Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2022 với chủ đề "Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình" đã diễn ra tại Hà Nội ngày 9/11.
Đại biểu tham dự về phía Hàn Quốc có ông Kim Dong Eun, Trưởng phòng Bộ VHTTDL Hàn Quốc và đại diện các cơ quan có liên quan. Phía Việt Nam có ông Trần Hoàng, Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL và đại diện các cơ quan có liên quan của Bộ VHTTDL và Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC và các cơ quan báo chí.
Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022 là dịp để 2 quốc gia trao đổi về những chính sách, quy định về việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Theo đó, chủ đề diễn đàn "Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình" bao gồm 2 phần: Phần 1 trao đổi về những sửa đổi, bổ sung trong Pháp luật về bản quyền gần đây giữa hai nước ; Phần 2 bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình và phương án phát triển cho các ngành công nghiệp liên quan.
Tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý giới thiệu các chính sách, quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc, cụ thể là những chính sách về bản quyền của Hàn Quốc trong kỷ nguyên số và những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Bên cạnh việc trao đổi thông tin kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các báo cáo viên và các đại biểu đã có những đề xuất giải pháp cụ thể, sáng tạo, thiết thực với sự biến đổi nhanh chóng của môi trường bảo vệ trong sáng tạo cũng như là khu vực và trên thế giới góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền tác giả trong lĩnh vực truyền hình.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Hoàng, Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết: "Năm 2013, Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc đã ký kết và ghi nhớ thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực bản quyền tác giả và quyền liên quan. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được triển khai tăng cường trao đổi tài liệu liên quan đến pháp luật và công nghệ trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan thúc đẩy trao đổi thông tin, kinh nghiệm đào tạo cho công chức và các chuyên gia trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan để phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời tăng cường hợp tác trong các dự án và hội nghị của các tổ chức quốc tế như WTO, WIPO và tạo điều kiện trao đổi hợp tác giữa các cơ quan quản lý thực thi hỗ trợ trong đó có các tổ chức quản lý tập thể của hai quốc gia trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Việc hợp tác này đã thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan khai thác sử dụng tác phẩm của biểu diễn, ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của hai quốc gia.
Kỷ nguyên số và internet đã và đang cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào do chúng ta tự lựa chọn nhưng cũng đặt ra những thách thức để bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc bảo hộ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình. Việc nhà nước can thiệp để hài hòa lợi ích giữa các chủ sở hữu, quyền tác giả âm nhạc và đài phát thanh truyền hình khi khai thác và sử dụng tác phẩm là cần thiết, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ của công chúng, đặc biệt và trong môi trường số hiện nay.
Tại kỳ họp thứ III Quốc hội Khóa XV đã thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có nội dung về quyền tác giả và quyền liên quan để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 cùng với việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền đề xuất ra nhập 2 hiệp ước của WIPO về quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng, đó là hiệp ước về quyền tác giả và hiệp ước về quyền biểu diễn và ghi âm... Đây cũng là hành động cụ thể góp phần thực hiện chủ trương tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam"
Bà Nguyễn Thị Lựu, Quyền Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề xuất dự thảo nghị định hướng dẫn cụ thể hơn liên quan đến nghĩa vụ trả tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm. Bà Nguyễn Thị Lựu cho biết: "Việc quy định mức tiền bản quyền tại dự thảo nghị định cần cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu quyền, quyền và lợi ích của người sáng tạo. Qua đó, luật pháp sẽ tôn vinh tài sản trí tuệ, tôn trọng những giá trị lao động được kết tinh trong tác phẩm, góp phần thúc đẩy sáng tạo, phát triển văn hoá, xây dựng đất nước".
Việc tổ chức Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc 2022 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022 và dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan đang trong quá trình xây dựng, góp phần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực truyền hình.