(Tổ Quốc) - “Ở đây lỗi lớn nhất thuộc về ngành thuế. Nguyễn Kim là một trong những doanh nghiệp lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ thì không thể không theo dõi sát sao, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc.
- Ông nhận định thế nào về vụ việc bị phạt, truy thu 150 tỷ đồng tiền thuế đối với Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim?
Luật sư Trương Thanh Đức. (Nguồn: cafef.vn) |
Ông Trương Thanh Đức: Có 2 trường hợp gồm thuế của doanh nghiệp và thuế cá nhân người lao động. Doanh nghiệp thì cũng có nhiều loại, điển hình là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập.
Nếu trốn thuế, kê khai gian về thuế doanh nghiệp thì nguy cơ hình sự rất lớn. Khi không khai báo, khai báo sai, để ngoài sổ sách khoản nộp thuế thì mức 100 triệu đồng đã phải bị xử lý rồi. Trừ trường hợp không cố tình, nhầm lẫn, sai sót…
Với Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim tôi cũng chưa rõ thuộc trường hợp nào. Nếu hành vi cố ý trốn thuế thì phải xử lý hình sự chứ không chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.
Khi kiểm tra hạch toán, bóc tách, loại trừ thì các doanh nghiệp thiếu vài tỷ tiền thuế là bình thường, tuy nhiên, khi con số lên tới 150 tỷ đồng là không thể bình thường được.
-Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM Nguyễn Nam Bình cho biết, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim khai sai, họ vẫn thể hiện toàn bộ thu nhập chi trả cho nhân viên trên sổ sách kế toán chứ không có hành vi che giấu, giả mạo hay để ngoài sổ sách. Họ kê khai sai vì không hiểu đúng luật thuế thu nhập cá nhân. Quan điểm của ông như thế nào về việc một doanh nghiệp lớn như vậy mà lại không hiểu đúng về luật thuế thu nhập cá nhân đến nỗi kê khai sai cả chục năm?
Ông Trương Thanh Đức: Một doanh nghiệp nhỏ xíu thì cũng hiểu về luật thuế thu nhập cá nhân trừ trường hợp mới kinh doanh, trường hợp không có chuyên môn trình độ gì, không có kinh nghiệm kế toán chứ với Nguyễn Kim thì không có chuyện đấy. Chẳng qua người ta “lách” được thì được, người ta hợp thức hóa… 90% các doanh nghiệp là làm như thế.
Thực ra sau 10 năm mới phát hiện rồi mới xử lý thì cũng khó khăn cho doanh nghiệp vì khoản truy thu và phạt 150 tỷ đồng là khoản tiền không nhỏ. Nếu xử lý sớm thì sẽ tốt hơn.
Tôi cho rằng, ở đây lỗi lớn nhất thuộc về ngành thuế. Với những doanh nghiệp nhỏ thì không sao nhưng Nguyễn Kim là một trong những doanh nghiệp lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ thì không thể không theo dõi sát sao, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý.
-Đại diện ngành thuế cũng cho biết thêm rằng, trước giờ chính sách thuế của Việt Nam (trong đó có thuế thu nhập cá nhân) chủ yếu thực hiện theo cơ chế tự khai, tự nộp. Khi nào phát hiện ra doanh nghiệp có những dấu hiệu bất thường hoặc phát sinh khiếu nại, tố cáo… cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra các nghĩa vụ thuế. Quan điểm của ông về điều này?
Ông Trương Thanh Đức: Tất cả là do thể chế. Ngành nào cũng bị “tệ nạn” nghiêm trọng như vậy: yếu kém, bất thường và không làm đúng trách nhiêm, có dấu hiệu tư lợi và bao che, thậm chí tham nhũng. Không phải riêng ngành thuế mà nhiều ngành như vậy. Nếu không thay đổi cái gốc thì đừng nói gì cả. Mọi thứ đều phải có sự rạch ròi, công khai, minh bạch… chứ đừng nói cho vui.
Tôi cho rằng, 90% doanh nghiệp Việt Nam có vấn đề về thuế.
-Vậy theo ông, đối với trường hợp Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim nên bị xử lý thế nào?
Ông Trương Thanh Đức: Nói chung, nếu xử lý quá nghiêm khắc, quá đúng luật thì lại trở thành vấn đề rằng có gì đó như là “oan” vì lâu nay các doanh nghiệp khác vẫn làm thế mà nay Nguyễn Kim lại bị xử phạt.
Vì vậy, cần phải có hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra hành chính kịp thời. Nếu phát hiện những vi phạm trắng trợn và rõ ràng thì cần xử lý hình sự ngay. Song song với đó, cần phải giáo dục, tuyên truyền trong việc nộp thuế.
Tôi cho rằng cần phải có biện pháp sốc lại, chấn chỉnh lại toàn ngành để giảm thiểu hành vi trốn thuế, vi phạm, gian lận trắng trợn như hiện nay, trong đó có việc làm thế nào để giảm thuế cho doanh nghiệp.
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang