghĩ, một cách sống, nên đã “phá cách” để tự đi tìm những điều mới mẻ ngoài mái ấm... Ý tưởng không mới, nhưng lối dựng theo kiểu lát cắt này chắc chắn đem lại cảm giác lạ nếu đạo diễn cao tay. Xem ra, đây thực sự là thử thách đối với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Lạ nhất là bộ phim mang hơi hướng thị trường: Em muốn là người nổi tiếng lại do đạo diễn Vũ Xuân Hưng đảm nhiệm. Kịch bản này đã được Vũ Xuân Hưng đặt hàng nhà biên kịch trẻ Hà Anh Thu viết cách đây 3 năm. Khi đó, trào lưu người người làm ca sĩ đang “nóng” ở mức đỉnh điểm. Bản thân Hà Anh Thu khi đó đang là sinh viên khoa biên kịch của Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng ôm giấc mơ làm ca sĩ khi đến hát ở một khách sạn. Sự trải nghiệm của chính bản thân đã khiến tác giả Hà Anh Thu tạo nên những mảng sống khá sinh động trong kịch bản. Mười năm “nằm vùng” vì chưa tìm được cơ hội làm phim, ở tuổi 54, tái xuất phim trường bằng một phim đầy chất trẻ, điều mà đạo diễn Vũ Xuân Hưng lo lắng không đơn thuần là tiền quá ít (chỉ bằng 1/3 so với tổng dự toán cần thiết để thực hiện bộ phim này) mà còn là sự thiếu chuyên nghiệp ở mức báo động của các thành phần làm phim.

Nghe đạo diễn Vũ Xuân Hưng nói, biết anh không dám chắc sẽ tạo được một “đỉnh” bằng bộ phim sắp khởi quay cho dù đã bỏ phí 10 năm tuổi trẻ để... kén kịch bản. Nhưng vẫn tin đây sẽ là một phim xem được vì những đạo diễn không quá tự tin vào bản năng, biết được "gót chân Asin" của mình và của đồng nghiệp, sẽ biết cách tạo nên một bộ phim tốt để không phải trả giá bằng chính danh dự của mình. Vũ Xuân Hưng bật mí: “Diễn viên tham gia phim sẽ là những người có nhan sắc, hát hay và biết diễn xuất nội tâm. Đối tượng mà tôi đang nhắm để tuyển chọn là các ca sĩ của Sao Mai - Điểm hẹn 2006”.

Tư nhân náo nức vào cuộc

Bộ phim kinh dị có tựa đề – Mười hợp tác với Hãng phim Bily Picture - Hàn Quốc đang gấp rút hoàn tất phần quay. Theo nghệ sĩ Phước Sang, bộ phim này được đầu tư tới hơn 4 triệu USD, sử dụng nhiều kỹ xảo hiện đại. Đạo diễn phim là một gương mặt khá quen thuộc- Kim Tae Kyung, 31 tuổi, rất thành công với các phim kinh dị Deja-vu, The Red Shos, Ghost. Ngoài phim Mười, Hãng phim Phước Sang cũng đang thảo luận với phía Hàn Quốc để bắt tay triển khai thêm một dự án phim khác. Có nghĩa, sẽ có 3 - 4 dự án phim được Hãng phim Phước Sang thực hiện trong năm 2007 mà dự án đầu tiên là phim Bộ lạc siêu nhí khởi quay trong những tháng đầu năm.

Cũng hăm hở vào cuộc như Hãng phim Phước Sang là Hãng phim Vimax của đạo diễn Ngô Quang Hải. Mới khai trương dịp cuối năm, nhưng công tác chuẩn bị để khởi quay bộ phim Mùa hè lạnh lẽo và lộ trình hoạt động của hãng phim đã được ê-kíp lãnh đạo hãng phim này triển khai từ lâu. Một trường quay nội có diện tích khá hoành tráng được dựng tại Cổ Loa. Đạo diễn Ngô Quang Hải cho biết: “Tôi sẽ không làm phim nghệ thuật chỉ để đi dự các liên hoan phim nữa. Chuyện của Pao làm bằng tiền của Nhà nước, còn Mùa hè lạnh lẽo làm bằng tiền túi của các cá nhân. Vì thế, có thể nói, bộ phim này là dự án sống còn của chúng tôi”.

Xét về “tuổi”, Sena film của nhóm tác giả Sâm Thương, Phạm Thùy Nhân, Bích Thủy cũng “mới toe” như Vimax nhưng hãng phim này không bạo gan làm phim nhựa mà kết hợp với các đài truyền hình làm phim video để ăn chắc đầu ra. Bộ phim đầu tiên đang trên trường quay của Sena film là phim Những chiếc lá thời gian (đạo diễn Lê Cung Bắc) kể về mối tình éo le đẫm nước mắt của một đôi trai gái do ca sĩ Quang Dũng và diễn viên Việt Trinh thể hiện. Sau phim này, Sena film còn khá nhiều dự án triển khai trong năm 2007.

Một hãng phim khác không mạnh về vốn nhưng khá uy tín trong việc gọi vốn là Hãng phim Điệp Vân mà giám đốc hãng là phu nhân của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm. Dự án phim đầu tiên sẽ khởi quay trong năm 2007 là Mùi cỏ cháy với nhân vật trung tâm là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Nhiều tổ chức, cá nhân, đoàn thể đề nghị được hỗ trợ tiền, ước tính khoảng trên 3 tỉ đồng. Sau Mùi cỏ cháy, hãng phim này sẽ khởi quay Nước mắt khô (kịch bản của NSND Đặng Nhật Minh) và Pháp trường trắng (kịch bản của Hoàng Nhuận Cầm).

(Theo NLĐ)

NỔI BẬT TRANG CHỦ