• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 tìm kiếm triển vọng, khuyến nghị và giải pháp để phát triển

Kinh tế 16/01/2019 15:22

(Tổ Quốc) - Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 đã chính thức khai mạc sáng ngày 16/1 tại Hà Nội với phiên Hội thảo chuyên đề "Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng- Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam".

Hội thảo, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF tổ chức, có sự tham dự của ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban kinh tế trung ương; ông Kunio Umeda, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam; ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng nhiều chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lí của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương (IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Bộ Tài chính Indonesia, Bộ Tài chính Thái Lan, Công ty PwC.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 tìm kiếm triển vọng, khuyến nghị và giải pháp để phát triển - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đại Thắng cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 gồm: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về hạ tầng thì đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào các hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị. Trong đó, tính đồng bộ được bao hàm trong 10 lĩnh vực: giao thông, cấp điện, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, xác định 4 lĩnh về hạ tầng cần thiết phải đầu tư một cách cấp bách nhất là hạ tầng về giao thông, cung cấp điện, thủy lợi - ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị. Thực hiện mục tiêu chiến lược như trên, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng Việt Nam đã từng bước được quan tâm, hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại, cơ bản đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 tìm kiếm triển vọng, khuyến nghị và giải pháp để phát triển - Ảnh 2.

Ông Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo. (Nguồn: Nam Nguyễn)

Tuy nhiên, ông Vũ Đại Thắng cũng cho biết, vẫn còn những tồn tại, thách thức nhất định đối với phát triển kết cấu hạ tầng Việt Nam trong thời gian qua như: quy mô nền kinh tế chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế, dẫn đến việc duy trì đầu tư ở mức độ cao cho kết cấu hạ tầng ảnh hưởng đến hoạt động cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến phát triển chung của toàn nền kinh tế. Thứ hai, đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng dẫn đến việc gây áp lực đối với trần nợ công cao, đồng thời hiện nay Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, do đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay giá rẻ, như ODA, sẽ giảm. Do vậy, phải tăng vốn vay ưu đãi ở mức thấp lên cao hơn, do đó, cũng ảnh hưởng rất lớn đến trần nợ công.

Thứ 3, việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn là một thách thức lớn đối với các cơ quan chính phủ. Tiếp theo, các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn đầu tư từ tư nhân cho hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP vẫn còn hạn chế.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn. Đây là cơ hội rất tốt để các chuyên gia của các nước xem xét, đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp cận đổi mới thể chế quản lí và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 có sự tham dự của khoảng 2000 đại biểu trong nước và ngoài nước, đặc biệt là có sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và ông John Kerry, Cựu ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie.

Ngoài phiên Hội thảo chuyên đề "Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng- Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam", Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 còn có 3 phiên quan trọng khác là Hội thảo chuyên đề "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững"; Hội thảo chuyên đề "Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam" và phiên tổng thể, đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững".

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm... .

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ