• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN mở ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam

Thời sự 17/09/2018 09:02

(Tổ Quốc) - Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN 2018 tại Việt Nam là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.

Tuần qua, Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới ASEAN 2018 (WEF-ASEAN) đã trở thành một sự kiện thành công đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN mở ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam .

 

Chín lãnh đạo các quốc gia khu vực đã đến đây cùng với 1.000 doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả những tập đoàn kinh tế hàng đầu như: Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, Tập đoàn Mc Kinsey&Company, công ty dược phẩm sinh học Shire Ple (Anh)… Có mặt tại Việt Nam lần này còn gồm cả 80 doanh nghiệp start-up thuộc nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe….

Có thể nói, sự có mặt của hàng nghìn doanh nghiệp thể hiện sức hút và tiềm năng của Việt Nam và cả của ASEAN.

Trong khuôn khổ WEF-ASEAN, các lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành liên tiếp có các buổi gặp gỡ, tiếp đón và làm việc với đại diện nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Sáng 13/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn Mitsubishi, Deloitte, Hanwha Energy, McKinsey và HSBC.

Tiếp Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi - ông Ken Kawai, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị tập đoàn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong đó các doanh nghiệp Việt Nam trở thành những mắt xích quan trọng, tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, tiếp Trưởng ban quốc tế & Trưởng ban hoạch định chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng HSBC, Matthew Lobner, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngân hàng HSBC chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam ứng dụng công nghệ tài chính, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị HSBC cung cấp các báo cáo đánh giá, tham gia góp ý, phản biện về chính sách kinh tế vĩ mô, giúp Việt Nam xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các định chế tài chính và gia tăng sự chống chịu của các Ngân hàng trước tác động của tình hình kinh tế thế giới.

Tiếp ông Kaushik Das, Tổng giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của hãng tư vấn McKinsey & Company – đại diện này cho Phó Thủ tướng biết thời gian qua hãng này đã thực hiện chuyển đổi hoàn toàn hoạt động tư vấn dựa trên các dữ liệu được số hoá để thích ứng với những thay đổi, lan toả của khoa học công nghệ. Dựa trên kinh nghiệm của hãng, McKinsey sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi các hoạt động tư vấn, phân tích chính sách dựa trên những yêu cầu của công nghệ số.

Trước đó,  chiều ngày 10/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, ông Huh Chang Soo dẫn đầu đoàn doanh nghiệp sang thăm Việt Nam. Đặc biệt, trong thành phần đoàn lần này ngoài các tập đoàn lớn, còn có lãnh đạo Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc. Tại đây, lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc đã nhấn mạnh rằng, quan hệ hai nước không chỉ tập trung vào kinh tế mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch... hiện đang rất phát triển. 

Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có Hàn Quốc đầu tư thành công tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp nặng, phát triển cơ sở hạ tầng và có sự kết hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp FDI Hàn Quốc với doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường nhập khẩu hàng hóa Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại.

Trong bối cảnh Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thì sự có mặt của các doanh nghiệp và lãnh đạo Hiệp hội các nhà nhập khẩu “xứ sở kim chi” tại Việt Nam lần này sẽ góp phần mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn, sâu rộng hơn trong tương lai cho các doanh nghiệp hai bên.

Hôm 12/9, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết,  Việt Nam đang đưa ra các sáng kiến mới như hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN. Thủ tướng cũng vui mừng khi Go Jek, một doanh nghiệp khởi nghiệp của Indonesia và Go-Viet, công ty khởi nghiệp của Việt Nam khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng 4.0. Thủ tướng đã gọi sự kiện này là tin vui, tin nóng.

"Việt Nam mong muốn được thấy nhiều hơn nữa những hợp tác này", Thủ tướng nói và nhận xét không khí của công nghệ 4.0 đang lan toả.

Có thể khẳng định rằng, Hội nghị WEF-ASEAN đã góp phần quảng bá mạnh mẽ cho hình ảnh của một khu vực ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và xây dựng cộng đồng vững mạnh trong thời gian tới, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực và đã thể hiện hình ảnh một đất nước rất năng động, phát triển và tự cường trước Cách mạng Công nghiệp 4.0

Kể từ khi Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác năm 1989 đến nay, WEF là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam đang tích cực tham gia các sáng kiến, hoạt động của WEF trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin…, qua đó tiếp cận và tăng cường hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của thế giới nhằm mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ông Philip Yuen, Tổng giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của hãng Deloitt.

Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất, theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng,  Hội nghị WEF-ASEAN là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.

“Hội nghị WEF-ASEAN là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh của đất nước, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước bước đầu làm quen, tìm hiểu cũng như trao đổi và hợp tác về các lĩnh vực khác nhau với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Hội nghị WEF-ASEAN cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện bản thân và chuyên nghiệp hơn”, ông Cấn Văn Lực nói.

Trước đó, chia sẻ tại buổi họp báo, ông Justin Wood  giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá,  trong 8 năm sau lần đầu tổ chức Hội nghị WEF Đông Á tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đã có “giai đoạn phát triển kinh tế vô cùng ấn tượng và điều này được phản ánh trong quy mô của hội nghị lần này”.

Theo ông, trong kỷ nguyên số, công nghệ đột phá đang tái tạo xã hội, nền kinh tế, cũng như hệ thống chính trị nhanh chóng và điều quan trọng là các nước phải biết tận dụng công nghệ theo hướng có lợi. 

“Một điều thú vị của Hội nghị này là ý tưởng về tinh thần doanh nghiệp", ông Wood chia sẻ. Ông cho rằng tinh thần doanh nghiệp tồn tại trong hoạch định chính sách, xây dựng kinh tế, tạo dựng mối quan hệ giữa các nước về thương mại, đầu tư và đặc biệt trong xây dựng công ty mới, "những doanh nghiệp của tương lai"./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ