• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018: Hướng đến phát triển bền vững

Thời sự 20/08/2018 17:44

(Tổ Quốc) - Tại diễn đàn, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã bàn luận những vấn đề liên quan đến sự phát triển của dân tộc thiểu số ở Việt Nam, một số định hướng phát triển.

Sáng 20/8, tại Quảng Nam, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Liên Hợp quốc, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh-Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự diễn đàn.

 Quang cảnh diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số 2018.

Theo báo cáo về giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng thế giới, trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội; 4 triệu việc làm mới được tạo ra từ năm 2014; 3,3 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2014-2016; mỗi năm có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu.

Đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam cũng có nhiều bước tiến lớn. Cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ trên, đồng bào DTTS vẫn còn tụt hậu trên nhiều phương diện, điển hình như tỉ lệ chậm lớn ở nhóm đồng bào DTTS là 31% cao cấp 2 lần so với đồng bào đa số; tỷ lệ nghèo DTTS hiện chiếm 73% tổng nghèo cả nước…

Cây Sâm Ngọc Linh (SNL) là một trong những lâm sản ngoài gỗ (LSNG) với giá trị kinh tế cao. Ngày 12/9/2015 Chính phủ đã phê duyệt  đề án “Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh- Sâm Việt Nam” đến năm 2030. Với tổng mức đầu tư lên đến hơn 9000 tỷ đồng. Đến tháng 6/2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.

 Cây Sâm Ngọc Linh là một trong những lâm sản ngoài gỗ với giá trị kinh tế cao.

Tại Diễn đàn, các đại biểu lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm của đồng bào DTTS và chuỗi giá trị Sâm Ngọc Linh mô hình điển hình trong phát triển sản phẩm DTTS theo chuỗi.

Cụ thể, bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam; lâm nghiệp bền vững và cơ hội phát triển đồng bào DTTS chính sách, cơ hội và thách thức, khuyến nghị. Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng DTTS giai đoạn sau 2020; SNL- giá trị, thực trạng tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS. Ứng dụng khoa học công nghệ trong việc trồng sâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm sâm, Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị; chiến lược phát triển sản phẩm sâm.

 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã bàn luận những vấn đề liên quan đến sự phát triển của dân tộc thiểu số ở Việt Nam, một số định hướng phát triển. Theo đó, đa số đều cho rằng dân tộc thiểu số phát triển gắn liền với rừng, bên cạnh sự phát triển như hiện nay thì còn những thách thức như tỉ lệ nghèo còn cao, người dân vẫn còn thiếu ý chí làm giàu. Vấn đề là phải tuyên truyền cho người dân về ý chí làm giàu, tự lực chứ không chỉ riêng vấn đề hỗ trợ.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu để Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp cùng các đối tác phát triển tiếp tục nghiên cứu, thực hiện, cùng chung tay, đồng hành, sát cánh vì mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới.

Để xây dựng hệ thống chính sách dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn sau 2020, các bộ ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, đề ra các giải pháp, chính sách đột phá hơn nữa cho thời gian tới, nhất là huy động đượ nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc miền núi.

Quảng Nam tặng tranh sâm Ngọc Linh cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau diễn đàn.

Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; Đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ trên vùng DTTS và miền núi. Chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số những người sinh ra và lớn lên cùng với rừng mới là những người bảo vệ rừng tốt nhất, hiệu quả nhất.

Yêu cầu lãnh đạo các địa phương hãy chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính diễn đàn ngày hôm nay, từ những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển KTXH của các địa phương khác để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi của riêng phù hợp để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương mình; đề xuất về di thực và phát triển cây Sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu quý, các lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập.

“Tôi yêu cầu Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp thu và cụ thể hóa trong các đề xuất, quản lý và triển khai thực hiện chính sách của mình trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nói.

Phương Vy

Phương Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ