• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diện mạo Hà Nội thay đổi thế nào qua những dự án giao thông nghìn tỷ?

Thực hiện: HẠ VŨ | 11/12/2022

(Tổ Quốc) - Cùng nhìn lại quá trình thay đổi diện mạo của Hà Nội những năm gần đây.

Hà Nội là đô thị loại đặc biệt và có số dân đông thứ hai ở nước ta. Ngoài là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của cả nước, Hà Nội còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mạng lưới giao lưu của vùng Đồng bằng Sông Hồng. Do đó giao thông nội đô nói riêng và hạ tầng giao thông Hà Nội nói chung đóng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như giao lưu phát triển kinh tế của Thủ đô.

Hệ thống giao thông luôn giữ vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị. Do đó, những năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Diện mạo mới với những gam màu tươi sáng

Trong những năm gần đây, bức tranh về giao thông Hà Nội đã có nhiều màu sắc tươi sáng hơn khi nhiều công trình giao thông trọng điểm của Trung ương và Hà Nội đều đua nhau về đích đúng tiến độ, những công trình này đã góp phần thay đổi diện mạo, tạo đà cho thành phố vươn lên mạnh mẽ.

Trên địa bàn thành phố hiện có 23.272,86km đường bộ, có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; mạng lưới đường sắt quốc gia; đường thủy trên các tuyến như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống... Đặc biệt trong số mạng lưới giao thông hiện có, đường bộ hiện là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn thành phố.

Đặc biệt trong gần 10 năm trở lại đây, Hà Nội đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đường bộ quan trọng góp phần tăng khả năng kết nối, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, đồng bộ với đường Nhật Tân – Nội Bài tạo nên tuyến cao tốc nội đô hiện đại bậc nhất phía Bắc. Cầu Nhật Tân không chỉ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, mà còn có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng. Công trình kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay Quốc tế Nội Bài.

Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỷ đồng với tổng chiều dài 8.930m với cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp tượng trưng 5 cửa ô Hà Nội. Đây là một trong những công trình biểu tượng của Hà Nội.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 2.

Cầu vượt nút giao Long Biên. Ảnh: VnExpress

Cầu vượt và nút giao thông trung tâm quận Long Biên là một trong những công trình giao thông cực kỳ quan trọng nơi cửa ngõ phía BắcThủ đô.

Với tổng chiều dài 800m, được khởi công ngày 6/5/2014, thông xe kỹ thuật tháng 1/2016. Công trình được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông các tuyến cửa ngõ phía Bắc thủ đô với quốc lộ 5, đường 5 kéo dài; giảm tải ùn tắc và tai nạn giao thông ở khu vực này. Nút giao này cũng là trục giao thông chính phục vụ các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng, khép kín đường vành đai 2 đoạn phía Đông Bắc thành phố.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 3.

Đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh Zingnews

Đường Võ Nguyên Giáp dài 10,5km nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, đi qua địa phận 2 huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Con đường được đầu tư 6.700 tỷ đồng, thông xe vào tháng 1/2015. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, nhiều dự án đã được phát triển, tiêu biểu như "siêu dự án" Thành phố thông minh (Smart city Đông Anh) rộng 272 ha nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ, thị trấn Đông Anh. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 93.000 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2019. Hay một dự án lớn khác là công viên Kim Quy do Sungoup làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng.

Nếu các dự án lớn được hoàn thành, bộ mặt 2 bên đường Võ Nguyên Giáp sẽ hoàn toàn thay đổi. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm mới của huyện Đông Anh và là khu vực phát triển ở phía bắc Hà Nội.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 4.

Đại lộ Thăng Long.

Với chiều dài toàn tuyến lên tới 29,2 km, Thăng Long là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam, có điểm đầu tại ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng. Chiều rộng của đại lộ 140m, có những đoạn được mở rộng lên tới 16 làn xe. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng kết nối đô thị vệ tinh quy mô 600.000 dân với trung tâm Hà Nội.

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối các tuyến đường, các tỉnh và khu công nghiệp, đô thị vệ tinh, đại lộ Thăng Long đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 5.

Đường vành đai 2 đoạn qua Trường Chinh. Ảnh: Zingnews

Đầu tháng 11/2020, đường vành đai 2 trên cao, đoạn dọc đường Trường Chinh chính thức đưa vào khai thác. Và sắp tới đây, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở cũng sẽ hoàn thành và về đích.

Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông thủ đô.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 6.

Đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở

Dự án vành đai 2 Hà Nội là tuyến giao thông nội đô cực kỳ quan trọng của Thủ đô. Với chiều dài 43,6km, chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy, tạo thành vòng tròn khép kín.

Khi dự án hoàn thành và đi vào vận hành được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng nghiêm trọng cho đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai... góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của Hà Nội.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 7.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, có tổng chiều dài là 13,8km chạy qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông. Với kỳ vọng đầu tư đồng bộ để tạo kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khách giữa nội đô Hà Nội và ngoại thành.

Đặc biệt, sau 1 năm đi vào vận hành và khai thác, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã dần chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh khối lớn văn minh hiện đại của thế giới và là lực lượng xương sống vận tải hành khách công cộng đô thị lớn như Hà Nội.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 8.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông, một dự án đường sắt khác cũng sắp được đưa vào khai thác đó chính là dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Với mục tiêu gần nhất đặt ra là hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn 8,5km trên cao vào cuối năm 2022, tính đến cuối tháng 10, tiến độ của dự án đoạn trên cao đạt 97%, đoạn ngầm đạt 42%.

Thành phố cùng chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao dài 8,5km phục vụ người dân Thủ đô vào cuối năm 2022; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đoạn đi ngầm dài 4km theo kế hoạch.

Trong bối cảnh số lượng phương tiện giao thông cá nhân tại Thủ đô vẫn tăng từ 4 đến 5%/năm, những dự án đường sắt như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo diện mạo mới văn minh cho Thủ đô.

Tiếp tục hoàn thiện kết nối

Vai trò đô thị trung tâm của Hà Nội được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính nó, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng.

Trong đó, việc đầu tư hình thành các tuyến giao thông đường bộ cụ thể là các tuyến vành đai và cao tốc đã góp phần kết nối giao thông, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đó là các hành lang: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 9.

Nút giao nối đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Đây được coi đòn bẩy kinh tế quan trọng cho vùng kinh tế Bắc bộ nói riêng, cả nước nói chung mà còn mở ra những cơ chế mới trong việc thu hút nguồn vốn, cũng như triển khai các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Chưa dừng lại đó, Hà Nội còn có thế mạnh đặc biệt với cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài, cảnh cổng mở ra kết nối với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đường sắt và đường thủy liên vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn, hàng không và đường bộ đã phát huy mạnh mẽ vai trò chính yếu để đảm bảo cho Hà Nội giữ vững vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố vẫn còn khá rời rạc và chưa phát huy được hết tác dụng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định "tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô".

Trước mắt, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao vào cuối năm 2022. Đồng thời Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025-2030.

Diện mạo Hà Nội qua những dự án giao thông nghìn tỷ: Điểm tựa tạo động lực "cất cánh" Thủ đô - Ảnh 10.

Đường bộ và đường hàng không là thế mạnh của hạ tầng giao thông Thủ đô

Ngoài ra, để tăng khả năng kết nối giao thông, giao thương giữa các địa phương, khu vực, thành phố sẽ đẩy nhanh dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027), qua đó góp phần mở rộng, tạo ra không gian phát triển mới, có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Đặc biệt, trong quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng 10 cầu vượt sông Hồng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên; Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc-Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

Với “bức tranh” giao thông như hiện nay và những nhiệm vụ mới đặt ra, Hà Nội hoàn toàn có thể hy vọng về một hệ thống giao thông hiện đại trong tương lai, giải quyết tối đa các vấn đề tồn tại của đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

NỔI BẬT TRANG CHỦ