(Tổ Quốc) -Tại sao Việt Nam lại chiến thắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”? Câu trả lời ngắn gọn nhất, đó là thắng lợi của “bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”.
Vào những ngày này cách đây 45 năm, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải phòng. Liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến 29-12-1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 729 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B52, gần 4.000 lần chiếc máy bay chiến thuật rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu khác ở miền bắc Việt Nam một khối lượng bom đạn xấp xỉ 35.000 tấn thuốc nổ. Riêng Hà Nội, địch tập trung 444 lần chiếc B52 (chiếm gần 60% tổng số lần/chiếc) và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá vào 830 điểm; hơn 1.000 lần đánh vào các điểm dân cư, kinh tế, giáo dục, văn hoá, xã hội ở khắp 4 khu phố và 4 huyện, trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn và 78 trong số 102 xã ngoại thành[1].
Cuộc tập kích đường không chiến lược này của đế quốc Mỹ đã bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt, kết quả là 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 bị bắn rơi. Thắng lợi đó của quân và dân ta đã làm cho không quân chiến lược của Mỹ tổn thất quá nặng đến mức không thể chịu đựng được, làm tiêu tan cố gắng cuối cùng của tập đoàn cầm quyền Mỹ hòng sử dụng sức mạnh huỷ diệt để đàm phán trên thế mạnh. 7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị ta nối lại cuộc đàm phán ở Pari.
Tự vệ Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN. |
Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên bầu trời miền Bắc mà trọng điểm là bầu trời Hà Nội và Hải Phòng cuối tháng 12-1972 xứng đáng là chiến dịch “Điện Biên Phủ thứ hai”. Nhiều tờ báo nước ngoài gọi đó là “Điện Biên Phủ trên không”.
Mặc dù 45 năm đã trôi qua, song vấn đề luôn có tính thời sự đặt ra là, tại sao Việt Nam lại chiến thắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đó. Câu trả lời ngắn gọn nhất, đó là thắng lợi của “bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”.
Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta luôn phải chống lại kẻ địch có ưu thế về về kinh tế, quân sự, song không phải vì thế mà dân tộc ta không dám đương đầu, chúng ta vẫn đánh và chiến thắng. Tinh thần dám đánh giặc dù chúng là kẻ địch nào, dù chúng đông và mạnh như thế nào đã hun đúc, xây dựng nên bản lĩnh dân tộc Việt Nam, đó là bản lĩnh dám đánh giặc.
Trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, đế quốc Mỹ âm mưu sử dụng “át chủ bài” là lực lượng không quân, hải quân, trong đó có “siêu pháo đài bay” B52 được coi là bất khả chiến bại nhằm đè bẹp ý chí, tinh thần của dân tộc ta. Tình hình đó, đặt ra cho nhân dân ta phải đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng không quân và hải quân với quy mô lớn, ác liệt nhất từ trước đến thời điểm bấy giờ. Nếu chúng ta chấp nhận đương đầu, báo trước sự tổn thất, mất mát hy sinh rất lớn là không thể tránh khỏi.
Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN. |
Đánh hay không đánh? Một lần nữa lịch sử lại đặt dân tộc ta vào cuộc thử thách lớn. Nhưng, cũng vào thời điểm khó khăn, gian nan, ác liệt của cuộc chiến tranh, bản lĩnh đánh giặc của Việt Nam lại một lần nữa tỏa sáng. Bản lĩnh đó, là nhân tố cốt lõi phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc, giành chiến thắng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Bản lĩnh đó trước hết được biểu hiện bằng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẵn sàng đương đầu với sức mạnh không lực của Mỹ. Ngày 21-11-1972, tại Hội nghị Pari, phái đoàn ta kiên quyết không nhân nhượng đòi hỏi sửa đổi 126 điều trong dự thảo Hiệp định tháng 10 của phía Mỹ. Theo dõi diễn biến của tình hình, nhất là sau khi Nichxơn tái trúng cử tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai, Trung ương Đảng ta và Bộ Chính trị cho rằng không tránh khỏi một cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, nhất định đế quốc Mỹ sẽ tiếp tục đánh phá miền Bắc và có thể liều lĩnh dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, các đầu mối giao thông và các vùng đông dân cư. Ngày 25-11-1972, Quân uỷ Trung ương ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”.
Thực hiện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, các cấp, các ngành, các quân binh chủng, các địa phương đã tích cực chuẩn bị. Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho các lực lượng phòng không tập trung mọi khả năng, nhằm đúng đối tượng máy bay B52 mà tiêu diệt; các địa phương, đơn vị hết sức đề cao cảnh giác, kiểm ta và hoàn chỉnh công tác sẵn sàng chiến đấu và sơ tán; xây dựng và triển khai kế hoạch điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận của lực lượng phòng không ba thứ quân, sẵn sàng đối phó với âm mưu và thủ đoạn mới của địch. Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức rút kinh nghiệm, tổng kết cách đánh máy bay B52; bộ đội không quân, tên lửa tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cách đánh, tích cực huấn luyện bộ đội.
Đồng thời, chỉ trong thời gian ngắn, Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương khác trên miền Bắc cũng đã làm tốt công tác chuẩn bị, sơ tán nhân dân và các cơ sở sản xuất, bổ sung lực lượng, củng cố và điều chỉnh thế trận, sẵn sàng bước vào trận chiến đấu mới với niềm tin chiến thắng.
Bản lĩnh đánh giặc còn được biểu hiện trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Ngay đêm 18-12-1972, cũng như các ngày sau đó, máy bay chiến thuật và máy bay B52 địch đánh trúng nhiều trận địa phòng không và khu dân cư ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác trên miền Bắc, lực lượng ta bị thương vong, tổn thất không nhỏ, nhưng cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu vẫn kiên cường bám trận địa, đánh trả địch quyết liệt.
Dám đánh với kẻ địch mạnh hơn, nhưng đánh như thế nào? Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta dám đương đầu với những kẻ địch được coi là mạnh hơn, nhưng không đánh giặc một cách liều lĩnh mà đánh một cách tài tình, bằng mưu kế, “dùng nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, đánh giặc bằng khởi nghĩa toàn dân, bằng chiến tranh nhân dân, tạo nên nét độc đáo của nghệ thuật quân sự, trí tuệ Việt Nam trong đánh giặc.
Trong đợt tập kích chiến lược bằng không quân và hải quân từ ngày 18 đến 29-12-1972, kẻ địch không chỉ sử dụng lực lược không quân, hải quân và bom đạn đánh phá liên tục với cường độ rất lớn, mà còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi thâm độc. Máy bay Mỹ không chỉ tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng mà còn đánh phá rộng khắp trên địa bàn miền Bắc nhằm phân tán lực lượng phòng không của ta, đồng thời không chỉ nhằm vào các mục tiêu kinh tế, đánh cắt giao thông, phong toả đường biển, mà còn rất chú trọng đánh phá các trận địa tên lửa, phòng không. Chúng còn sử dụng nhiều thê đội máy bay, bay nhiều hướng, nhiều mũi, đánh phá đồng loạt mục tiêu, đánh phá cả ngày lẫn đêm nhằm làm cho ta không kịp trở tay đối phó. Đặc biệt là, để bảo vệ máy bay B52, địch bố trí lực lượng máy bay tiêm kích đi kèm và sử dụng kỹ thuật gây nhiễu hiện đại để vô hiệu hóa hệ thống ra đa của ta,…
Xác máy bay thứ 2500 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng/TTXVN |
Tuy vậy, trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, trí tuệ Việt Nam lại một lần nữa được phát huy cao độ với nghệ thuật quân sự, cách đánh hết sức độc đáo. Nét độc đáo đó biểu hiện trước hết là, chúng ta đã tổ chức được mạng lưới “phòng không nhân dân rộng khắp” với nhiều lực lượng, nhiều tầng bằng các vũ khí khác nhau từ súng trường, cho đến pháo cao xạ và tên lửa phòng không, tạo nên “thiên la địa võng”, bảo đảm có thể đánh máy bay địch khi chúng bay vào bất kỳ hướng nào, ở bất cứ địa bàn nào và độ cao nào.
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta có nghệ thuật bố trí lực lượng phòng không một cách tài tình, không bố trí theo kiểu dàn đều mà bố trí có trọng tâm, trọng điểm và có tính đến các địa bàn khác. Từ nhận định kẻ địch sẽ tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng là chính, chúng ta đã tập trung bố trí lực lượng phòng không, nhất là bộ đội tên lửa ở hai thành phố trên. Nên khi kẻ địch tập trung máy bay B52 đánh vào hai thành phố này bị lực lượng phòng không ta đánh trả quyết liệt. Do đó, trong cả chiến dịch, riêng ở Hà Nội đã bắn rơi 25 trên tổng số 34 máy bay B52. Đồng thời, ta cũng bố trí lực lượng phòng không ở các địa bàn khác, nên khi bị thất bại nặng nề ở Hà Nội, Hải Phòng, máy bay B52 của địch thay đổi mục tiêu đánh phá ở các địa bàn khác như Vĩnh Phú, Đồng Mỏ, Quảng Bình,… cũng bị chặn đánh quyết liệt.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, còn là thắng lợi của sự mưu trí, sáng tạo đánh địch của quân và dân ta. Máy bay B52 của địch dù bay cao, có máy bay tiêm kích và gây nhiễu bảo vệ, nhưng cũng bị bộ đội tên lửa SAM, thậm chí cả máy bay MIG của ta bắn rơi. Hỏa lực phòng không của ta đã tập trung vào các mục tiêu hợp lý, trong đó lực lượng tên lửa phòng không tập trung vào mục tiêu máy bay B52. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, chúng ta thực hiện tốt việc giữ bí mật, ngụy trang, nghi binh, cơ động lực lượng, bố trí trận địa, sân bay dã chiến để bảo đảm an toàn và tạo bất ngờ cho kẻ địch,…
Phát huy sức mạnh dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân thế giới; kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao cũng là nết đặc sắc tạo nên chiến thắng “Điên Biên Phủ trên không”. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, cũng như trong quá trình diễn ra chiến dịch, quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ chí tình của quân và dân cả nước. Nhân dân các tỉnh lân cận đã tận tình đón đồng bào Hà Nội, Hải Phòng sơ tán. Các lực lượng phục vụ không quản hy sinh, tận tình phục vụ bộ đội, cán bộ, công nhân đang trụ bám trận địa, nhà máy, công sở; bảo đảm điện, nước phục vụ chiến đấu, sản xuất, sinh hoạt ở các khu vực nội thành.
Cùng với các hoạt động quân sự, ta cũng kịp thời triển khai đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Ngay chiều ngày 19-12-1972, tại Câu lạc bộ Quốc tế ở Hà Nội, trước đông đảo phóng viên trong nước và nước ngoài, đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đã công bố những hành động tội ác của không quân Mỹ đêm 18-12-1972 và kết quả đánh trả của ta. Trước đông đảo các nhà báo, 6 phi công Mỹ vừa bị bắt đã cúi đầu nhận tội và thú nhận nỗi kinh hoàng trước lưới lửa phòng không dày đặc trên vùng trời Hà Nội.
Đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Điều đó cho phép chúng ta tin tưởng rằng, bản lĩnh và trí tuệ đó tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.
[1] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, tập VII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2007, tr. 316.